[hay. Đâu là lí tưởng của cô gái trẻ, đẹp Cham hôm nay?]
Sinh linh Cham nào đó làm được việc gì đó cho cộng đồng, cộng đồng có thể quên, chớ nhà văn, bạn không được quyền. Bởi nhà văn là kẻ lưu giữ kí ức dân tộc.
Viết URANG CHAM [về 40 nhân vật Cham], tôi không nhằm thêm đầu sách vào “sự nghiệp” của mình, mà là một ghi nhận, một tạ ơn, và một gợi hứng.
Về “nhân vật” trẻ nhất: QUA THỊ HỒNG LOAN, ở tiểu thuyết Hàng mã kí ức-2011, tôi viết:
“Lần đầu tiên nghe Hồng Loan hát dân ca trong chương trình về văn hóa Cham trên VTV1 năm 1984, tôi rùng mình. Đây chính là giọng trời sinh riêng dành cho dân ca. Mãi mười năm sau, qua Trà Vigia tôi mới làm quen với chị. Và hướng dẫn chị hát chuẩn lời Cham hơn. May quá, chị không cãi lại. Chứ như sinh linh Cham hát sai be bét như trước thì uổng cho cả hai: giai điệu và chất giọng.
Đúng mười năm sau, Katê 2004, tôi dẫn giáo sư Thái Lan Thawi tạt qua Krong nghe chị hát. Ngài giáo sư gần như lịm người mà nghe. Chất giọng vẫn như xưa! Chị Hồng Loan vẫn cứ như xưa: nhiệt tình, tháo vát, quyết đoán và đầy nhân ái.
Cùng anh chồng Chế Quốc Minh, chị vượt phận nữ nhi thường tình, xin ở Quỹ Terre des Hommes làm hệ thống nước sạch cho hai làng: Paplom – Cham và Phan Dũng – Raglai. Rất oách!”
Về INRAHANI, vợ tôi.
Tuổi 18 thuộc hàng sắc nước hương trời, thập niên 1960 mà ảnh chân dung được treo ngay trung tâm hiệu ảnh Ánh Xuân dưới Phan Rang đủ minh chứng. Thêm năng khiếu múa trời cho, ở hôm nay tầm ấy đạt món danh hiệu “hoa hậu” dễ như bỡn. Nhưng không, Hani làm khác.
Đọc qua tiểu thuyết Mỵ Lan Hương “anh chàng” Nguyễn Ngọc Đảo tặng, nghe “tiếng gọi non sông” ‘xap iêw tagôk jalaan’, con Trụ bỏ làng đi ‘ngak ia’ “làm nước”. Lên Ban Mê rồi qua Cambodia cầm đến cây súng vượt suối băng sông mấy lần hút chết… thì phải nói thuộc dạng siêu hiếm.
Hoa hậu thời buổi này ở xứ sở này dễ gì…
Chớ sau đó, chuyện Hani xây dựng phong trào mẫu giáo ở quê nhà thì miễn, bởi bạn cống hiến và bạn ăn lương Nhà nước. Ngay cả khi Hani làm 5 cuộc cải cách thổ cẩm [đã kể], dẫu tạo vô số công ăn việc làm cho chị em Chakleng và đóng góp lớn cho phát triển ngành nghề tới đâu, cũng không nên kể công. Bởi bạn làm, và bạn đã hưởng lợi, còn bà con ăn theo thành quả đó là thuộc về khác rồi.
Ở đây nói về PHI HUÊ LỢI từ đóng góp kia.
Vào Sài Gòn dựng Công ty Thổ cẩm Inrahani ăn nên làm ra, Hani đã:
[1] Lập Quỹ Inrahani, thường xuyên giúp đỡ bà mẹ neo đơn [hơn 10 mẹ], làm giải thưởng cho cá nhân Cham tiêu biểu vươn lên từ khó khăn [3 lần x 2 người], thường xuyên tặng quà cho người tàn tật…
[2] Từ khoản huy động [và một phần của Công ty], Hani đã mang 500 xuất mổ đục thủy tinh thể đến cho bà con Cham ở Ninh Thuận.
[3] Cũng theo cách ấy, là phần quà từ thiện cho các palei Cham: Hiếu Lễ, Hậu Sanh…
[4] Xin Quỹ Sứ quán Canada 350 triệu [khoản 80 cây vàng] làm nhà mẫu giáo, nhất là mang hệ thống nước sạch về cho dân Chakleng, là đầu tiên của Cham Ninh Thuận.
[5] Các hoạt động khác: tổ chức phong trào thể thao, văn nghệ…
Cuối cùng, điều nữa không thể không nói: Đó là Hani đã mang hàng truyền thống dân tộc ra thế giới – qua non 20 nước, góp phần không nhỏ làm cho từ CHAM vang rộng và xa hơn. Qua đó Cham được biết đến nhiều hơn.
Được gì, và mong gì?
Không được gì, và không [nên] mong gì cả! Tinh thần là thế, mà thực tế cũng vậy.
Ở thời cao điểm Covid-19, Hani hai lần đột quỵ nhập viện, hiếm Cham hỏi thăm, nói chi quà cáp. Rồi vừa qua, “nàng” về quê mươi ngày cũng vậy. Buồn không? – Không!
Thứ nhất, đối tượng Hani giúp là bộ phận dưới đáy xã hội, hay sinh linh bị hoạn nạn, bà con không điều kiện hồi đáp. Thứ hai, nhân loại dễ quên, nhất là quên cái “chung”.
Kể chuyện này nhằm cảnh giác trước các bạn nữ Cham rằng, nếu có – sau hào quang hoa hậu dẫu mang tính địa phương nhỏ lẻ, bạn mơ gì, và làm gì? Hay chỉ ước có đại gia hay trọc phú nào đó rước đi làm đồ chơi, như không ít tên tuổi trong giới showbiz VN thời gian qua?
Nữa, rằng “làm xã hội” chớ mong được trả ơn.
Hãy làm, rồi quên. Làm, và quên.