Apsara vũ nữ Chàm Trà Kiệu, đích thị! Không phải bới “nàng” được cho là đẹp hàng đầu Đông Nam Á, mà là khác.
… Trong điệu vũ khơi vơi
Apsara phô phang đường cong diễm ảo
Những đường cong chạm vào vĩnh cửu
Vĩnh cửu xoay trong lốc vô thường
(Trích trường ca “Quê hương”, trong Tháp nắng-1996, viết năm 1982)
Vĩnh cửu và vô thường, sát-na và thường trụ, sức mạnh đặt bên cạnh cái đẹp dễ vỡ, sáng tạo để theo bén gót nó là sự phá hủy… Mấy cặp nhị nguyên luôn ám tôi như loài ma, để mỗi lãng du lên tháp là mỗi lần nó ập đến, đột ngột vồ chụp lấy tâm thức tôi, không dứt ra được.
Lần đầu đến Đồng Dương, chứng kiến sự hoang phế cảnh quan với ngổn ngang gạch tháp, không thể không nghĩ đến bạt ngàn công sức và trí tuệ sinh linh Cham đổ vào dựng lên, bát ngát mồ hôi, nước mắt và cả sinh mạng mấy thế hệ ông bà đổ ra bảo vệ. Tất cả rơi vào đổ vỡ và tàn tạ.
“Công trình kể xiết mấy mươi” (Kiều).
Mà đâu riêng mỗi Cham.
Hai lần tôi đặt cho anh Chỉnh tạc tượng Apsara từ đá sa thạch quê anh, kích cỡ thu còn 20% để đặt trước bàn viết, hai lần sơ ý tôi khiến nó ngã gẫy. Gẫy ngay “đường cong diễm ảo khơi vơi” ấy! Tôi không đủ sức mạnh tâm linh hay sự tinh tế của cử chỉ để bảo vệ nàng.
Như con voi với nhành sen kia, đã.
Một lần tôi vô cùng bất ngờ, khi được bác bảo vệ tháp Chiên Đàn chỉ cho thấy phù điêu gạch hình con voi nâng đóa hoa sen nằm lẫn trong đất. Vòi voi và nhành sen. Sức mạnh thể chất bên cạnh cái đẹp tinh khiết mong manh.
Và cả hai đang bị vùi dưới nền đất.
Dẫu sao đi nữa, sát-na kia vẫn còn thường trụ trong kí ức tôi, lưu lại trong chữ nghĩa tôi, qua búp sen nhô ra từ lớp bùn đất kia tạo liên tưởng nỗi nhớ khôn nguôi phần đứt gẫy của đường cong xưa ấy. Để không làm gì cả, bởi chính tôi cùng chữ nghĩa tôi cũng sẽ về với bụi đất. Ở một khoảng nào đó trong dằng dặc thời gian…
Thương không!