Tiểu luận “Thơ như là con c-ứng” [từ đây để làm vừa lòng bộ phận nhà văn có đạo đức, tôi tạm viết tắt như thế] tạo dư luận thuận và nghịch. Không kể cánh “kị húy” chống nó, ngay các bạn ủng hộ tôi, cũng có vài ngộ nhận nhỏ.
Cần có vài giải minh như sau:
“Tôi là kẻ đốt lửa, nuôi lửa và truyền lửa” – tôi hay tuyên thế.
Ở các buổi nói chuyện với sinh viên hay học sinh Trung học cuối cấp, tôi ưa dẫn “Tuổi 17 bẻ gẫy sừng trâu”, và đưa ra hàng loạt tên tuổi ngoài kia “làm nên lịch sử”, ở mọi lĩnh vực. Trong đó có người còn ở tuổi vị thành niên: Arthur Rimbaud, Greta Thunberg, Hoàng Chí Phong, Mavivo Sinan, và cả Chế Lan Viên của Việt Nam nữa. Mục đích khích lệ, và cả khích tướng các bạn.
Sắp tới có hội nghị Viết văn trẻ, cần có bài viết xốc lại phong trào văn chương nước nhà đang quá khiêm tốn, èo uột. Tiểu luận “Thơ như là con c-ứng” có mặt nhằm đáp ứng nỗi ấy.
[1]
Húy kỵ là thứ tâm lí nô lệ yếu nhược từng đè nặng tâm hồn lẫn lối nghĩ, lối viết ta, từ ngàn năm qua đến nay vẫn chưa thoát. Thành mê tín! Húy, ta biến Nhậm thành Nhiệm, Châu thành Chu, Hoàng thành Huỳnh, Tông thành Tôn… góp phần không nhỏ khiến tiếng Việt ngày càng phong ba bão táp.
Sáng tạo văn chương được cho là mảnh đất tự do nhất, ta vẫn cứ là húy. Húy kiểu ấy mà văn chương Việt Nam nó lớn đi, nó đại cồ bự đi thì nên lắm. Đằng này nó luôn bị than vãn là nhỏ và yếu, là tí hon. Pháp, Anh có viết tắt mấy từ “tục” bao giờ. Lũ chúng nó vẫn hiên ngang tồn tại đủ đầy và sòng phẳng với mọi mọi từ nào khác ấy chứ.
Vậy mà ta không học, cứ đi bộ sang Tàu học, mèng!
[2]
Bộ phận kín, ta tôn trọng nó, cả nghĩa đen lẫn bóng, và chỉ mang ra xài, khi có việc cần.
Trong văn chương, mô tả bộ phận sinh dục hay hành cử sinh hoạt tính dục, cụ thể và trắng trợn quá bị coi là khiêu dâm, còn thi vị hóa nó được gọi biến tục thành thanh, như Hồ Xuân Hương nhà ta.
Ngoài đời, sinh linh xài tới nó khi thấy mình ở thế lép, yếu không làm gì được đối phương. Phái nữ, thường để sỉ nhục; nam: để dương oai, thách thức.
Trần Dần: “Nắm, nắm cái con cặc“, là tỏ thái độ thách thức.
Còn Nguyễn Huy Thiệp khi trích lục bát của Đồng Đức Bốn (?) với “dí”, “dí” này nọ là muốn làm nhục nhà thơ, và sỉ nhục chính thơ ca, bởi ông quá chán ghét thơ và bộ phận được cho là nhà thơ hôm nay – có lẽ.
Tương tự, Msa trong bài thơ “Thằng Hoang” (Chuyện 40 Năm mới kể, 2006):
“… Hắn đã tặng cho hoa hậu lớp
Msa một bụng rồi bỏ đi mất
tăm dặn đợi anh em nhé, mười
năm chờ hết nổi nàng chửi gió
đợi nó cho mệt cái lồn vụt
cưới chồng Hamu Crok…”
“Đợi cho mệt cái lồn” là LỜI NHÂN VẬT Msa khi bất lực, đành xài tới món đó để chửi nhân vật “Thằng Hoang”! “Mệt cái lồn” được chuyển dịch từ thành ngữ Cham “caang ka gleh ting”, các bà mẹ và nhiều người nữ Cham xài rất thường! Cả ba nhà văn nữ ở nhà xuất bản cũng thấy nó rất bình thưởng, còn kêu anh Sara khéo đưa nó vào thơ nữa.
[3] “Thơ như là con c-ứng” hoàn toàn khác. Nó không cư trú chốn sáng tác văn chương, cũng không ở đời thường, mà xuất hiện trong tiểu luận nghiên cứu khoa học, nghĩa là rất khách quan.
Derrida – triết gia, giảng viên Đại học: “Nghệ thuật là một con cặc nứng”. Inrasara nhà phê bình Việt Nam dùng lại: “Thơ như là con c-ứng”. Cả hai là tiểu luận, sử dụng thủ pháp so sánh, VÍ. Nó không hạ nhục ai hay tỏ thái độ khiêu khích cái gì, cũng chả khiêu dâm chi chi, mà trung tính. Trung tính nên vô can.
Vấn đề ở đây là đúng/ sai, hay/ dở, chứ không liên quan đến thanh/ tục, dâm hay không dâm. Không phân biệt hai phạm trù, dị ứng là điều khó tránh. Riêng tôi cho đó là lối ví hay, đắc và đầy hỉnh ảnh khi liên tưởng SỰ LÀM THƠ & “CON C-ỨNG”.
Trong bài, tôi phân tích 2+1 khía cạnh của vấn đề:
– Hiện tượng: Sáng tác thơ là rất tùy hứng, có thể một ngày 33 bài như Bùi Chát hay ba năm chỉ hai câu thơ như Giả Đảo, là chuyện thường; ở đó có nhà dẻo dai và trường sức có nhà sớm cạn kiệt thành èo uột.
– Nguyên do: bản năng mà thiếu lí tính, xài bừa bãi mà không biết tiết chế…
– Khía cạnh thứ ba: Con c-ứng và đối tác không khác mấy quan hệ giữa sáng tác thơ và độc giả.
Có nhà thơ nuông chiều quá thành nô lệ độc giả [tình dục]; có nhà biết hợp tác [lắng nghe và thấu hiểu] để cùng lên đỉnh; cạnh đó có nhà thơ dũng cảm sáng tạo độc giả, khiến độc giả đau đớn dằn vặt, để cuối cùng họ được thưởng thức sản phẩm mới lạ chưa từng có.
Tôi tạm gác phần này lại dù đây là mục thiết yếu không thể bỏ qua của “con c-ứng”.
Tại sao? – Bởi bàn thêm thành… dài.