Câu chuyện Cham.42- CHÊ CHỨC SẮC CHAM KHÔNG HIỂU KINH!

Một facebooker viết đại ý, các vị Acar tụng kinh mà không biết đó là kinh gì, từ đâu? Chê, rồi tự trả lời: Đích thị kinh Qur’an, vậy mà người Bà-ni từ chối mình không phải Hồi giáo!

Tôi cho đó là biết một, mà không biết hai, ba. Nếu có đọc Kim Định, bạn ấy không dám có thái độ đó. Nữa, nếu chịu đi hỏi các vị [hay luận sư Inrasara] để học thêm. Đằng này…

Bí hiểm là tính chất đặc thù của nhiều tôn giáo Đông phương. Các thầy hành lễ ít khi hiểu rành rẽ kinh, kinh càng bí hiểm càng tốt. Hiểu sâu là công việc của các luận sư hay học giả.

Nhà Phật chẳng hạn, thông hiểu kinh sách là các vị như Nhất Hạnh, Tuệ Sỹ, Thanh Từ… Còn quý thầy hành lễ chỉ tụng và đọc kinh phục vụ cho sinh hoạt tôn giáo tín ngưỡng đời thường, bỏ qua các kinh cao cấp, không cần tìm [để] hiểu cũng không sao.

Cham thì càng. Kinh không được hiểu, và không có quyền dịch. Acar tụng kinh như đọc các “liên âm” với giai điệu khác nhau cho mỗi kinh ở mỗi lễ. Thế nên vừa qua có người dịch Kinh Awal gửi tôi, tôi mang sang cho vài Imưm, họ nói như vậy đâu còn gì linh thiêng! Họ gạt đi.

Kinh Cham Bà-la-môn không khác.

Trong non 20 Agal “kinh”, chỉ có 4 kinh “mới” và phổ thông, vài vị hiểu được, còn lại thì không. ‘Halau janưng’ Cham ‘Ahiêr’ cũng không muốn, không cần hiểu. Đó là sự thật.

Ba năm san định Kinh sách Cham, tôi càng hiểu thâm sâu hơn ý định của các bậc tiền bối. Thế nên tôi chỉ dừng lại ở 4 kinh trên, còn lại chỉ chú thích.

Một ‘Halau janưng’ Cham kể, nhà nghiên cứu nọ gặp quý thầy xin chụp Agal kinh, sau đó quay lại chê quý thầy. Kì thế chứ! Tôi, dứt khoát không.

Hỏi các thầy Doh Đam, hầu hết không ai hiểu mình đang “hát” gì. Tôi dẫn ra câu: “Bhummi ô papleh hu di Jơk” được tụng 7 lần, rồi giải thích, các vị mới “à hén”. Tôi nói, không vấn đề gì đâu. Đó không là công việc của các bác.

Ngay tên Agal, một kinh chủ các vị tụng 4 lần ở Đam ‘Ahiêr’, là ‘Brandhwa’, cũng không ai hiểu nghĩa. Tôi giải thích:

Đó là ‘Brahmưdhwa’, người xưa đọc lượt bớt một âm thành ‘Bram-dhwa’. Là ‘Brahma-dhwa’! Brahma, tên vị thần tối cao của Bà-la-môn.

Dhwan: là con đường. Cham có chữ ‘jalan dhwan’: đường sá, con đường nói chung. Viết tắt thành ‘dhwa’. ‘Nao di dhwa’: đi “ngoài” đường, nghĩa là còn trên đường, chưa về tới nhà.  

‘Brahma-dhwa’ có thể dịch là “đường đạo”, con đường [đến với, trở về] Brahma.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *