ĐỐI THOẠI KOBE-mở. VĂN CHƯƠNG, TƯ TƯỞNG & MÔI TRƯỜNG

Phê bình thuần cảm tính thế nên mãi ăn theo sáng tác; một nhà văn thiếu tư tưởng sẽ mãi ăn mòn vào củ khoai năng khiếu (Inrasara, báo Lao động, 2006). Vậy đâu là tư tưởng của tôi?

Lẽ ra đây là tút đầu tiên, tôi cố ý xếp ở cuối serie để làm lời kết. Và đáng ra đây là bài “nói” đầu tiên, mở màn cho đọc thơ và đối thoại, nhưng rồi Covid-19 đã làm lỡ cuộc. Xin lược ghi hầu bà con và các bạn facebook.

[1] Phần đầu tôi nói về căn tính Việt và Cham. Việt mạnh về đất liền nhưng sợ biển, Cham yêu biển cả lại yếu về đất liền.

Phát kiến của tôi: Việt thất bại chạy qua Tàu náu thân, dòng họ Hồ Quý Ly là một; thất thế, Việt chạy qua Tàu cầu viện, Lê Chiêu Thống là điển hình tiên tiến. Cham khác.

Khỏe, Cham vượt đại dương qua Ấn Độ học đạo: Vua Gangaraja nhường ngôi cho cháu ở thế kỉ IV sang đất Ấn tu hành, rất xứng danh anh hào. Mạnh, Cham viễn dương sang Nhật Bản truyền đạo: Bồ tát Phật Triết với Đại Thừa vào thế kỉ VII, là ví dụ. Thất thế, Cham vượt biển thoát thân qua Hải Nam, Philippines, Đài Loan thế kỉ XI; còn yếu – Cham lên tàu đến Malaysia cầu cứu.

Hai căn tính của hai dân tộc của hai nền văn minh lớn góp phần quan trọng làm nên nền văn hóa Việt Nam hôm nay, là một bổ sung cực kì. Tôi thuyết về sự bổ sung đó.

[2] Một câu hỏi khá bất ngờ của nữ giáo sư Đài Loan ở giữa chừng màn đọc thơ.

– Phản biện Điện hạt nhân, Inrasara có bị đe dọa không?  

Tôi nói, không! Việt Nam là mảnh đất lắm xung đột, nhiều tranh chấp, không chính quyền nào dại dột đi làm hại sứ giả cả. Tôi trích Chân dung Cát-2006:

– Cậu em có biết Viện sĩ Phạm Huy Thông đã nói gì không?

“Văn hóa Champa, dù tiếp nối hay vượt lên văn hóa Sa Huỳnh nẩy nở ở đây trước đó, là một cống hiến xuất sắc vào kho tàng văn hóa Việt Nam xưa và nay (…) và người Chăm là một gạch nối nối liền nước ta với Đông Nam Á hải đảo, mà quan hệ nhiều mặt giữa đôi bên ngày càng trở nên mật thiết”

– Hãy chú ý đến từ gạch nối, gạch nối cho Việt Nam và khối ASEAN. Cham chúng ta, chỉ chúng ta thôi. Như là sứ giả mang tầm khu vực. Đó là sử mệnh của chúng ta. Phải hướng nghiệp và đào tạo con người Cham đủ khả năng gánh vác sứ mệnh nặng nhọc và vinh quang này. Đó là mục tiêu duy nhất từ nay đến cuối đời ông anh Cao Xuân Hoang mầy hướng tới.”

Tôi là sứ giả của “gạch nối” đó!

[3] Câu hỏi khác:

– Inrasara làm quá nhiều việc khá tréo ngoe: Sáng tác, phê bình, nghiên cứu, hoạt động xã hội và cả kinh doanh. Có trở ngại gì ở đây không? Nữa:

– Làm sao có thể nẩy ra một nhà văn đứng ở đường biên trong một đất nước độc đảng mà vẫn làm việc tốt lành? Tôi nói:

Nhà văn hậu hiện đại là kẻ có thể theo dõi các trào lưu triết học mới nhất trên thế giới đồng lúc vẫn cặm cụi đi điền dã lượm nhặt từng dòng ca dao, từng câu tục ngữ, hay sẵn sàng mở cuộc điều tra nạn trộm cắp gà tại quê nhà để giúp chính quyền địa phương dẹp tệ nạn xã hội (“Đối thoại hậu hiện đại”, Tienve.org, 3-2009).

Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam nhưng tôi là một outsider đích thực. Nghiên cứu văn hóa Cham, tôi vẫn là kẻ ngoài cuộc. Ngoài cuộc, mà không vô trách nhiệm. Hết mình, và sẵn sàng bỏ đi.

Đó là tư tưởng hóa giải và hòa giải tôi học được từ vua Pô Rômê.

Tiếp đến tôi triển khai tư duy biển lớn của Cham, tinh thần Nhập cuộc về hướng mở của tôi, tư tưởng giải trung tâm hậu hiện đại, và: Trước khi yêu nhân loại hãy học yêu kẻ láng giềng cùng người nhà, trước khi hô hào bảo vệ môi trường thì hãy tập trồng cây trong khuôn viên nhà mình cái đã…

[4] Câu hỏi cuối: Có Cham nào như Inrasara không? Hay nói khác đi: Inrasara có hậu duệ không? Tôi nói:

– Điều không thể tránh thì không thể tránh. Đây là câu hỏi định mệnh. Câu hỏi định mệnh là không thể tránh.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *