Đối thoại Cham-32. TẠI SAO SỢ PHÊ BÌNH?

Ở tút “Chuyện ngoài lề mang nguy cơ đổ vỡ”, vài bạn trẻ không đồng ý với việc tôi đưa tên tuổi hai nhà “nghiên cứu” Cham [từng hoạt động xã hội] lên mạng xã hội, chỉ vì sợ họ bị phê bình.

Tại sao sợ phê bình?

Chỉ có kẻ muốn độc quyền hành động, hay một chế độ độc tài mới sợ phê bình. Tổng thống Mỹ Obama sang Việt Nam nói một ý đáng nhớ: “Tôi bị báo chí và trí thức Mỹ phê phán mỗi ngày, chính vì thế mà Hoa Kì lớn mạnh”.

Bạn nổi tiếng, bạn hoạt động xã hội, bạn là người của cộng đồng thì bạn phải chấp nhận sự phê bình, khen chê từ cộng đồng. Không thể tránh. Càng nổi tiếng thì càng bị dư luận soi mói. Chỉ có kẻ dấm dúi mới sợ bị đưa ra ánh sáng công luận.

Mà phê bình thì phải nêu đích danh với địa chỉ rõ ràng. Và nhất là – công khai.

Hai nhà phê bình Nguyễn Hòa và Hoài Nam từng trích văn và lấy ý của tôi để phê bình trên báo. Phê bình tôi mà không nêu tên tôi. Tôi đã lôi họ ra ngoài ánh sáng, để đối thoại. Rất sòng phẳng!

Cây ngay không sợ chết đứng. Ta đúng, ta chân chính, tại sao sợ phê bình?

Ngoài tình cảm riêng tư và chuyện gia đình, còn lại tôi có thể đối thoại mọi vấn đề về Cham liên quan đến tôi. Trực diện hay trên diễn đàn. Và tôi đã làm đúng như vậy: chấp nhận phê bình và sẵn sàng phản biện lại sự phê bình đó.

Nhầm lẫn giữa công lao quá khứ và hành động hôm nay dẫn đến xử lí hỏng.

Chiến tranh Việt Nam vừa qua, người có công được ưu tiên chức quyền, rồi khi ấy làm sai, ta hay châm chế. Ra tòa cũng châm chế tuốt. Chơi kiểu ấy, Việt Nam không trì trệ mới lạ. Ấy sai thì phải bị phê phán, có tội thì kỉ luật, còn công trạng xa xưa là chuyện khác.

Ông có công với “văn hóa Cham”, rồi khi ông ra ngoài cộng đồng ông dấm dúi, trục lợi thì ông sẽ bị công luận phê phán, cần thiết – bị loại bỏ. Không thể viện cớ ông từng viết nhiều tác phẩm nghiên cứu văn hóa Cham tốt mà ông được châm chế hay sapa ở sai lầm hôm nay.

Và bạn, nếu biết mà bạn im lặng hay bao che, chớ tưởng bạn tốt, bạn thiện lương, mà là đồng lõa với cái xấu ác, là có tội.

Phê bình thế nào?

Thường vì định kiến, ta phê phán hay ca tụng vô bằng cớ. Khen vô bằng và quá lố là a dua, chê vô bằng cớ và nặng lời, thành chưởi bới. Phê bình cần dựa trên mấy yếu tố:

– Có luận điểm rõ ràng

– Có bằng chứng xác đáng, khả tín

– Lập luận vững chắc để thuyết phục người đối thoại

– Cuối cùng, ngôn từ đơn giản, dễ hiểu và văn minh.

P.S. Hãy xem phê bình là điều bình thường trong sinh hoạt xã hội.

Cá nhân tôi nhiều lần được/ bị đưa lên công luận phê phán, thậm chí xuyên tạc. Tôi bình tĩnh đón nhận nó. Đúng, tôi vui vẻ học và karun! Sai và bất công, tôi cho qua, không mất thì giờ tranh cãi dây dưa. Còn dù sai, khi biết đó là thiện ý, tôi nói lại một lần rồi thôi.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *