Trường ca Covid-19: Coda (cuối). ĐÁNH THỨC LÃNG QUÊN

Như thể người từ miền tổ tông trở về

vào đầu hôm mỗi tối thứ Ba

từ đỉnh Chabbang

huýt sáo miệng

Ông

đi xuống

làng

Như thể thanh âm chưa có tên gọi

ba đời Pô Adhya đất ngàn năm này quen thuộc

vào đầu hôm mỗi tối thứ Ba

tiếng huýt sáo Ông

như thể một

dấu hiệu

Cham Hri

như thể từ đường biên bóng tối và ánh sáng, mộng và thực

bàn chân trần Ông

bước xuống

đạp lên con đường mòn quen thuộc

là một khởi động

tiếng bập bẹ đầu đời, chữ A của trang kinh đầu tiên

thức giấc và trừng trừng

nhìn lại mình

vào đầu hôm mỗi tối thứ Ba

Chabbang và Chakleng

Lên và xuống, đi hay về

ở đường biên đêm và ngày

Ông huýt sáo

một hơi gió thổi vào miền vô định

như thể sợi dây vô hình nối quá khứ, hôm nay và tương lai vô tận xa

tiếng huýt sáo Ông

đánh thức tâm thức các thế hệ người

không để làm gì cả

không cần thiết nữa có lẽ

trên trái đất lão hóa đến còi cọc này

loài người cuống cuồng lao vào ảo vọng ngu ngốc này

dúm sinh linh Cham tồn tại đầy lãng quên này

Tiếng huýt sáo Ông

đánh thức vô thức những đứa con lưu lạc

Kampong Chàm, Ban Khrua, Sulu, Kelentan, Orchid Taiwan Island

gọi dậy tên cánh đồng, con sông, ao, đầm, hồ, đập, láng, bãi bị sát hại bị lãng quên

Hamu Lanung, Krong Likuk, Ribong Kanu, Bblang Kadang, Danaw Pajien, Banơk Mưhwen, Car Jađaw

tên mảnh đất, cánh rừng nằm sâu dưới nghĩa trang chữ

Ia Mưlan, Ia Kalang, Cơk Juk, Cơk Prong, Canah Tang, Croh Daup 

đánh thức kí ức

Tiếng huýt sáo Ông

vào đầu hôm mỗi tối thứ Ba

từ đỉnh Chabbang xuyên không gian vang đến ngôi làng, mái nhà, hồn người

lay dậy ham muốn của người nữ từng ghét bỏ mọi loại đàn ông

và thờ ơ và lãnh cảm

đám con gái gần nửa đời còn trinh

tràn thất vọng với bọn trai làng đã úa tàn đực tính

tiếng huýt sáo khiến chúng hứng trở lại nứng trở lại

da thịt chúng rung lên trở lại mỗi sáng trưa chiều tối

trái tim đập lạc nhịp trở lại

Như thể sứ giả sót lại của sinh linh không tuổi

Ông lưu trú ở đường biên thế giới ma và người

hoang dã và văn minh

hậu duệ các thế hệ Gru Kalơng của vương triều Champa

Cham Hri Ông

mỗi sáng thức giấc

thu vào hai buồng phổi hằng hà sa hơi thở bị đứt gẫy của thập loại chúng sinh lướt qua cõi bụi này

đứng giạng chân trên đỉnh Chabbang

Ông

hét dài một tiếng làm lạnh cả bầu trời

Ông

gọi dậy vạn vong hồn Ma Hời bị tên lạc, voi giày, hổ vồ, rắn hổ mang mổ nơi khuất núi cuối lũng còn làm lang thang

triệu oan hồn ma Việt chết trận, chết tù, chết kinh tế mới, chết vào bụng cá hay bị hải tặc các loài

Ông

tụng to trăm Damnưy đã hay chưa được viết được ngâm được

hát lên

giải oan cho cuộc biển dâu này

Ông là Cham Hri

cụ cố dòng họ bảy đời Cù lao Chàm biết tên Ông

bà lão làng Quan Họ Bắc Ninh quen mùi Ông

cụ ông Êđê rừng già Buôn Đôn nhớ khuôn mặt Ông

nhà tu khổ hạnh ẩn thân đồi Nha Trang không quên hàng lông mày rậm Ông

nhà thơ Pa-dí dân hai ngàn người Pờ Sảo Mìn là bạn thân thiết Ông

lũ chó mực già phum Khmer miền Tây quen hơi Ông

và chúng hú

và chúng tru

hòa tiếng huýt sáo Ông

hú tru hát vào những khoảng trống trần gian…

Chakleng, 4:21, ngày 15-8-2021

_____

Chú thích:

Chabbang: tên ngọn núi nằm hướng nam cách làng Chakleng mươi cây số nơi ngụ cư của nữ tu Pô Nai; Pô Adhya: cả sư Cham Bà-la-môn; Gru Kalơng: thầy pháp; Kampong Chàm (Cambodia), Ban Khrua (Thái Lan), Sulu (Philippines), Kelentan (Malaysia), Orchid Taiwan Island (Đài Loan): các vùng đất ở Đông Nam Á người Cham di cư đến và sinh sống; “Trường khiếu nhất thanh hàn thái hư: Kêu dài một tiếng lạnh cả bầu trời”: thơ Không Lộ thiền sư; Damnưy: tụng ca, một thể loại văn chương bình dân Cham; giải oan cho cuộc biển dâu này: thơ Tô Thùy Yên.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *