Câu chuyện Cham-98. TÔN GIÁO CHAM?

Hôm trước, bạn trẻ Thành Trung cho hay bị một vị bắt bẻ “Cham có tôn giáo đâu mà la!”, mới nhờ đến tôi. Hôm qua, thêm facebook Tưởng Chu Nguyện đề nghị tôi vắn tắt về tôn giáo khá lạ này: Đạo Cham. Ừa, thì gạch đầu dòng.

Trước hết, chớ bưng khuôn nào bất kì áp lên Cham, thấy không có chi khớp thì hô: Cham không có tôn giáo. Chẳng phải thế đâu! Tuần tự…

– Cộng đồng Cham Pangdurangga, ngoài Muslim chiếm số lượng nhỏ, có ba hệ:

‘Cham Jat’ là bộ phận tiền tôn giáo hiện ở hai làng, còn lại là Cham Bà-la-môn hay ‘Ahiêr’ là Ấn Độ giáo bản địa hóa, và Cham Bà-ni hay ‘Awal’ bản địa hóa Islam.

Mỗi hệ có hệ thống chức sắc ‘Halau janưng’ riêng. Rồi giữa hai hệ này còn có hệ thứ ba là: ‘Halau janưng Ahiêr Awal’ phụng sự cho cả hai phía tín đồ.   

– ‘Ahiêr Awal’ là tôn giáo dân tộc, như đạo Do Thái của người Do Thái hay Shinto của Nhật. Ở đó,

[1] Đấng tối cao như Brahma, Vishnu, Shiva hay Allah đã nhạt nhòa, còn lại là: Pô Yang và Muk Kei Ông bà Tổ tiên.

[2] Kinh sách: Agal Ahiêr [rút một phần nhỏ kinh Bà-la-môn có sáng tạo thêm] và Agal Awal [rút một phần rất nhỏ Kinh Qu’ran có chú thích cách hành lễ].

[3] Nơi thờ cúng và hành lễ ‘ngak yang’ có: Bimong Kalan Tháp Đền và Sang Mưgik thường dịch là “Nhà chùa Bà-ni”.

[4] Tín đồ là: Cham Jat, Cham Ahiêr và Cham Awal.

– Người Cham theo chế độ gia đình mẫu hệ. Cham ‘Ahiêr’ hỏa táng, sau đó được đưa vào ‘Kut’ là “nghĩa trang” tộc họ mẹ; mỗi làng có vài ‘Kut’ riêng. Cham ‘Awal’ địa táng ở trong Ghur của làng phân cụm theo dòng tộc.

Các lễ quan trọng trong năm là Rija Nưgar, Katê, Ramưwan, Palao Paxah…

Các Pô Yang chính là anh hùng, liệt nữ của dân tộc được thần hóa và thờ phụng ở mỗi đền tháp riêng, như: Pô Inư Nưgar từ tháp Pô Inư Nưgar Nha Trang được thỉnh về đền Ngài ở làng Hữu Đức; Pô Klong Girai, Pô Rômê, Pô Xah Inư, Pô Dam… ở ngôi tháp cùng tên. Ngoài ra còn có các Pô khác như Pô Riyak, Pô Klong Kachat… được thỉnh về thờ như vị Thần Làng.

– Ba điểm đặc kì và độc của Đạo Cham:

[1] Đa số tôn giáo trên thế giới, tu sĩ ưu tiên cho độc thân. Tôn giáo Cham ngược lại, ông BUỘC phải có vợ. Có vợ, ông mới có ‘danook’ “nơi trụ” để lên chức, để hành lễ… Hơn nữa, ông là sinh linh ưu tú, có bổn phận truyền giống để hạt giống đó tiếp bước ông hành đạo.

[2] Đạo Cham không cần tín đồ, bất cần ai khác vào đạo mình, chứ đừng nói truyền giáo. Truyền đạo mà chi, để phải lao vào oánh nhau sứt đầu mẻ trán!

Còn đỡ, Cham Awal hay Ahiêr xịn mà lấy đứa con dân tộc nào khác, hay lấy người đồng tộc khác đạo, khi chết đi phải chịu nằm ‘lingiu Ghur’ (ngoài nghĩa trang) hay nằm ‘Kut lihin’ (nghĩa trang không lành). Phân biệt đối xử cho bõ ghét. Làm thế thì còn ai dám vào đạo mình chứ!

[3] Thêm cái này mới là hàng… độc. Có tôn giáo nhân loại nào chơi kì thế này hôn? – Chỉ có Cham.

Sau lễ đầu năm Rija Nưgar, bà con Cham ‘Ahiêr’ còn mời quý ‘Halau janưng Awal’ vào palei mình cúng tế, và ngược lại mỗi kì Ramưwan, bà con Cham Bà-la-môn đội bánh trái vào Sang Mưgik dâng lễ.

Xuk Yơng’ Lễ thứ Sáu Xoay vòng, cấp Acar mời ‘Halau janưng Ahiêr’ vào  Sang Mưgik mình bàn việc. Rồi các lễ quan trọng như Pakap Halau Krong hay Palao Paxah hai bên còn phối hợp thực hiện, vui vẻ.

Nhiều và nhiều nữa…

Đó không là tín ngưỡng dân gian, mà là Tôn giáo Cham – thứ tôn giáo lạ biệt, hòa bình và nhân văn: Tôn giáo ‘Ahiêr Awal’, Đạo Cham!

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *