Câu chuyện Cham-46. 7 ĐÁP SỐ CHO VẤN ĐỀ CHAM

Từ nhập cuộc chữ nghĩa, nhất là từ mở web Inrasara.com 2007 rồi FB 2013, hơn ngàn bài liên quan đến Cham được đăng, cả vạn sinh linh Cham theo dõi, ngoảnh lại – rất ít Cham hiểu Sara… trăn trối nỗi gì!

Tôi thường xuyên bị yêu cầu giải đáp vấn đề, luôn là giải đáp mang tính công thức, như toán học. Lạ! Krishnamurti thường xuyên đụng phải rắc rối kiểu ấy: Thiên hạ đến nghe ông một mực đòi câu GIẢI ĐÁP CÓ SẴN, trong khi công việc của luận sư là phân tích, gợi mở. Chứ không gì khác.

Trong kho tàng văn chương cổ điển Cham, Ariya Glang Anak nổi tiếng nhất, khó hiểu và sâu thẳm nhất. Ẩn sau lời thơ, nó như kim chỉ nam cấp thiết liên quan đến sự sống còn của dân tộc, không ai thuộc thế hệ cha chú tôi không biết đến.

Tôi thuộc lòng Glang Anak ngay từ 4 tuổi, mãi hôm nay vẫn còn đọc. Ngôn từ và tinh thần Glang Anak chảy trong máu tôi, thấm sâu tế bào vi tế nhất của tâm hồn tôi. Hôm nay, tôi muốn nói TO lên với anh chị em Cham rằng, chỉ cần hiểu Glang Anak, sống Glang Anak thì Cham sẽ sống còn, chứ không tìm ở đâu khác.

Qua Glang Anak, tôi THỬ ĐÁP ỨNG ĐÒI HỎI của bà con, nêu 7 đáp án cho số phận Cham.

[1] Thảm trạng và nguyên do chính:

– Do Cham quyết “ăn ghém sắt” – Thất bại, Minh Mạng đàn áp – 4 vùng Panrang, Krong, Parik, Pajai bị khu trục;

[2] Tình trạng xã hội

– Trí thức cô đơn trước thời cuộc – Phường giá áo túi cơm bị mua chuộc – Quần chúng như rắn mất đầu, nhân tâm li tán;

[3] Biện pháp giải quyết vấn nạn

– NHẪN ‘ƯN’, là điều Glang Anak đòi hỏi đầu tiên – Không làm, nhất là nói hỗn xược cho thỏa tâm sân hận [nóng giận] của mình – Tinh thần bao dung, giải sân hận: ‘palai tung tian’;

[4] Khởi đầu lại từ cái nhỏ nhất

– Khiêm cung với những gì có trong tay – Làm lại cuộc đời từ cái cuốc, cái cày – Yêu thương, đùm bọc những thân phận dưới đáy xã hội;

[5] Hiểu biết để sống sót

– Không đổ lỗi cho ngoại cảnh, càng không ỷ lại vào vị thế nhỏ nhoi đạt được – Biết tìm người, nơi để nhờ cậy, nương thân khi hữu sự – Hiểu tinh thần văn hóa dân tộc để lan tỏa ra bên ngoài;

[6] Triết lí nhân sinh

– Bản sắc: Phận của cây thì thân ở đâu rụng lá ở đấy – Thành tâm: Chớ hại người, nhớ: một vay ba trả – Pô Yang Cham vẫn còn linh, hãy tin tưởng mà sống;

[7] Tôi thêm: Giáo dục là đầu tư vào tương lai

– Giáo dục nữ: ‘Kabbôn’ Muk Thruh Palei  – Giáo dục nam, và nhấn về huyền nghĩa của lời “trăn trối” trong đám tang ‘Ahiêr’ – Giáo dục ‘Halau janưng’ chức sắc tôn giáo Ahiêr Awal.

Cuối cùng đây là điều tối quan trọng: “Nhập cuộc về hướng MỞ”, học để cống hiến cho nhân loại.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *