KIỂU NÀY, TÔI ĐIÊN MẤT!

[Sau tút này, tôi nghỉ mươi ngày, để thoát cơ hội… điên]

Tiểu thuyết Chân dung Cát viết năm 2000, tôi phác họa nhân vật Thuman: 

“nông dân – thi sĩ, sẵn sàng vác giạ lúa cuối cùng trong nhà đi đổi rượu, gầy cuộc nhậu thuyết về trường thơ hậu hiện đại tận trời Tây với “định mức tinh thần” mỗi ngày phải sản sinh một ý tưởng mới.”

Mỗi ngày một ý tưởng mới, rồi nghỉ. Không gì thêm, không gì khác.

Hệt Thuman, tôi thuở trai tráng cũng thế, kéo dài tận lục thập. Lạ, thời gian gần đây, đầu óc tôi nó sanh sự. Có lẽ tôi không còn đủ sức mạnh tinh thần chế ngự nó nữa. Mỗi ngày một ý tưởng mới lòi ra, nó vẫn chưa chịu ngưng. Mới, rồi mới rồi mới. Đứa nào nấy cũng đòi có mặt qua chữ nghĩa tôi. Sớm nhất! Đến không kịp thở, tôi điên mất!

Facebook, mỗi ngày 2-3 tút – là chuyện nhỏ, “Đi tìm Sinh lộ cho Cham Ahier Awal” là việc chính, rồi tiểu thuyết tương lai nữa.

Trong khi mấy giấc mơ lớn đang lạc loài…

[1] “Đi tìm bản trường ca bỏ hoang”, đã viết một chương in trong Chân dung Cát-2006, và lên kịch bản phim nhựa. Phim chuẩn bị quay thì ngưng, do biến cố Hoàng Sa-TS, hai vai chính là nhà văn Minh Ngọc và đạo diễn Song Chi biến ra nước ngoài. 

Bản trường ca bỏ hoang mang tính biểu tượng lớn, hóa giải sự phân hóa nỗi Cham, ám ảnh nhân vật Chân dung Cát, đến hắn ném bỏ biên chế ngon lành ở Huyện, rời bỏ cả gia đình đang yên ấm, đi – miệt mài.

Hệt hắn, chủ đề này mãi ám tôi, không dứt ra được.

[2] “25 năm làm nên một Quan Họ” là về Tù binh Chàm, tôi đã viết trọn một chương trong tiểu thuyết Tcherfunith-2012. Đây là tiểu thuyết “faction”, trong đó 3 chuyện:

Về sự kiện: Tiểu thuyết sẽ vẽ lại giai đoạn lịch sử quan trọng nhất trong quan hệ Champa Đại Việt; câu chuyện tù binh Cham liên quan đến thân phận con người; cả thân phận tình yêu từ hai dân tộc khác nhau, môi trường sống và văn hóa khác nhau, cùng rất rất nhiều chi tiết tùy nhà văn tưởng tượng ra.

Ba món đó thôi cũng đủ làm nên tác phẩm lớn.

[3] Tôn giáo Bà-ni, với tinh thần nhân văn và hòa bình cao vời – một cống hiến lớn nhất của Cham cho nhân loại, theo cách nhìn của tôi. Đây sẽ là đề tài nguy cơ mang giải Nobel về cho Việt Nam như chơi, nếu tài năng trẻ nào đó dám ba cùng và chịu đi đến cùng với nó.

Ai, Cham hôm nay có thể nhập cuộc để chơi “trò chơi thế giới” le jeu du monde kia? Hay ta cứ cắm cúi vào nghiên cứu, không gì hơn để chứng tỏ “tao giỏi hơn mầy” nơi ao làng?!

Văn chương, phải bắt đầu từ cái lớn, chứ không lẹt đẹt kèn cựa nơi đám ruộng HTX nhỏ lẻ, manh mún. Suy tư toàn cầu, hành động địa phương Think globally, act locally. Cham có quá nhiều đề tài mới, lạ để viết. Thế giới hôm nay cũng thế.

Vừa qua trả lời phỏng vấn Vanviet, tôi có đoạn này:

“Ngay giờ phút này, chiến sự Ukraina đang nóng. Hãy tưởng tượng cặp tình nhân trẻ kia, vừa thoát qua biên giới Ba Lan với ảo tưởng mình tài năng, có lí tưởng khoa học – sẽ trở lại phục vụ đất nước hiệu quả hơn, ở thì tương lai. Trong khi đồng tộc đang chết, người thân yêu, cả bạn học cũ đang bị giết hại ngày qua ngày.

Tối xuống nàng tự hỏi, mình có nên làm tình không, có nên hỏi anh tối nay mình có nên làm tình không. Mặc cảm giằng xé, dù quyết không, nhưng rồi họ đã. Như là “con” không khác mọi mọi con khác. Sau đó, họ tiếp tục đi về hướng yên bình nhằm hiện thực lí tưởng hay quay trở lại địa ngục trần gian nơi quê nhà, là chuyện của mỗi nhà văn.

Thực tại và lí tưởng, tự do cá nhân và trách nhiệm cộng đồng, tình yêu và tình dục, sự sống và cái chết… Đấu tranh nội tâm của hai nhân vật này đủ làm nên tác phẩm lớn.

Ai, nhà văn Việt Nam làm được chuyện đó?

Nói đâu xa, ngay quê nhà ta thôi, sự kiện Hoàng Sa-TS, 15 năm qua đi và đang tái diễn, ta vẫn cứ là chưa.”

Nhìn qua văn hóa Cham, tạm hô to tên ba giấc mơ lạc loài.

[1] Âm nhạc Cham, từ năm 1993 tôi đã thu thập đủ đầy tư liệu, vậy mà suốt mười năm soi tìm khắp hang cùng ngõ hẻm đất nước hình chữ S này, không có lấy một mống để chung tay làm. Để đến hôm nay, mấy ấn phẩm nhỏ lẻ cứ dật dờ, lèo tèo xuất hiện. Hỏi có thảm không, với nền âm nhạc như của Cham!

[2] Dấu vết Champa ở Thăng Long, phải nói là bạt ngàn, Từ năm 2000 tôi đã gợi ý cho vài người. Vẫn cứ là im ắng. Ngán gì! Thử dấn thân vào đi, hết mình đi, sẽ là công trình lớn lao, tạo dấu ấn đậm – bạn vào sử sách ngồi muôn năm, không ai bứng nổi.

[3] Hải sử & văn hóa biển nữa, từ năm 2010 là đề tài thuyết trình hấp dẫn của tôi. Mà tôi có là nhà sử học đâu, chỉ có thể  gợi mở, chứ không thể làm gì hơn. Ai là kẻ dám nhập cuộc?

Hay ta cứ theo bước người trước mà nhai lại, làm lại cái các nhà đã làm. Phản bác xíu, thêm chỗ này bớt nơi nọ, để làm thành một… công trình.

Trở lại với văn chương, Italo Calvino:

“Những dự án mang tham vọng quá trớn có thể bị chối từ trong nhiều lĩnh vực nhưng không thể bị chối từ trong lĩnh vực văn chương. Văn chương chỉ còn sức sống nếu chúng ta tự đặt ra cho chính mình những mục tiêu bất khả lượng đạt, vượt quá tất cả những hi vọng về sự thành tựu. Chỉ chừng nào các nhà thơ và nhà văn tự đề ra cho chính mình những công tác không có bất cứ ai dám tưởng tượng đến, thì văn chương mới đạt được tác dụng của nó…”

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *