Về bản thảo URANG CHAM, tôi dự trù viết về 40 nhân vật [sau này thêm Trà Vigia và Jaya Hamu Tanran]. Tư liệu đâu ra đấy, công việc cũng thong dong, đăng web Inrasara.com được 28 vị thì gặp vài sự cố nhỏ khiến tôi mất hứng, đành ngưng.
Ngưng từ Từ Công Phụng, Chế Linh, Dohamide… cho chí Thiên Sanh Cảnh.
Nay nhân đọc “Tiểu sử Thiên Sanh Cảnh” viết bởi Petruspaulusthong, đăng 10-2-2017, Facebook Ysa Cosiem đăng lại ngày 16-8-2021, tôi mới nhớ.
Viết về người quá cố có cái khó của nó, nhất là ở cộng đồng nhỏ bé Cham, xê xích xíu là đụng, toàn anh chị em với bà con không hà. Thế nên xong vị nào đó, tôi luôn đưa cho họ [nếu còn sống] hay con cháu hoặc người rành chuyện đọc, chỉnh sửa chi tiết. Phần bình luận thuộc về tôi, mà tôi hiếm khi đưa nhận định, cứ để cho sự việc, SỰ KIỆN NÓI LÊN.
Ông Nguyễn Thành Thống ngược lại, chỉ có nhận định và nhận định đầy chủ quan. Không nêu sự việc để đối chứng, chung chung vậy thôi.
Viết về Cham, Petruspaulusthong [tức Thiện Hựu Nguyễn Thành Thống, viết tắt: TH-NTT] đã từng xảy ra “Sự cố văn hóa Nguyễn Thành Thống” năm 2009. Vụ này tôi đã lập hồ sơ lưu trữ, miễn nhắc lại. Ở đó ngoài chê bai, “miệt thị” hầu hết trí thức Cham, anh có 1 ý cộm: Về nghiên cứu văn hóa Cham – Thiên Sanh Cảnh là số một, sau khi cụ mất, Cham còn lại mỗi… Sử Văn Ngọc!
Khi ấy anh mới nêu chung chung, nay cụ thể hơn qua “tiểu sử” về cụ Cảnh.
Cụ Thiên Sanh Cảnh là học giả Cham nổi tiếng [có lần tôi còn gọi cụ số 1 nữa]. Khác với Champaka ở số đầu nhận định cụ “thiếu khoa học”, “viết theo kí ức”, tôi ngược lại, rất khoái về kí ức ấy. Nhưng, có phải Thiên Sanh Cảnh đúng như TH-NTT vẽ ra không? Xin tuần tự…
[1] TH-NNT viết: [cụ Cảnh là] “con trai của quan huyện An Phước Thiên Sanh Tây (một nhà thơ người Chàm rất nổi tiếng)”.
Giai đoạn cuối thế kỉ XIX đầu XX, có khoảng 10 trường ca Cham được biết đến: Ariya Key Oy, Ariya Rideh Apwei, Ariya Mưyut, Ariya Po Thien… duy Ariya Po Parơng nổi tiếng hơn cả, do nó mang tính văn chương cao, nên được nhiều người chép truyền tay. Còn lại chỉ là “kí sự bằng thơ”, có giá trị xã hội nhiều hơn.
Ariya Po Thien: của cha cụ Cảnh ít ai biết đến, ít được lưu truyền. Ông Thống viết là “một nhà thơ người Chàm rất nổi tiếng” là hô to.
Ngay Ariya Rideh Apwei (tác phẩm của Phú Bô, cha của cha tôi, thầy cao đạo có tiếng trong vùng) trường ca kể chuyện Pháp làm đường xe lửa vùng Phan Rang là thời sự nóng, do ít có tính văn chương nên tôi không đưa vào Văn học Cham khái luận-1994 để bình luận. Sau này viết về nó, tôi chỉ dùng chữ “khá nổi tiếng”.
[2] TH-NTT viết [cụ Cảnh là] “tác giả của nhiều bài thơ nổi tiếng bằng tiếng Chàm phổ thông” mà không đưa ra một bài nào làm chứng cả, thì rất lạ!
[3] TH-NTT viết [cụ Cảnh] “đã từng là thầy giáo xóa mù chữ Chàm cho tầng lớp giáo viên người Chàm trong hai thập niên 60, 70 tại Phan Rang; thành phần này về sau trở thành nồng cốt trong các hoạt động văn hóa tại Ninh Thuận và Bình Thuận.”
Cham dạy chữ Cham trong nhà, cho vài người hay nhóm nhỏ người. Cụ Thiên Sanh Cảnh cũng vậy. Kêu cụ “xóa mù chữ Chàm cho tầng lớp giáo viên… về sau trở thành nồng cốt trong các hoạt động văn hóa tại Ninh Thuận và Bình Thuận”, là nói ẩu.
Cụ dạy ở đâu, lớp mấy người, kéo dài bao lâu? – không thấy đâu cả! Mà Cham thế hệ cha chú tôi hiếm có người mù chữ, kêu cụ Cảnh “xóa mù” cho họ là không hiểu gì cả!
[Thế hệ tôi hơi khác. Hè 1975 tôi mở khóa dạy cho 70 học viên ở Chakleng, sau đó 1976 dạy 3 “khóa” nữa ở Phan Rang. Từ năm 1977 anh Thuận Ngọc Liêm mở rất nhiều khóa dạy chữ Cham ở nhà anh, mãi hưu anh vẫn còn tiếp tục].
[4] TH-NTT viết: Cụ Cảnh “đã dịch các akayet, ariya sau đây sang tiếng Việt: Devamano, Inra Patra, Gleng Anak, Teyley. Đó là những tác phẩm quan trọng nhất trong nền văn học Chàm.”
Về văn học viết, Cham có không dưới 100 tác phẩm, Akayet Dewa Mưno, Akayet Inra Patra, Ariya Glơng Anak là 3 trong 10 tác phẩm quan trọng, Tơy Lơy không nằm trong số này. Akayet Dewa Mưno, Akayet Inra Patra cụ Cảnh mới dịch một phần nhỏ đăng Nội san Panrang.
Nếu cụ đã dịch xong mà chưa công bố, thì đó chỉ có thể gọi là “dữ liệu”.
[5] TH-NTT viết: Cụ Cảnh là “người tu chỉnh chữ viết Chàm phổ thông để có được chữ viết Chàm ổn định.” – Sai! Công lao chính ở đây là của ông Lưu Quý Tân, bút danh Jaya Panrang, điều không Cham nào không biết.
[6] TH-NTT viết: Cụ Cảnh là “người đầu tiên soạn và viết về lịch Chàm.”
Về Xakawi lịch Cham, trước cụ Cảnh đã có vài tác giả viết rồi – bằng thơ tiếng/ chữ Cham. Nếu viết cụ Cảnh là “người đầu tiên soạn và viết về lịch Chàm” BẰNG TIẾNG VIỆT mới đúng.
Về lịch, thời đó cụ Cảnh đã tạo ra một xì-căng-đan lớn ở xã hội Cham [do đối kháng với ‘Pô Adhya’], và chính bản thân gia đình cụ bị thiệt.
[7] TH-NTT viết: Cụ Cảnh là “người tu chỉnh các dị bản của những akayet, ariya Chàm để có được những bản văn hoàn chỉnh và ổn định như hiện nay.” – Sai TO!
Akayet Dewa Mưno, Akayet Inra Patra, Ariya Glơng Anak… được “tu chính” và in bởi Trung tâm Văn hóa Chàm gọi chung là “Khảo lục nguyên cảo Chàm”, khi ấy cụ Cảnh đã không còn làm ở đó.
Người tu chính không được ghi tên, chỉ Ariya Glơng Anak mới ghi thầy Lâm Gia Tịnh.
[8] TH-NTT viết: Cụ Cảnh là “người có tên trong ban biên soạn cuốn “Dictionnaire Căm Vietnamien Français”, (G. Moussay chủ biên, Trung Tâm Văn Hóa Chàm xuất bản năm 1971), nhưng sự thật chỉ cộng tác trong một thời gian rất ngắn về sau vì bất hòa với G. Moussay về phương thức làm việc nên không họp tác nữa. Nếu không như vậy thì cuốn từ điển này không sai sót nhiều như thế.”
Ở đây có 3 điểm:
– Liên quan đến vụ sai của ông Thống ở mục [7], vì cụ Cảnh làm ở Trung tâm “một thời gian rất ngắn”.
– Vì “bất hòa với G. Moussay về phương thức làm việc nên [cụ Cảnh] không họp tác nữa”, có phải thế không? Ông Thống thử vào làng Cham làm cuộc điều tra nhỏ thì biết ngay, tất cả người biết chuyện còn sống. Nhưng đây là chuyên riêng tư không nên bàn sâu.
– Ban biên soạn Từ điển có Moussay và 6 thành viên Cham giỏi tiếng/ chữ Cham thời đó. Có phải chỉ vì cụ Cảnh bỏ đi mà “từ điển này sai sót nhiều như thế” như ông Thống khẳng định không? Vậy ông thử nêu vài chục lỗi nặng cho bà con thấy đi, dám hôn?!
[Chuyện vui. Từ điển ở Đại học năm 1995, Cham cũng đồn “thằng Trạm làm sai hết”, đến khi mở Hội thảo Góp ý Từ điển tập hợp hơn trăm trí thức Cham trên 4 vùng chiến thuật về Phan Rang, thì tìm thấy sai có mỗi 1 từ! Chuyện đã kể trong tiểu thuyết Hàng mã kí ức-2011]
[n] Và nhiều nữa…
Sơ kết.
Cụ Thiên Sanh Cảnh là một học giả Cham có nhiều cống hiến đáng trân trọng.
Tôi đánh giá cao cụ ở sáng lập và điều hành Nội san Panrang, dịch [để gợi mở] một số tác phẩm quan trọng trong văn học cổ điển Cham.
Ghi công và ca ngợi một nhân vật như cụ Cảnh là điều cần thiết, chớ ca tụng cụ tận trời như TH-NTT thì chả ơn ích gì cho cụ, mà còn tác hại đến sinh hoạt cộng đồng Cham nữa. Yêu nhau thì lại bằng mười phụ nhau.
Nguy tai!