[đối thoại văn hóa và lịch sử]
GS Phan Huy Lê:
“Tất cả các nền văn hóa từng tồn tại trên lãnh thổ Việt Nam đều là di sản của văn hóa Việt Nam, đều là bộ phận tạo thành của văn hóa Việt Nam” (Tuổi trẻ, 23-2-2017).
Inrasara:
“…nếu người Việt mạnh về đất liền, thì dân tộc Cham ưu thế lớn về biển. Hải sử và văn hóa biển Cham làm đầy lịch sử Việt Nam, cũng như văn học Cham bổ khuyết cho sự thiếu vắng sử thi [viết] của văn học đa dân tộc Việt Nam vậy.
Thế nhưng, lâu nay chúng ta đã ứng xử chưa sòng phẳng với nền văn hóa ấy. “Đối nhân xử thế” ấy đã gây thiệt thòi cho chính chúng ta.”
Phát ngôn ấy của tôi đã tạo nên “bão” câu hỏi. Đây là phần trả lời…
1. Việt Nam giàu và đẹp…
Đẹp thì rõ rồi. Một sinh viên Hàn than, đi từ đầu đến cuối đất nước họ, gần như đâu cũng giống nhau. Việt Nam thì khác. Hiếm đất nước nào có địa thế, địa hình, khí hậu cùng hệ sinh thái đa dạng như Việt Nam. Bắc bộ khác với miền Trung, Cao nguyên khác duyên hải Trung Bộ, miền Tây Nam Bộ càng khác hơn nữa. Nước ta có khí hậu nhiệt đới, ôn đới (Sapa, Đà Lạt) và cả bán sa mạc (Ninh Thuận). Riêng rừng [bạc] và biển [vàng] thì miễn chê.
Kể sang chuyện giàu. Việt Nam sở hữu từ hai nền văn minh làm nền tảng: Đại Việt và Champa, được vài nền văn minh khác [xa xôi hơn] phát triển khá cao không thể không tính đến hỗ trợ: Óc Eo, Cát Tiên, Thủy Chân Lạp.
Đẹp và giàu kia được tô đậm bởi 54 dân tộc với 54 nền văn hóa bản địa khác nhau cùng chừng ấy ngôn ngữ khác nhau. Riêng văn hóa dân tộc thiểu số, tạm phân làm 4 vùng chính: Văn hóa các dân tộc phía Bắc, văn hóa Tây Nguyên, văn hóa Cham, và văn hóa Tây Nam Bộ. Còn tiếp nhận các luồng văn hóa lớn, Việt Nam sở hữu đến 3 dòng văn hóa Đông phương: Đông phương-Trung Quốc có Khổng, Lão; bên Champa: có Đông phương-Ấn Độ với Ấn Độ giáo và Phật giáo, sau rốt không thể không tính đến Đông phương-Hồi giáo [Cham Islam].
Giàu quá đi chứ!
2. Thế nhưng, lâu nay chúng ta đã ứng xử chưa sòng phẳng với các nền văn hóa ấy. “Đối nhân xử thế” ấy đã gây thiệt thòi cho chính chúng ta.
Tạm nêu một trường hợp: văn hóa Champa, về riêng một lĩnh vực: văn học.
Ngay từ thế kỉ IV (bia Đông Yên Châu) người Cham được coi là dân tộc có chữ viết. Có chữ viết sớm dẫn đến việc văn học viết phát triển sớm.
Song hành với văn chương bình dân: panwơc yaw (tục ngữ), panwơc pađit (ca dao), dalikal (truyện cổ), là văn bi ký, sử thi, trường ca, thơ thế sự, thơ triết lí, gia huấn ca phát triển vô cùng phong phú. Cho dù di sản văn học ấy đã thất tán nhiều, qua nỗ lực sưu tầm không mệt mỏi của các nhà nghiên cứu, văn học viết Cham vẫn có được các tác phẩm sáng giá đóng góp vào nền văn học đa dân tộc Việt Nam. Ngoài văn bia ký gồm 250 minh văn sáng tác từ thế kỉ II đến thế kỉ XV, mươi trường ca trữ tình, hàng chục trường ca thế sự, thơ triết lí, gia huấn ca, cùng hàng trăm damnưy (tụng ca) do Ong Kadhar hay Ong Mưdwơn hát trong các lễ Rija, là những áng văn chương giá trị. Đặc biệt người Cham cũng đã sáng tạo các akayet (sử thi) nổi tiếng như Akayet Dewa Mưno, Akayet Um Mưrup… Khác với các sử thi của các dân tộc Tây Nguyên anh em, sử thi Cham đã được văn bản hóa từ thế kỉ XVI-XVII.
