[Đối thoại lịch sử]
Việt Nam cần dân chủ chưa? – Chưa phải lúc, bởi trình độ dân trí của ta còn thấp. Việt Nam cần luật biểu tình chưa? – Chưa phải lúc, do người Việt Nam chưa ý thức đầy đủ quyền lợi và trách nhiệm công dân…
Câu hỏi: Tinh thần và tư tưởng dân chủ chưa được giáo dục cơ bản từ trường học, thì làm sao đòi hỏi công dân đủ trình độ và có ý thức?
Tháng 5-2015, sau buổi thuyết giảng ở Sứ quán Thụy Sĩ – Hà Nội, bạn thơ [là quan Trung ương] Trịnh Công Lộc tìm đến tôi tận khách sạn.
– Phần đầu bài nói chuyện khá là nhạy cảm, chưa phải lúc trình bày những điều đó, – bạn thơ nói.
– Đó là sự thật, anh à. Sự thật lịch sử ấy cần được nói lên cho thế hệ Việt Nam hôm nay biết. Kêu chưa phải lúc, vậy bao giờ mới là phải lúc? Tháp Chàm, Cù Lao Chàm, Ma Lâm Chàm, giếng Chàm, vân vân Chàm… có mặt suốt giải đất miền Trung Việt Nam. Chủ nhân của chúng là ai, từ đâu, và đang ở đâu? Bản đồ Việt Nam chữ S cong tròn đẹp đẽ như hôm nay, từ đâu mà ra?
Các câu hỏi đơn giản ấy đòi hỏi câu trả lời nghiêm cẩn. Đáp án đúng không thể không đề cập đến vương quốc Champa với vị trí địa lí, cụ thể hơn – không chừa trừ cuộc Nam tiến của Đại Việt với các cột mốc lịch sử quan trọng cùng những trận di tản của Cham với ra đi và ở lại, kèm bản đồ minh họa.
Ta có thể giấu mãi không? Nếu quyết giấu, con dân sống sót của vương quốc xa xưa ấy sẽ mò tìm để biết quá khứ của họ, không thể tránh. Cung cấp thông tin đúng, chính thống cho họ không hay hơn đẩy họ tìm đến các bài viết ngoài lề, có thể lệch lạc; và nhất là – nói theo điều ta hay lo lắng – có thể là những sử liệu “độc hại”.
– Đồng ý với Sara, nhưng các chi tiết ấy khá nhạy cảm, và chưa phải lúc…
– Vậy bao giờ mới phải lúc. Một thế hệ mù mờ về lịch sử ông bà đi qua, rồi thêm một thế hệ khác kế tục nỗi mù mờ kia thì mù mờ còn kéo dài đến bao giờ?
Tháng 7-2020, đăng tút liên quan đến lịch sử, tôi nhận phon từ bạn facebook bên an ninh:
– Dạo này Sara viết về lịch sử, về quá khứ nhiều đấy…
– Không đâu bạn à, lịch sử là thể loại đứng phía sau nhiều ưu tiên khác của mình.
– Tôi thấy không lợi lắm, lúc này…
– Không gì thuộc về con người mà nhà văn không thể bàn tới. Sara nhắc đến quá khứ ĐỂ LÀM GÌ, mới là điều đáng nói.
– Nhiều người không hiểu họ sẽ nghĩ khác, nghĩ xấu đi…
– Người không hiểu, viết để họ hiểu; còn kẻ hiểu sai, viết ra giúp họ hiểu đúng.
Về sự thật lịch sử quan hệ Champa – Đại Việt ở quá khứ, tôi đã phân tích rõ ba cái lợi LỚN ở bài trả lời phỏng vấn: “Cần nhìn lịch sử Champa một cách toàn vẹn hơn”, trên RFA, ngày 26-5-2015.
Chúng ta sinh ra là để sống, chứ không phải để chuẩn bị sống – Boris Pasternak nói thế. Phát ngôn thuộc hàng châm ngôn, dẫu sao ý tưởng ấy rất đáng bàn thêm: Sống, và cả chuẩn bị cho thế hệ mai sau sống. Một trong các chuẩn bị ấy là nói thật và giải ảo, nhất là những góc khuất, bề tối còn ẩn giấu của lịch sử, của quá khứ dân tộc chưa được sáng tỏ. Cho các thế hệ đi tới sống tốt và sống đẹp hơn, có nhiều sáng tạo hơn.
Lịch sử thế giới hiện đại, Đài Loan từng độc đảng, Hàn Quốc từng độc tài; các nhà lãnh đạo của họ sớm chuẩn bị tinh thần dân chủ cho con cháu họ hưởng thụ xã hội dân chủ và tự do.
Nhà lãnh đạo vĩ đại là người biết tạo ra thế hệ lãnh đạo mới dám và biết “lật đổ” mình! – Ainsi palait Inrasara.