Năm 1989, khi ấy tôi ở Krong Likuk (sông sau) mảnh đất cuối chót của palei Chakleng – mãi vật lộn với cuộc sinh nhai. Từ làm rau muống, chăm giàn nho cho đến lang thang các làng chích trâu bò heo… để kiếm chút đỉnh nuôi gia đình năm miệng ăn giữa thời buổi kinh tế xã hội chủ nghĩa. Đầu hôm dạy võ cho mấy đứa cháu, giấc gà gáy sáng thức… độc thư!
Thì Chakleng xảy ra đồng lúc hai biến cố mang tính bước ngoặt.
Thổ cẩm đang rù rì thì đột ngột một công ty Nhà nước ở Phan Thiết về Chakleng đặt hàng “mền” lớn. Cả làng nhốn nháo lên, cấp tập dệt ngày dệt đêm để đáp ứng hợp đồng. Cuối cùng rồi hàng được chuyển đi. Hai chiếc xe tải lớn chớ chả đùa.
Trong lúc chị em Chakleng ngồi nhà trông tiền về thì eo ôi, chưa đầy tháng sau, hai chiếc tải kia trở lại. Trở lại với đầy… mền. Toàn bộ hàng bị ra màu, đỏ loe đỏ loét. Hàng thủ công mĩ nghệ trở thành hàng thải, HTX bán lại cho dân buôn giá cả như cho không. Người Chakleng lủi thủi đến nhận lại hàng của mình, để tiếp tục kiếp… ‘nao Cru”.
Ngay thời điểm cả làng khốn đốn, thì một sinh linh phất lên. Là Quảng Phố. Ông đã trúng đậm – khách sạn REX, nghe đồn thế. Đậm đến nỗi có người xấu miệng kêu ông trúng độc đắc. Kêu thì kêu, dân Chakleng quen phiêu lưu, hôm sau cả chục mạng đón xe đò vào Sài Gòn khai phá. Rồi tin đồn lại về, thật giả chả biết đâu mà lần. Đồn rằng tấm trải bàn ở Chakleng bán giá 50.000đ mà một cửa hàng Đồng Khởi treo giá đến 800k…
Hai biến cố tác động đến bà xã đang cặm cụi với đám rau muống. Bả quyết dứt áo, đi. Rút kinh nghiệm thế hệ trước, bà rủ tôi phiêu vào miền Tây. Lâu nay Cham cứ gùi Thổ cẩm lên Cao nguyên chứ có ma nào làm ngược đời kiểu đó đâu.
Nhận thổ cẩm bà con ở quê, đón xe đò chở vào Trà Vinh, Cà Mau… bán. Thêm, đùm đuề cả nhà sáu miệng ăn đi theo. Lại bán cho dân Miên. Ngốc thế chứ! Bà con Miên thích thổ cẩm Cham thì có thích, mua – lại mua chịu, đến kì không tiền trả, sang bầy heo con cho chúng tôi. Thế là hai vợ chồng thành lái buôn heo mỗi sáng lên chiếc ghe nhỏ vượt Hậu Giang mênh mông nước qua Kế Sách – Sóc Trăng bán.
Tôi thì vừa thồ hàng, vừa đọc Paul Valéry, Heidegger…
Chưa trọn năm, ba cây vàng bán nhà cha mẹ để lại ở quê bay biến mất tiêu. Về, hoàn tay trắng. Tôi mới rút bài học: Thổ cẩm là hàng mĩ nghệ, chỉ có thể bán cho dân giàu, càng giàu càng tốt.
Nhưng làm sao giải quyết chuyện “ra màu”?
Từ miền Tây, trên đường về chúng tôi ghé Tân Bình tìm đến các tay tổ có tiếng, quyết học cho kì được ngón nghề giải quyết nan đề cho Thổ cẩm Cham. Dẫu tốn kém tới đâu. Tại đó, tôi ghi chép chi chít đầy cả cuốn vở học sinh trăm trang, để rồi tất cả thành công cốc. Bởi chính tại đây, chúng tôi đã “phát hiện” kho chứa tơ sợi “không ra màu”.
Thổ cẩm Cham làm bước ngoặt mới, từ đó…