Đối thoại Cham-28. CHÊ, BÀY VẼ & VÀO LÀM

Luận câu ông anh nhận định về tôi ở “Đối thoại Cham-23. Đối thoại ngoại vi”: “Cei Trạm nó sống Sài Gòn thiếu thực tiễn xã hội Cham, nên…”, ở đó tôi nêu bật 2 điểm HAY. Thứ nhất, hiểu sao nói vậy, nói thật lòng mình; thứ hai: nói trước mặt. Là điều không đáng quý sao?

Chính từ “hai hay” đó, qua giải minh, ông anh và cả Cham học được hai điều LỢI: [1] Muốn phát ngôn đúng về ai bất kì, cần biết người đó, [2] người đọc nói chung còn hiểu được “thế nào là thực tiễn xã hội Cham”.

Vậy đó, biết được 2 cái hay và học thêm 2 điều lợi – học mà không tốn học phí, không tuyệt sao?!

Hôm anh chị Lune Production ghé Phan Rang, nhờ tôi giới thiệu vài Cham ra Hội An làm việc. Họ khá ngạc nhiên về cách tiến cử của tôi: Sao với Sara, Cham nào cũng ngon cả! Tôi đùa:

– Đó là tôi có cộng thêm điểm sắc tộc, còn thì hai bên gặp mặt trao đổi và quyết định. Dĩ nhiên tôi luôn thòng một câu: Dẫu sao cũng cảnh giác với vài con rắn vuông.

Luôn biết nhìn vào mặt tốt của con người, hay khía cạnh tích cực nhất của vấn đề, sự thể sẽ khác đi rất nhiều. Dụng nhân như dụng mộc, là thế.

Nói dễ làm khó, người đời nói. Chưa hẳn vậy! Nói cho ra nói cũng khó không kém làm, đôi lúc còn khó hơn.

Chê, hay phản biện – nếu muốn dùng từ này, là điều cực khó. Phải là bậc thầy mới có thể “chê phải” [Tuân Tử: “Kẻ chê ta mà chê phải là thầy ta”].

Trước một sự vụ, “chê phải” khó đã đành, bày vẽ “cách làm phải” khó không kém. Nếu bạn chỉ chê rồi ngưng lại đó, bạn thành chuyên gia chê bai rồi còn gì!

Cuối cùng, bày vẽ mà không ai động tay chân, thì chính bạn phải xắn tay áo vào làm. Muốn ăn phải lăn vô bếp, người Việt nói.

Cham hôm nay, ai là kẻ có khả năng chê đúng, bày vẽ hay, và vào làm tới cùng?

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *