Thổ cẩm Cham-10. MÁY BÁN CÔNG NGHIỆP CÓ “GIẾT CHẾT” THỔ CẨM CHAM?
Thổ cẩm Cham “kém chất lượng” bị trả về, không chỉ mỗi Cửa hàng Mai, mà nhiều khách hàng khác. Không chỉ một mà nhiều lần. Làm thế nào?
Chúng tôi lại tiếp tục đi. Hãy gõ thì cửa sẽ mở, Chúa Jesus nói thế. Gõ cửa một công ty dệt tại Thủ Đức, anh giám đốc kêu: chuyện nhỏ. Hani chọn hoa văn cao cấp và khó nhất: 13 go. Và, đúng là nhỏ thiệt. Chưa qua tuần, họ đã giao cho chúng tôi tấm mươi mét vuông “thổ cẩm” chất lượng cao. Đến khi cậu nhân viên hỏi:
– Anh chị tiêu thụ nhiêu “công” một tháng? thì chúng tôi tắt đài.
Bởi “cô Trụ” dẫu có tìm đầu ra cho thổ cẩm giỏi tới đâu cũng không thể tiêu hết công suất kia của máy dệt “thổ cẩm” hiện đại. Làm gì?
Mùa Xuân 1998, Tháp nắng đoạt giải Hội Nhà văn Việt Nam. Tôi bay ra Hà Nội nhận giải, dẫn theo bà xã. Tên tuổi Inrasara bấy giờ đang dậy sóng trên văn đàn. Xong cuộc này, tôi được mời dự hội thảo khoa học do Viện Đông Nam Á tổ chức. Sau đó, vài cán bộ cao cấp của Viện mang hai chiếc xe con đón chúng tôi qua Vạn Phúc nghiên cứu cải tiến khung dệt tìm hướng đi cho Thổ cẩm Cham.
Chủ nhiệm HTX dệt Vạn Phúc tiếp chúng tôi như thượng khách. Ông cũng kêu: chuyện nhỏ. Tôi đưa nguyên 10 triệu tiền giải thưởng cho bà xã đặt hai khung. Sau cuộc tiệc hàn huyên, cả chủ lẫn khách và người của Viện hồ hởi ra về.
Đùng cái, hai tháng sau, ngài chủ nhiệm kia lên VTV1 giới thiệu mặt hàng mới lạ: Thổ cẩm Cham hiện đại! Hani muốn xỉu. Tôi không bất ngờ về tráo trở ‘di thu’ “trên cạn” của lòng dạ con người, nói:
– Chả tới đâu đâu…
Mà chả tới đâu thiệt. Thổ cẩm Cham nhái đã chết tức tưởi trước bậc cửa vào thị trường. Để rồi tháng sau đó, ngài chủ nhiệm kia không làm gì hơn là chuyển nguyên đai nguyên kiện hai khung dệt bán công nghiệp kia vào Sài Gòn cho khổ chủ.
Đầu năm 1999, song hành với khung dệt thủ công, hai cỗ máy bán công nghiệp bắt đầu chạy, giải quyết được nhiều vấn đề cho Thổ cẩm Cham. Để rồi qua đầu thế kỉ XXI, Công ty TNHH Dệt may Thổ cẩm Cham Inrahani ra đời không còn lo về nỗi “kém chất lượng” cũng như chuyện túng hàng nữa. Thổ cẩm Cham vẫn giữ nét đẹp truyền thống, được sản xuất nhanh hơn và nhất là, chuẩn hơn.
Hai, bốn rồi sáu máy… hoạt động ở Sài Gòn, đều đặn cho ra sản phẩm chất lượng. Và rồi, điều không thể tránh xảy đến. Như mọi nỗi khác, Inrahani mở màn, cánh nhà quê bắt chước. Máy dệt bán công nghiệp được bà con “du nhập” về Chakleng, bên cạnh giải quyết nạn khan hiếm công nhân [đa phần bỏ vào thành phố làm công ty lương cao hơn] nó cũng đã góp phần “giết chết” khung dệt truyền thống.
