Câu chuyện Cham-41. TRƯỚC BỜ VỰC XUNG ĐỘT

[hay TÔI NGHE SỢ, tặng anh Phú Văn Lưu và Kiều Biên Soạn]

Dù tôi ở thế buộc, giữa cuộc người – từ Brahmin chuyển thành một dân chiến Kshatriya chính hiệu – lạ, nơi nào tôi đến, nơi ấy ‘thug siam’ bình an.

Từ họ hàng tôi Chakleng đến nông thôn xa lạ Fukushima. Ngay nhóm văn nghệ sĩ Bắc hà mỗi cuối tuần gặp mặt thảo luận văn chương xã hội, hôm có tôi “đây là lần đầu tiên bọn này kết thúc mà thiếu màn đập bát đũa” – như bạn văn tuyên ở đó.

Không phải tôi giỏi hay biết vận dụng quyền lực mềm, mà do cái khác.

Tạ ơn Đức Pô Rômê và Ngài Glang Anak, là thế.

1. Câu chuyện.

Tôi không dự cuộc “Bà-ni & Hồi giáo Bà-ni”, nhưng theo dõi sát sạt.

7g sáng ngày 4-5-2021.

Một Imưm từ Sang Mưgik Phước Nhơn phon, rằng ở đây đang có vấn đề lớn, mãn chay ‘taleh ơk’ Sara gặp Pô nhé. Tôi nghe tiếng Pô Gru qua phon: “Lúc này cũng được”. – “Đang lộn xộn, không tiện cho thầy ấy lắm.”

Từ 3g chiều đến 8g tối ngày 5-5.

Tôi nhận phone và chat liên tục từ Sang Mưgik, từ các bạn “trẻ” lẫn bà con về tình hình 4 “đại diện” Hội đồng Sư cả Bà-ni Ninh Thuận hành hương. May, ở Phước Nhơn, các vị nghe động – không đến. Thoát nạn!

7g sáng ngày 7-5.

Một Imưm phon: “Sara rảnh không, qua đi. Pô Gru rất muốn gặp anh.” – “Chào thầy…” – phone được chuyển qua Pô Gru. – “Thầy đến đi, chúng tôi đang mong…”

Tôi chạy xe qua, rủ thêm Minh Hiền Thành. Trao đổi từ 8:20 đến 9:45.

Nếu dõi tình hình từ xa, tôi nghe căng một, gặp các vị tôi mới vỡ ra: độ căng hai lần hơn. Hai vị Imưm cho rằng văn bản Thông báo hành hương của Đổng Dương Long là hành vi “ăn cắp con dấu”. Một vị khác: Đó là “tờ giấy ma”, “các ông mưu toan phá Đạo chúng tôi”, “các ông đến là để dụ Đạo”.

Gợi ý cho Pô Gru cùng “12 vị tông đồ” nói non tiếng đồng hồ, tôi trình bày 15 phút. Tôi nhấn về lịch sử hình thành và tên gọi “Bà-ni”, tinh thần hóa giải – hòa giải của Đức Pô Rômê được thế giới trân quý như thế nào, ý nghĩa Tôn giáo ‘Ahiêr Awal’ cũng như công lao to lớn của Ngài, cuối cùng “do sự không dứt khoát, bà con tự tạo khó khăn cho chính mình. Dẫu sao chuyện chưa muộn”.

Tất cả đồng ý: Tôn giáo Bà-ni.

Imưm TÂN: “Vậy hãy lập biên bản lấy chữ kí đi”. Tôi nói: “Đây không là phiên họp, quý Pô à. Chúng ta tin nhau. Ngok Pô Aulwah, ala Pô Tanưh Riya chứng giám.”

Pô Gru: Mọi sự ‘pôk paywa di’ thầy vậy…

[Cuộc gặp này tôi “Ghi chép” chi tiết, vì vấn đề tế nhị, xin không đăng ở đây]

2. Trở lại chuyện cũ.

Nếu tại Ấn Độ, sau vô số xung đột đổ máu không thể hòa giải giữa Ấn giáo và Islam, đất nước banh ra làm hai. Sau đó không lâu, thêm một chia cắt khác: Bangladesh tách khỏi Pakistan, thì ở Champa khác hẳn…

Islam nhập địa Champa, Cham Ấn giáo và Islam xung đột chia xé suốt 300 năm. Mãi thế kỉ XVII Pô Rômê mới hóa giải Islam thành Bà-ni và hòa giải cả hai để hình thành Tôn giáo ‘Ahiêr Awal’, xung đột mới ngưng. Đây là ca độc nhất trên thế giới.

Tôi nói, nếu Champa có hai đóng góp lớn vào nền văn hóa đa dân tộc Việt Nam: Kiến trúc – điêu khắc và Hải sử – văn hóa biển, thì điều độc đáo nhất Cham góp vào cho loài người chính là Tư tưởng Pô Rômê: Hóa giải – hòa giải hai ý hệ không đội trời chung.

Nhưng rồi công lao to tát kia của Ngài đổ sông đổ biển…

Năm 1960, Islam quay trở lại Pangdurangga, chương trình xung đột tiếp tục: Làng Phước Nhơn đầu thập niên 1970 mẻ đầu sứt trán, mãi “cách mạng” về mới tạm yên. Tạm yên cho tới cuối thập niên 1980, đất nước mở cửa “tự do tôn giáo”, Văn Lâm xảy ra án mạng giữa bà con ruột rà cùng Islam nhưng khác phái.

Cộng đồng Cham có hòa bình chăng là giữa Cham Bà-la-môn ‘Ahiêr’ và Cham Bà-ni ‘Awal’, chứ Hồi giáo với Bà-la-môn, Islam với Bà-ni thì không ai nhường ai. Đó là sự thật lịch sử và hiện tiền.

Hôm nay cộng đồng Cham bé nhỏ tội nghiệp lần nữa nguy cơ xáo động lớn.

Năm 2017 là vụ chuyển đổi công dân Cham Bà-ni từ “Tôn giáo: Bà-ni” thành “Tôn giáo: Đạo Hồi” trong CMND. Nguyên do từ đâu cụ thể không ai biết [ảnh-1].

Biên bản Hội nghị Tôn giáo Bà-ni “Phương hướng nhiệm vụ trọng tâm của HĐSC trong 6 tháng cuối năm 2017” viết:

“Có văn bản đề nghị: Sở Nội vụ (Ban Tôn giáo) Tỉnh cho phép thay đổi tên “Hội đồng Sư cả Hồi giáo Bà-ni Tỉnh Ninh Thuận” thành “Hội đồng Sư cả Bà-ni Tỉnh Ninh Thuận” [ảnh-2].

Sau đó trong “Báo cáo tổng kết nhiêm kỳ 2011-2016 và phướng hướng hoạt động nhiệm kỳ 2016-2021” do Imưm Từ Công Dư kí, ghi nguyên văn:

“Cho phép thay đổi tên “Hội đồng Sư cả Hồi giáo Bà-ni Tỉnh Ninh Thuận” thành “Hội đồng Sư cả Bà-ni Tỉnh Ninh Thuận” [ảnh-3].

Rành rành như vậy, mà mãi năm 2021 “Tôn giáo Bà-ni” không thấy trong Danh mục Tôn giáo Việt Nam [ảnh-4].

Nỗi bất mãn âm ỉ ngày qua ngày, làm vẩn đục khí quyển xã hội Cham đang yên đang lành. Để hôm nay, qua việc làm CCCD, “Tôn giáo: Bà-ni” được thay bằng “Tôn giáo: khác” – nỗi bất bình bùng phát.

3. Diễn biến và bình luận [qua tổng hợp từ nhiều nguồn].

[1] Ngày 29-4, FB Nguyễn Ngọc Quỳnh kể: Nhóm Đổng Dương Long lấy “danh nghĩa HĐSC” vào Sang Mưgik Văn Lâm mang quà tiến sĩ-VNS – người vài năm qua bị dư luận Cham nghi tuyên truyền cho Islam – đến tặng, giải thích rằng Cham Bà-ni không cần làm lễ đầu năm Rija Nưgar. Quà bị Pô Gru Nguyễn Lài từ chối, và họ bị xua đuổi. Giọng kể của NNQ có vẻ khách quan [ảnh-5-6-7].

Thập Liên Trưởng kể tóm lược, nhưng với giọng mỉa mai: “Mặt xanh như tàu lá. Đã đến lúc họ bị trừng phạt” [ảnh-8].

Bình luận.

– Câu chuyện không đáng tin, vì thiếu bằng chứng xác thực: Ghi hình, thu âm, chụp ảnh, hay văn bản tường thuật có chữ kí của nhân chứng.

– NNQ từng có phốt gian dối nhiều lần về đạo văn, nên khó tạo niềm tin. Một lần bất tín vạn lần bất tin [tôi sẽ có bài liên quan đến chi tiết này: “Làm sao cho Cham tin bạn?”].

Còn TLT, tút đăng lên 2 ngày thì lấy xuống. Nếu đó là SỰ THẬT, sao lại sợ? Mà đã sợ, làm sao có thể đấu tranh? Đất nước này có vô pháp đến nỗi không thể bảo vệ bạn với sự thật của bạn?

[2] Ngày 4-5, Đoàn hẹn qua palei An Nhơn. Từ 2g đến 5g chiều, Ban phong tục chờ, nhóm hành hương không đến.

Ngày 5-5, Đoàn tiếp tục hành trình qua Phước Nhơn. Đây là làng lớn của Cham Bà-ni, từng xung đột và có “nợ” với Islam trước 1975. Dự định 4g chiều Đoàn ghé thăm, sau đó đổi giờ hẹn sau Ngak Wak: 7g. Rồi cũng không thấy đâu.

Tôi được bà con cho biết, nhóm phụ nữ đang chờ đợi “tiếp” Đoàn trước cổng Sang Mưgik.

May, không có biến.

[3] Tổng hợp 3 thắc mắc chính từ bà con:

– Cả 2 văn bản chính thức của Hội đồng kiến nghị/ cho phép thay đổi hàng chữ “Hội đồng Sư cả Hồi giáo Bà-ni Tỉnh Ninh Thuận” thành “Hội đồng Sư cả Bà-ni Tỉnh Ninh Thuận”, sao đến nay không thực hiện, để xảy ra sự vụ không hay? Trách nhiệm thuộc về ai?

– Hội Champa Bani Quốc tế do tiến sĩ-VNS đại diện ra thông báo tặng quà cho Sang Mưgik Ninh Thuận và Bình Thuận, Hội đó gồm những ai? Tổ chức này liên quan gì với Hội đồng Sư cả trong nước? [ảnh-9] Tại sao “món quà” bị ba Sang Mưgik từ chối?

– “Thông báo chương trình thăm và làm việc…” do Đổng Dương Long kí ngày 23-4-2021, rồi chính ĐDL dẫn đầu đoàn đi. Sao là ông ĐDL, mà không phải chủ tịch là Pô Gru Nguyễn Lài, hay phó Chủ tịch kí?

Kết.

Phần tôi, dù không muốn can dự vào chuyện “nội bộ Bà-ni”, bởi là đứa con cộng đồng, khi được bà con và các vị ‘Halau janưng’ Awal yêu cầu, tôi không từ nan. Qua đó tôi được thông tin chi tiết diễn biến sự vụ. Tôi nói:

– Sara chỉ nhắn bà con 3 điều: Tuyệt đối không xúc phạm các vị ‘Ao Kok’ “áo trắng” [tức giới chức sắc ‘Halau janưng’]; thứ hai: không gây tiếng xấu ở bên trong Sang Mưgik; thứ ba, không bạo động gây thương tích.

Sẽ có người hỏi: Sao “chỉ là dư luận” mà Sara “tường thuật”? [ảnh-10]

– Bởi dư luận dễ làm thành sự cố! Nhà văn biết trước, sợ trước và lo trước.

Làm gì…

Để Cham tránh xung đột cộng đồng, mà vẫn bảo tồn được nét đẹp văn hóa truyền thống dân tộc? Cụ thể hơn, làm gì để bà con Cham Bà-ni được giữ đúng tên tôn giáo đặc thù của mình: BÀ-NI?

Đây không chỉ trách nhiệm của Hội đồng Sư cả hay chính quyền, của trí thức hay bà con Cham Bà-ni, mà là trách nhiệm của cả cộng đồng Cham chung nữa.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *