“Bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc, không cần hô lớn lao hay làm chuyện đại cồ to, mà hãy như anh binh nhì: Đứng tại vị trí của mình, làm đúng nhiệm vụ được hay tự giao, là bạn đã đóng trọn phận sự của một sinh linh Cham rồi” – Inrasara.
*
Di sản Kết nối của The British Council/ Hội đồng Anh, ở đó tôi sắm vai thuần tư vấn văn hóa – có một đề tài cấp thiết nhất chưa thấy ai đăng kí: Ngôn ngữ sống với mục tiêu cụ thể,
– Giúp cộng đồng hiểu giá trị di sản văn hóa,
– Cộng đồng được hưởng lợi từ việc bảo tồn văn hóa ấy, từ đó
– Mang lại sự phát triển bền vững và đồng đều trong lĩnh vực di sản.
Chuyện thực tế mang tính sống còn của một dân tộc! Nhất là ở TÍNH BỀN VỮNG mà thành quả của nó góp phần lớn để làm nên VĂN HÓA SỐNG giữa cộng đồng, chứ không là nghiên cứu cất thư viện để người đến sau nghiên cứu nghiên nghiên cứu.
Phạm Quỳnh: “Tiếng ta còn, nước ta còn”.
Xin nhắc lại: TIẾNG chứ không phải chữ. Rành ‘Akhar thrah’ mà chi nếu cả ngày bạn nói TIẾNG MẸ ĐẺ ĐỘN tiếng Việt!
Hiện tượng đáng mừng là vài năm qua hai ông anh ở xứ siêu cường Hoa Kỳ: Phú Văn Lưu, Ysa Cosiem đã làm thao tác tưởng nhỏ nhưng thực tế và cực hữu ích trong việc bảo tồn và phát triển ngôn ngữ sống.
Phú Văn Lưu mỗi cuối tuần là một live stream “Panôic Thattiak” KỂ câu chuyện Cham. Mấy năm đầu anh còn độn nhiều tiếng Việt, sau giảm dần rồi qua hai năm, dường không đáng kể.
Ysa Cosiem làm kiểu khác: HỌC, và giúp ai quan tâm, trong đó có tôi, cùng học. Anh lần mò vào thư tịch cổ, cả “hàn lâm” lẫn quần chúng nhặt ra các từ cần thiết nhằm tăng vốn từ vựng của chính anh.
Tuyệt, và karun lăm lắm!
Ở đất nước luôn dẫn đầu thế giới mà vậy, chớ Việt Nam còn lọt tọt theo đuôi, chúng ta – tại sao không?
Chả có gì khó cả: Ý thức, thêm biết xấu hổ và tập thói quen tốt hàng ngày, là được.
Vào làm dân Sài Gòn 30 năm, tôi nói rặt tiếng Cham, còn hướng các con nói ‘harat’ tiếng mẹ đẻ nữa. Chúng tôi làm được, và hãnh diện về nỗi đó.
Ai dám bảo ông Inrasara lạc hậu, giơ tay lên nào?!