Đối thoại Cham-16. TẠI SAO TAGALAU CẦN SỐNG?

Hôm qua 14-1-2021, ngồi với anh em tại cà-phê PATOM, vài bạn thế hệ mới đặt vấn đề Tagalau. Đâu là sứ mệnh Tagalau, và đâu là mục tiêu? Rồi ai sẽ nắm giữ Tagalau, sau khi hai “thế hệ” tiếp nối tạm nghỉ? Vẫn có vài nhầm lẫn đây đó. Tôi nói:

– Kêu “sứ mệnh” thì hơi to, còn nếu muốn dùng chữ này, ý định tôi là tạo một biểu tượng nhỏ cho Cham hiện đại. Với hai mục tiêu là bày “sân chơi” cho Cham đăng các sáng tác của mình, bên cạnh mức độ nào đó – để các dân tộc trên đất nước Việt Nam và người ngoài biết về Cham và văn hóa Cham. Còn nội dung, Tagalau cũng đã nêu rất rõ ở tiểu đề: “Sáng tác – sưu tầm – nghiên cứu văn hóa Cham”.

– Còn ai sẽ làm cuộc tiếp sức?  Trao khi trao cây gậy cho Jalau Anưk, tôi muốn các bạn toàn quyền, chỉ khi Tagalau có vấn đề, tôi mới can thiệp hay hỗ trợ. Toàn quyền cả ở việc chuyển giao cây gậy.

– Tại sao cần giữ cho Tagalau sống?

Là câu hỏi thường xuyên được nêu lên. Câu hỏi nêu ra, là chỉ dấu sinh mệnh của Tagalau cũng bị đặt thành vấn đề. Tại sao cần hồi sinh Tagalau?

Các sáng tác, sưu tầm, nghiên cứu đã và sẽ xuất hiện trên Tagalau, hôm nay người đọc có thể tìm thấy dễ dàng trên mạng xã hội mà không phải bị cắt xén, không tốn kém, và nhất là rất kịp thời. Tiên ích đủ đường. Dẫu sao đi nữa, Tagalau vẫn cần có mặt. Như hòn đá kia đơn thuần là đá, chỉ khi nó được tạc nên hình, được nhiều thế hệ thờ phụng, nó mới thành linh thiêng.

Ba thế hệ đi qua và lớn lên từ Tagalau, vun xới Tagalau: Nguyễn Văn Tỷ, Phutra Noroya, Thuận Văn Liêm, Sử Văn Ngọc… Trà Vigia, Jaya Hamu Tanran, Phú Đạm, Jaya Thuksiam… Jalau Anưk, Đồng Chuông Tử, Bá Minh Trí, Tuệ Nguyên, Kiều Maily, Jaka, Lưu Tặng… với hơn 300 tên tuổi Cham và ngoài Cham góp mặt, đủ làm Tagalau thành một BIỂU TƯỢNG.

Lẽ nào Cham muốn thêm một biểu tượng nữa bị thất truyền!?

– Thế làm sao để Tagalau sống sót?

Vạn sự khởi đầu nan. Mấy số đầu, tôi đảm tất tần tật: Từ thu gom bài vở [đánh máy, in rồi chuyển cho tác giả sửa] cho đến lo tiền, từ chạy giấy phép cho chí in ấn và phát hành. Từ A đến Z – như thiên hạ nói.

Tiền, tôi chưa hề xin cá nhân hay tập thể nào. Bà con hoặc Mạnh Thường quân hiểu, thương Tagalau, và cho. Do đó, dù tiền không là vấn đề, mỗi kì tôi phải bù lỗ 7-8 triệu [tương đương một cây vàng khi ấy]. Mãi từ số 7, Tagalau mới hết chịu lỗ, thậm chí có vài kì Tagalau tác giả còn được nhuận bút nữa.

Trải mấy gập ghềnh, đúng như thân phận của nó: Từ chối hay dọa cắt, không cho tên Tagalau có mặt trên trang bìa, buộc bỏ chữ Akhar thrah, kể cả tin đồn thu hồi vĩnh viễn cũng không chừa, Tagalau vẫn sống.

Làm sao Tagalau có thể sống sót? – Khi Tagalau còn được tác giả và độc giả tin tưởng. Nghĩa là, chủ biên biết “chăm sóc khách hàng”.

– Với tác giả và Mạnh Thường quân: Ngay khi Tagalau ra khỏi lò in, ba ngày sau sách đã đến địa chỉ cần đến. Chính tay chủ biên qua bưu điện gửi; và để chắc ăn, tôi phone hỏi thăm sức khỏe của gói bưu kiện khiêm tốn ấy.

– Cùng thời gian, Tagalau xuất hiện ở các đại lí và hiệu sách. Dẫu bán chậm, Tagalau luôn có mặt kịp thời phục vụ người đọc. Và dù thu hồi vốn khó [lắm lúc không thu hồi được], tôi nghĩ miễn sao Tagalau đến tay độc giả đúng vụ, là tốt rồi.

– Chuyện công khai tài chính cũng không thể bỏ qua. Dù đa phần tiền là tiền túi [hay của Cty Thổ cẩm Cham Inrahani], sau mỗi kì Tagalau,tôi đều có “Thư Tagalau” in thành văn bản gửi tận tay người liên quan, cả đăng trên website Inrasara.com. Để cuối rốt ở hôm bàn giao, tôi chuyển khoản tiền và số Tagalau thừa cho thế hệ kế cận cũng kha khá.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *