Vua, anh hùng liệt nữ trong lịch sử và huyền sử được Cham thần hóa và thờ phượng, cả Cham Bà-la-môn ‘Ahiêr’ lẫn Cham Bà-ni ‘Awal’. 5 Pô thường xuyên có mặt trong các lễ cùng bài bài cúng tế: Pô Inư Nưgar, Pô Klong Girai, Pô Bin Thôr, Pô Rômê và Pô Riyak.
[1] Pô Inư Nưgar là vị khai lập vương quốc Champa, thuở các tôn giáo chưa đi vào cộng đồng Cham. Sinh linh Cham thuộc mọi tôn giáo tín ngưỡng đều thờ phụng Bà. Pô Inư Nưgar hóa thân hiện diện ở rất nhiều địa phương khác nhau: Pô Inư Nưgar Ia Trang, Pô Inư Nưgar Hamu Ram, Pô Inư Nưgar Mưbơk, vân vân.
Ngoài ra Pô Inư Nưgar còn ảnh hưởng rộng đến văn hóa Việt, với các tên gọi khác nhau: Bà Chúa Xứ, Bà Thánh Mẫu, Bà Chúa Xứ Núi Sam…
[2] Pô Klong Girai thế kỉ XII, được xem là Cham Bà-la-môn, ngoài việc xây đập Nha Trinh dẫn thủy nhập điền cho cả ngàn mẫu ruộng đất vùng Pangdurangga, Ngài còn lãnh đạo nhân dân Cham đánh đuổi quân Khmer xâm lược, và thống nhất đất nước. Nội dung bi kí Patau Tablah mô tả cuộc chiến vĩ đại ấy như sau:
“năm 1147 khi vua cha từ trần, người Pangdurangga tôn hoàng tử Sri Jaya Harivarman I ở tiểu vương quốc đang lưu vong lên ngôi. Được tin báo, quân Khmer lúc đó đang chiếm đóng Vijaya hợp lực cùng quân bắc Champa đánh Pangdurangga. Chiến sự diễn ra ác liệt ở cánh đồng Cakling, địch quân bị lực lượng Pangdurangga đẩy lui.
Năm 1158, lần nữa họ trở lại công phá Virapura là thủ đô thuộc vùng văn hóa lịch sử Pangdurangga. Lần này trận chiến diễn ra chếch về nam nơi có Patuw Tablah. Tại đây, vị hoàng tử tài ba này đã đánh tan đoàn quân Khmer và quân bắc Champa. Năm sau, Sri Jaya Harivarman I mang đoàn quân từ Pangdurangga tiến ra Bắc giải phóng Vijaya khỏi ách nô lệ Khmer thống nhất Champa, biến vương quốc thành một quốc gia hưng thịnh và hùng mạnh.”
Pô Klong Girai được cho là vị vua anh minh nhất trong lịch sử Champa, Thế nên Ngài được tất cả dân Cham thần hóa và thờ phụng chung.
[3] Pô Bin Thôr [chính sử được cho là Chế Bồng Nga] cuối thế kỉ XIV, một nhà quân sự đại tài của Champa. Để tập hợp hai lực lượng Cham khác tôn giáo: Bà-la-môn và Islam, ngài đã lệnh cho quân sĩ kiêng cả thịt heo lẫn thịt bò. Truyền thống ấy đến nay palei Bal Riya Bính Nghĩa vẫn còn tuân thủ.
Wiki nhận định:
“Về Chế Bồng Nga, nhiều ý kiến thừa nhận là một ông vua anh hùng ít có của Chiêm Thành. Nhà Hán học người Pháp Georges Maspero trong cuốn La royaume de Champa (Vương quốc Champa) đã xem giai đoạn 1360-1390 dưới triều Chế Bồng Nga là giai đoạn cực thịnh trong lịch sử Champa. Các sử gia người Việt như Ngô Sĩ Liên hay Ngô Thì Sĩ cũng phải gián tiếp thừa nhận tài năng của Chế Bồng Nga khi những cải cách của ông đã biến một nước Champa đã suy yếu có thể quật khởi và đe doạ sự tồn vong của Đại Việt”
[4] Pô Rômê, thế kỉ XVII, có nguồn gốc mơ hồ (có nhà nghiên cứu cho rằng Ngài thuộc sắc dân Churu, hay là Cham Bà-la-môn lấy vợ Bà-ni – kết hợp hai tôn giáo), là vị vua lớn cuối cùng của vương quốc Champa.
Các công trạng lớn của Ngài: Sáng tạo chữ Akhar thrah phổ thông dễ truyền bá, dựng đập Ma-rên tưới cho ngàn mẫu đồng Nam Pangdurangga, và quan trọng nhất là Ngài đã hóa giải Islam thành Bà-ni rồi hòa giải Bà-la-môn để thành tôn giáo Cham hiện nay là: Tôn giáo Ahiêr Awal.
Hiện nay Ngài được cả: Cham Jat, Cham Ahiêr và Cham Awal thờ phụng.
[5] Pô Riyak được xem là Cham Bà-ni: Cuối thế kỉ XVII khi Champa suy yếu, là người có chí hiếu học đáng ngưỡng mộ, Ngài sang tận Malaysia tìm đường cứu nước. Do nóng ruột, Ngài trốn thầy trở về, bị ông thầy rủa để sóng dữ vùi giập giữa biển khơi.
Ngài được cả Cham Ahiêr thờ phụng. Bà con palei Ahiêr Chakleng thỉnh Ngài về làm Thần Làng để thờ phụng mỗi năm vào ngày trước lễ Rija Nưgar đầu năm.
Ngài còn được cả dân Việt miền duyên hải lập đền cúng tế với tục thờ Cá Ông, lễ Cầu Ngư, thờ Ông Nam Hải.