Có thật máy bán công nghiệp làm “rớt uy tín” và giết chết” Thổ cẩm Cham? – Không phải! Rớt uy tín là do ta chứ không phải máy. Mùa Thu 2020, Công ty Trung Nam đạt hàng Cty Inrahani: dệt tay, bằng sợi cotton. Tưởng chơi khó nhau, nhưng chị em Chakleng vẫn làm kịp, và làm rất ngon lành!
Kinh nghiệm từ gốm Bàu Trúc, khi Sỹ Hoàng về cải tiến mẫu mã bị “trí thức” bản địa chống quyết liệt, để rồi sau đó không lâu, chính bà con công nhận công lao của họa sĩ sáng tạo này. Ai có thể quay ngược dòng chảy của tiến bộ?
Thổ cẩm Chakleng cũng hệt. Comment dài của Jaya phần nào trả lời được thắc mắc này:
“Cái mọi người ko nhìn thấy ở đây là hoa văn và ý nghĩa hoa văn đặc trưng Chăm đang dần thất truyền, chứ không phải câu chuyện tay hay máy nữa. Dệt tay vẫn nhiều nhà còn đang dệt, nhưng họ không kể được câu chuyện của họ để kiếm đầu ra cho sản phẩm thủ công, hay ko am tường về ý nghĩa hoa văn họ đang làm để mỗi sản phẩm thổ cẩm dệt tay có giá trị cả lưu giữ lẫn thương mại, nuôi sống được bản thân hay gia đình.
Dệt máy ko giết chết thổ cẩm Chăm mà là cách mọi người lãng quên ý nghĩa của thổ cẩm, và hướng kinh tế của nó, chứ ko thì hàng Trung Quốc tạp nham ko có cửa để sống nổi trong làng nghề tràn lan như hiện tại.
Ta đấu tố, truy lùng chi người tìm công thức dệt đem hàng hóa Chăm đến khắp thế giới vậy anh Tử, anh thừa biết cả làng rất nhiều nhà khấm khá và phất lên nhờ dệt máy, còn trước đây chỉ dệt tay ko, ai sống nổi? Vậy cuối cùng mục đích của anh là gì? Nếu anh kể câu chuyện thổ cẩm chưa đủ to, đủ tự hào hình ảnh Chăm hay dần dần lớp trẻ không ai biết ý nghĩa, lịch sử, phân biệt hoa văn của chính dân tộc mình rồi chia sẻ niềm tự hào ấy ra sao?
Đây có còn là câu chuyện dệt tay hay máy nữa đâu!”
Thổ cẩm Cham-12. CÔNG NGHỆ HÓA, ĐƯỢC & MẤT
Như phân tích ở “Thổ cẩm Cham-11”, kĩ thuật dệt Cham truyền thống có 2 phần chính: Từ lấy sợi và mắc thành cuộn sợi dọc (nuh papan) theo các quy trình sau (thể hiện qua vật liệu) có 5 công đoạn:
– Giá tách hạt: Waak ywơk kapah.
– Cung bật bông: Ganuuk pateg.
– Xa quấn tơ: Waak mưk kabwak.
– Xa bắt chỉ: Chia liwei.
– Xa đánh ống: Chia tro.
Từ đánh ống đến dệt thành sản phẩm qua 3 công đoạn nữa:
– Giá mắc sợi: Haniêl linguh.
– Khung xỏ go: Danook ppacako
– Khung dệt 2 loại: Danưng
Từ khi chị em Chakleng dùng tơ sợi công nghiệp [đã đánh ống sẵn] năm 1992, 5 công đoạn đầu bị bỏ qua, cùng với nó 5 dụng cụ cũng đã lưu kho. Đến năm 2002, khi máy bán công nghiệp du nhập vào Mỹ Nghiệp, thì cả ba công đoạn cuối cũng nguy cơ thất truyền.
Nhưng sự thật có phải thế? Không! Dân Chakleng vẫn xài cả hai: bán công nghiệp cùng thủ công song hành. Và nếu nó có chết thì Thổ cẩm Cham vẫn không chịu cho bất kì ai đưa tang. Thổ cẩm vẫn tồn tại cùng với dân tộc: Đó là hoa văn Jih Dalah đặc trưng Cham.
Chúng có mặt, dù có qua thủ công hay công nghệ. Có mặt cùng những CÂU CHUYỆN và các tầng Ý NGHĨA của chúng.
Đó chính là cái đáng bảo lưu nhất.