Hỏi tất cả chúng có mặt ở góc khuất nào trong văn học sử Việt Nam hôm nay? – Trống vắng! Không phải là thiệt thòi cho văn học Việt Nam ư?
Vẫn GS Phan Huy Lê ở số báo trên, tiếp:
“Lịch sử ở hai vùng đất Nam Trung bộ và Nam bộ… chúng ta bỏ trống. Đó là một khoảng trống lịch sử cực kỳ nguy hiểm. Vì từ khoảng trống này đã làm nảy sinh nhiều nhận thức tùy tiện, bất lợi cho chủ quyền lãnh thổ Việt Nam hiện nay.
Không lẽ từ trên trời rơi xuống? Rõ ràng đây là nhận thức phiến diện tạo thành một khoảng trống lịch sử”.
3. “Khoảng trống lịch sử” – không sai.
Mấy năm qua, khi thời sự Biển Đông đang nóng dần lên, chủ quyền quần đảo Hoàng Sa – Trường Sa được đặt thành vấn đề mang tính khu vực, thì Việt Nam cần truy tìm nền hải sử hơn bao giờ hết. Tìm ở đâu? – Không đâu cả.
Xưa, người Việt mở cõi xuống phương Nam chỉ biết có đất liền; còn đóng tàu viễn dương, thì hầu như chưa. Suốt dòng lịch sử dựng nước và giữ nước, người Việt chỉ biết ra khơi về lộng. Mà “lộng”, theo Từ Chi, chỉ đâu khoảng ba cây số cách bờ, còn “khơi” xa lắm cũng đến bảy cây số là cùng. Việt Nam hoàn toàn thiếu vắng nền hải sử. Do đó, khi Champa đã làm một với Tổ quốc Việt Nam thống nhất, thì việc nhận diện văn hóa biển của Cham sẽ bổ khuyết cho sự nhìn nhận thực thể Việt Nam.
Không đi biển, không sở hữu truyền thống “viễn dương” thì không có nền hải sử, là điều không lạ. Dân tộc Cham ngược lại, viễn dương từ rất sớm. Sớm và đầy chủ động.
Sớm và xa nhất là Ấn Độ. Sử gia G. Maspéro (1928) ghi nhận, ngay từ đầu thế kỉ thứ V, vị vua đầu tiên của Đông Nam Á là người Cham Gangaraja đã làm cuộc vượt đại dương đến tận bờ sông Hằng. Thế kỉ thứ VII, người Cham cũng đã nhiều lần qua tận Nhật Bản giao lưu. Hiện nay vở kịch vương triều Lâm Ấp là “Long vương vũ” vẫn còn được lưu giữ ở đất nước Mặt trời mọc, là vậy (Vũ Ngọc Liễn, 2008). Sau đó, thế kỉ thứ X, giai đoạn Lưu Kỳ Tông làm vua đất Champa, bộ phận lớn người Cham thiên di qua Đảo Hải Nam – Trung Quốc sinh sống. Hiện tại cộng đồng này vẫn còn nhớ nguồn gốc của họ. Đó là chưa kể chuyện vua Po Pome ở thế kỉ thứ XVII qua tận Kelantan và để lại thế hệ hậu duệ bên ấy. Trước nữa, cuối thế kỉ XIII vua Chế Mân cưới hoàng hậu Malaysia Tapasi!
Suốt 17 thế kỉ tồn tại, người Cham đã làm chủ Biển Đông, vùng Biển Champa (Sea of Champa), sau đó Trung Quốc mới gọi là Biển Nam Hải, còn Việt Nam kêu là Biển Đông.