Bài phát biểu tôi soạn cho Inrahani đọc tại hội thảo: “Bảo tồn văn hoá – Doanh nghiệp xã hội làm được gì?” (NGO), 19g-21g: 20-4-2016, TPHCM
Hiện nay, nghề dệt Thổ cẩm Cham đã phát triển và nổi tiếng, cả trong lẫn ngoài nước; nhiều hộ gia đình người Cham làng Mỹ Nghiệp khấm khá nhờ thổ cẩm; vài cơ sở phát triển, trong đó có Công ty thành công; vân vân…
Thế nhưng tất cả không phải một sớm một chiều mà có được. Người dân Mỹ Nghiệp, và cá nhân tôi đã phải vượt qua bao thách thức, có khi phải giải quyết khủng hoảng mới có ngày hôm nay. Ở đây, tôi xin lướt qua 5 thách thức lớn mà bản thân tôi gặp phải trên con đường phát triển Thổ cẩm.
Đang khi ngành dệt Thổ cẩm còn chìm trong bóng tối, vào cuối những năm 80 của thế kỉ trước, một Tổ chức dịch vụ Du lịch Tỉnh Thuận Hải đặt hàng HTX Mỹ Nghiệp. Đó là một lô hàng rất lớn, là cơ may cho Thổ cẩm Cham. Bà con hồ hởi như thể đã có lối ra cho ngành nghề dân tộc. Nhưng hàng đi rồi bị trả về ngay sau đó: lí do ra màu là chính.
Vậy phải làm sao? Cứ mặc cho Thổ cẩm Cham trở lại tình trạng cũ sao? Không thể chấp nhận chuyện đó, tôi phải vào Sài Gòn học cách pha chế màu cho tơ sợi. Nhiều lần thất bại, cuối cùng, rất tình cờ – chất lượng màu sắc Thổ cẩm đã được giải quyết.
Màu sắc đã đảm bảo, dân làng bắt đầu dệt trở lại.
Lúc đó thay vì làm theo cách cũ, là mang Thổ cẩm bán cho người dân tộc thiểu số Tây Nguyên, tôi chuyển khu vực buôn bán vào miền Nam vùng đồng bào Khmer. Chưa đầy năm đã thất bại ê chề! Tại sao? Tôi mới rút ra bài học nhớ đời là, hàng Thổ cẩm và hàng thủ công mĩ nghệ nói chung, chỉ có thể bán ở vùng kinh tế phát triển.
Thế nên tôi tìm cách đưa Thổ cẩm Cham vào TP Hồ Chí Minh.
Một Cửa hàng tại Sài Gòn đặt lô hàng lớn. Tôi nghĩ đây là cơ hội cho cá nhân tôi và Thổ cẩm Cham. Không ngờ, một nửa trong số hàng bị trả lại. Lí do đơn giản: Hàng dệt không đều tay, chỗ lớn chỗ bé, chỗ dày chỗ mỏng, vân vân.
Chắc chắn, đây là một khủng hoàng chứ không còn là thách thức nữa.
Học dân thành phố, tôi nghĩ ra cách chế biến, từ hàng thô thành các mẫu mã tiện hơn để phục vụ cho tiêu dùng. Câu hỏi tiếp theo là bán ở đâu? Tôi mới thuê một lô nhỏ ở Thương xá TAX bán sản phẩm chính mình chế tác. Đó là điều mà chưa có người Cham nào làm trước đó. Tôi chuyển từ bại thành thắng.
Nhưng rồi các mẫu mã sản phẩm của Cơ sở tôi bị nhái, và mang bán hạ giá khắp nơi. Lại là một thách thức mới. Làm sao giải quyết nó?
Tôi nghiên cứu cải tiến các hoa văn cũ, bố trí chúng thành nhiều hoa văn khác nhau, cách phối màu cũng đa dạng hơn, để chế tác được nhiều loại sản phẩm hơn. Nghĩa là luôn luôn đổi mới và sáng tạo. Để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng khó tính. Hơn 300 mẫu mã có mặt hôm nay, là từ đó.
Thổ cẩm Cham nổi tiếng, khách hàng đặt hàng ngày càng nhiều, nhu cầu càng cao. Làm sao đáp ứng kịp cho khách? Tôi nghĩ ra cách cải tiến kĩ thuật dệt. Tôi đã ra tận Hà Đông nghiên cứu cải tiến khung dệt Cham từ thủ công lên bán công nghiệp. Đấy là thành quả mà hiên nay dân làng Cham Mỹ Nghiệp đang áp dụng đại trà tại chính quê hương Thổ cẩm.
Cuối cùng, lẽ nào hàng Thổ cẩm cứ mãi quẩn quanh ở trong nước.
Thổ cẩm Cham nổi tiếng, Công ty tôi thành công, từ đó báo chí tìm đến. Non trăm bài báo và phim về tôi và Thổ cẩm Chakleng xuất hiện. Tôi được các cơ quan Trung ương mời đại diện cho hàng thủ công Việt Nam dự vài cuộc triển lãm quốc tế, được các Công ty lớn ở nước ngoài mời, và cá nhân tôi cũng nhiều lần tìm cách đưa Thổ cẩm dân tộc đến các nước. Nhật, Thụy Sĩ, Pháp, Đức, Bỉ, Singapore, Thái Lan, Lào…
Thổ cẩm Cham đi vào hơn mười nước trên thế giới, theo cách đó.