CHUYỆN CHÚ ĐẠT CHỮ

[Về lệ “tế trâu” của Cham Awal, cải cách ‘Kut’ ‘Ahiêr’, và ý tưởng mới. Bài dài, chỉ trích đăng phần chính yếu]

Chú Chữ tôi thì ghê rồi…

Tôi không hiểu nổi làm sao đất Chakleng lại sản sinh nhiều sinh linh cá biệt thế. Phải nói là cá biệt siêu hạng. Lại rơi trúng vào dòng họ Gaup Gađak tôi. Tạm kê sơ sơ vài tên tuổi thôi thiên hạ cũng đủ ngán: Ông Klơng Thân, Phok Dhan Cơk, Dì Mơi, cùng “những người đàn ông của tôi” đã đi vào văn chương chữ nghĩa tôi ngự biệt lập ngang tàng một cõi. Và hôm nay là: chú Đạt Chữ.

Dì Mơi của tôi ai đụng dì dì mới đụng lại, mà đụng thì chỉ từ chết tới bị thương, chớ chú Chữ thì khác. Chú là người quảng giao, đi khắp, gặp khắp, và đụng khắp. Mà chú thì cái gì cũng quá lên. Gặp kẻ cứng cựa đụng lại chá lửa, kẻ giận điên lên rồi cả đời không thèm nhìn mặt, riêng tôi xài ngón đòn tối hậu: né. Né, là… hụt!

Né, rồi thế nào tôi cũng tìm đến chú, hoặc ngược lại. Coi như chưa có chuyện gì xảy ra, ở đó. Không giận, chẳng ghét bỏ, cũng không thanh minh thanh nga, mà né. Bởi tôi biết mình loài cá biệt chả thua kém. Hơn mươi lần như thế. Cả ở câu chuyện đại to cồ với cộng đồng Cham: Cải cách ‘Kut’ qua đó ảnh hưởng lan rộng khắp palei Cham Pangdurangga, không có chú Đạt Chữ việc không thể thành.

Hãy nhìn con người ở mặt tích cực và đẹp, mọi sự sẽ thay đổi.

‘Kut’ Gaup Gađak sạch, đẹp, bề thế để làm nên điểm nhấn của Chakleng như hôm nay, ‘Pô Adhya’ Hán Bằng – người chấp nhận cải cách [xem: Inrasara, “Cải cách từ Chakleng”] là ý tưởng mang tính cách mạng, còn Đạt Chữ đích thị người đứng mũi chịu sào.

‘Kut’ xưa nằm đầu làng giữa lùm gai xương rồng ấp chiến lược với cây Gađak cổ thụ nhô lên như chỉ cho người ngoài nhận biết đấy là nơi những đứa con Gaup Gađak vĩnh viễn về. Um tùm, bí ẩn, rờn rợn làm khiếp hãi. Bọn trẻ con đầu hôm đi ngang đó phải ù té chạy. Như có ma. Mà có ma thiệt! ‘Kut’ đang được cúng tế mà như thể làm hoang, bởi mỗi năm dòng họ chỉ “mở cửa” ghé thăm tổ tiên một lần, rồi phải trên dưới 20 năm mới có lễ Tamư ‘Kut’. Thêm, thế giới bên kia ấy vẫn còn phân biệt đối xử người lành kẻ “độc”, người thuần kẻ lạ, người ngoài kẻ trong, vân vân. Không sợ mới lạ.

Không thể để mãi kiểu ấy. Phải cách mạng!

Ai kẻ tiên phong? – Chú Đạt Chữ.

Riêng vụ chạy Sổ đỏ cho đất ‘Kut’ thôi cũng là một kì công, điều hồi đầu thập niên 1990 chưa một Cham nào nghĩ ra! [xem: Inrasara, “Nguy cơ Cham mất Sổ Đỏ”].

Bom, đạn, mìn đủ loại suốt hai mươi năm đất nước chiến tranh đổ vào khu vực đất ‘Kut’. Thế hệ từ cụ kị đến cháu chắt chít của loài xương rồng chồng lên nhau lớp lớp. Bao nhiêu rác rưởi bị vứt bừa vô tội vạ quanh Kut không ai dọn. Từ “cách mạng” về, làng mở, ‘Kut’ Gaup Gađak bỗng dưng nằm lọt thỏm giữa làng. Chình ình! Chakleng lại là đất văn vật ngàn năm, hỏi có bà con nào mà ngó đặng?

Phải hiện đại hóa.

Và như thần, cả tháng phát quang, không một tiếng nổ lớn nhỏ nào bất kì, nói chi chuyện đứa con Gaup Gađak thương tích. Tiền đâu? Dòng họ chiếm đến nửa làng mà vẫn nghèo, lại phân làm nhiều chi, vậy mà tất cả bị “ông Chữ” cuốn vào công cuộc đến không thể cưỡng lại.

Cuối cùng, ‘Kut’ Gaup Gađak hóa thân thành một niềm hãnh diện, chẳng những cho Gaup Gađak, cho Chakleng, mà cả cho Cham các nơi noi gương… sáng.

[…] 30 năm đi qua.

Dạo này chú Đạt Chữ của tôi đang gần ‘Kut’ hơn cả. Và chú nguyện làm cuộc cách mạng mới, khác nữa!

Xuân Bào “Viết về quê hương tôi: kỳ 29” cho biết, riêng Đám cưới Pabblap Birau mỗi năm Cham tiêu tốn 10 tỉ đồng/ 6.000 dân. Thêm vụ tế trâu cho Đám tang, một số liệu khác: 5 tỉ! Thứ tưởng tượng 15 tỉ đó dành cho xây dựng quê nhà!

Đứa con Pabblap và là một trí thức lớn như anh Đạo Chớ – đau lòng với nỗi ấy, trước khi mất đã di chúc cho con cháu: Quyết không mổ trâu tế. Nói là làm. Nhưng gương sáng kia chưa một ai noi theo. Hơn mười năm rồi còn gì.

Tế trâu không phạm tí ti vào phong tục tập quán mà đã vậy, chớ ý tưởng chú Đạt Chữ thì thế nào?

Buổi sáng Lễ Pơh Babbang ‘Kut’ (Lễ Mở cửa ‘Kut’) Gaup Gađak, Ban Chấp hành mới Họ Gaup Gađak mời chú qua thăm ‘Kut’. Hiện chú đã rất yếu không biết về với ông bà ngày giờ nào. Chú biết, và chú quyết đầy ý thức trách nhiệm:

[1] Chú mất đi, sau ngày làm ‘Biak Thau’ [‘Barathau’] thì THIÊU ngay, không phải qua hai lần đám (‘Paxêh rôk nao rôk mai’ – Đồng dao);

[2] Thiêu không quá khắt khe về NGÀY GIỜ, mà mở tối đa;

[3] Thiêu xong về làm đám như bình thường, rút ngắn THỜI GIAN lại, nhất là phải bỏ qua “ngày ở không”;

[4] TINH CỐT cho vào ‘klong’ có thể là mảnh xương thừa, hay tro được kết dính lại 9 miếng như phong tục yêu cầu.

Như vậy chú mới an tâm về với ông bà.

Chú Đạt Chữ chưa đọc “Đi tìm sinh lộ cho Cham Ahiêr Awal” kì 2, chắc chắn thế, vậy mà tư tưởng hai tôi “đụng” nhau. Như chúng tôi đã từng gặp nhau thời kì cải cách đầu. Lạ! Đây là ý tưởng lớn mang tính cách mạng – tôi xin lặp lại và nhấn, sẽ khó khăn trăm lần hơn việc bỏ tục “tế trâu”.

Nhưng lẽ nào không dám bắt đầu.

Và lẽ nào không thể khởi động một ý tưởng mới!?

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *