Về nghiên cứu Cham, trước tôi – các nhà trong lẫn ngoài, hết phong tục tập quán đến lễ hội, hết tháp Chàm đến ‘akhar thrah’ Cham.
Tôi cũng hệt. Cũng Tự học tiếng Cham, Từ vựng học tiếng Cham, cũng Từ điển Cham với Tiếng Cham của bạn như ải như ai. Thơ xuôi tay như nước chảy xuôi dòng…
Lạ quá! Lẽ nào Cham mãi thế, và chỉ có thế?!
Ngồi lớp Đệ Tứ, ngạc nhiên trước phát ngôn vô bằng của nhà dân tộc học Pháp Paul Mus, rằng văn học Cham chả có gì đáng nói cả, tôi quyết đi tìm. Cuối cùng sau 24 năm miệt mài, tôi dựng lên tòa lâu đài bộ ba Văn học Cham-1994.
Cùng năm ấy, bất ngờ trước lối nói của mẹ: ‘Lingik tathik lơy’: Trời biển ơi, khác hẳn Bà hai Mót nhà bên: “Trời đất ơi”. Sự thể ám tôi suốt. Lần nữa tôi lại truy tìm, để cuối rốt, phát hiện Cham có nền hải sử và văn hóa biển dài và sâu.
Nó thành chủ đề thuyết trình thú vị của tôi, hơn 10 năm qua.
Dân tộc có chữ viết sớm, có nền văn học viết phát triển chắc chắn phải có triết học. Nó đang đâu? Từ mảnh ghép kí ức, cả quan sát hành xử ngày thường Cham, tôi nhận ra dân tộc này có lối tư duy độc đáo. Ở đó Minh triết Cham chỉ lột ta một phần nhỏ.
Nhưng để làm gì, mấy công trình nghiên cứu khô chết kia, nếu nó không sống giữa lòng hiện thực cuộc đời? Và Cham về đâu, ngày mai?
Hành trình “Đi tìm sinh lộ cho Cham Ahiêr Awal” khởi động, sau câu hỏi sinh tử đó. Khởi đầu từ nguyên quán: ‘Agal’ và ‘Danak’ Cham.
Và gì nữa?
Đâu là lịch sử palei Cham?
– Bạn có yêu palei bạn không? Cả những sinh linh Cham qua mấy thế hệ, sống sót và góp công bảo tồn truyền thống văn hóa dân tộc, họ là ai?
– 36 Urang Cham có mặt, trả lời câu hỏi này!
Rồi, khi dấn sâu vào cộng đồng, chịu đựng mấy nỗi Cham, bao câu hỏi xảy đến:
– Cham, tồn tại hay không tồn tại?
– Cham có thông minh không?
– Cham vẫn có thể làm giàu! Vân vân.
Bát ngát đề tài lẩn khuất quanh ta mà ta không nhìn ra, không biết cách nhìn ra, không trang bị lối nhìn khác để nhận ra. Để muôn năm lặp lại, nhai lại người đi trước.
Thế giới chật hẹp ấy, ta giẫm đạp lên nhau, lườm nguýt và kèn cựa nhau. Tội hôn?!
Vân vân.