Tôi-27. HÀNH TRÌNH MINH TRIẾT

[hay. Từ Lạc đà sang Sư tử đến Trẻ thơ]

Tôi là kẻ giữ truyền thống, còn tệ hơn thế, nắm chức thủ kho. Hơn nửa đời hư, nhân chứng vật chứng vương vãi khắp.

Ba cuộc hóa thân của Nietszche, từ phận Lạc đà chở nặng [nghiên cứu văn học, ngôn ngữ…] băng qua cuộc lữ cõi người làm Sư tử cuồng nộ la hét [phê bình & phản biện xã hội] giữa sa mạc trần gian, cho đến làm Trẻ thơ ca hát [sáng tạo] – tôi sắm vai đủ đầy, trọn vẹn.

Kẻ sáng tạo thường thì không được cộng đồng bố trí [làm] thủ kho, hoặc ngược lại. Tôi là sinh linh Cham không may mắn hưởng đặc ân đó. Mang tiếng sáng tạo, tuy thế ngay từ tuổi theo học [theo nghĩa Khổng Tử], sinh phận đã đặt dưới mông tôi ghế thủ kho đến không cách nào nhấc lên được. Ẹ thế chứ!

1. Lớp Đệ Tứ, tôi thủ thư Trường Pô-Klong, 30 tuổi tôi chức thư kí Hội Bảo thọ làng. Ừ, tạm được đi. Bổn phận học sinh với công dân Chakleng, tôi không thể tránh né. Hà cớ các bạn viết Cham cứ nhè vào tôi mà kí gửi “tuyệt tác” của họ?

Từ ca khúc Đàng Năng Quạ, tập bản thảo Tantu cho chí ghi chép của Nguyễn Văn Tỷ, Phutra Noroya. Ông anh hơn nửa đời hư “chối” Cham, Tagalau ra đời, anh viết trở lại. “Anh chỉ viết cho Tagalau thôi”, anh tuyên, rồi giúi cho tôi tiểu thuyết tiếng Cham dang dở. Cahya Mưlơng từ Mỹ gửi máy bay tập thơ tiếng Cham chép tay nhờ tôi lưu hộ. Nông dân-thi sĩ Phú Đạm với thơ chữ Cham thì đành, phận làm em, tôi số hóa chúng và cất, sau đó – in.

Chớ bao nhiêu bạn trang lứa và cánh trẻ nữa! Dĩ nhiên được bà con thương tín kí gửi, tôi vui nữa là khác. Còn làm Tagalau thì miễn, tôi thu gom bài vở, đánh máy, biên tập, in nháp, hai xuống ba lên, rồi sắp xếp, in, phát hành, thư từ, tất tần tật.

2. Đó mới là một.

Ở tuổi 15, trong khi bạn học bay nhảy bồng bềnh tuổi trẻ, tôi lang thang qua các palei Cham lượm nhặt, thu gom, “nghiên cứu” tục ngữ, ca dao và văn bản cổ Cham, chả khác một cụ non.

18 tuổi, qua cuốn Tự học tiếng Cham, tôi “đào tạo” hơn trăm sinh linh Cham biết chữ mẹ đẻ. 24 tuổi, tôi viết xong bản thảo Từ vựng học tiếng Cham [diễn trình ở Chakleng 1989]. Ở ngưỡng tuổi 30 thì bản thảo bộ Văn học Cham đã đâu vào đấy.

20 năm năm ấy, tôi tổ chức tại nhà cả chục “Hội nghị chiếu dài”. Để rồi sang tận tuổi tứ thập, khi “Đại học” mời vào Sài Gòn soạn Từ điển, mấy món truyền thống kia vẫn bám tôi không dứt.

Như loài Lạc đà vẫy gọi: Hãy chất lên lưng tôi, cao lên, nặng nữa. Tôi thèm khát gánh nặng, bởi đó là định phận của tôi!

3. Thế rồi một buổi trưa đỉnh ngọ…

Trút mọi gánh nặng xuống, giữa sa mạc người, tôi thét vang. Như Nietzsche:

“Các người đang trở nên bé nhỏ, càng lúc càng trở nên bé nhỏ, hỡi các người bé nhỏ kia! Các người đang sụp đổ tàn phế, hỡi các người tự mãn an nhàn kia! Rồi đây, các người sẽ bị tiêu diệt, do quá nhiều thói tật nhỏ bé của các người, do quá nhiều toan tính an phận bé nhỏ của các người…”

Tôi phê bình, tôi đối thoại và song thoại, tôi tranh luận và phản biện. Tôi chiến. Về thơ, về Cham, về đủ loại tạp-pí-lù diễn ra quanh tôi. Tôi tham luận diễn đàn các thứ. Tôi quản trị Bàn Tròn Văn chương, chủ trì Cà phê thứ Bảy, tôi Hội đồng Hội Nhà văn và tôi phản-Hội đồng….

Rồi sau giai đoạn làm Sư tử hống, cuối cùng tôi trở về làm Trẻ thơ ca hát. Trở lại tuổi tiền-15. Trẻ thơ mà không phải trẻ con. Tôi gọi đó là hành trình biện chứng của Minh triết. Tôi phải đi hết con đường, để sống trọn vẹn tinh thần kia.

Đó là theo chân Nietzsche mà diễn ngôn, thực sự tôi khác. Ba cuộc hóa thân diễn ra đồng thời trong tôi. Lạc đà, Sư tử và Trẻ thơ có mặt cùng lúc, trộn lẫn vào nhau, tự hóa giải và hòa giải.

Tìm thấy bản sắc truyền thống để giải truyền thống, từ đó sáng tạo – chính là minh triết. Như tinh thần triết học Shiva: Phá hủy để sáng tạo, phá hủy và sáng tạo, phá hủy LÀ sáng tạo.

Lại Nietzsche: Tuổi trẻ đến chậm nhất là tuổi trẻ tồn tại lâu dài nhất. Heleh!

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *