Ẩn ngữ nào cho NHỮNG ĐỨA CON LÀNG CHAM?

[hay: Tôi đã lì lợm như thế nào?]

Đám cây non vươn vội lên khoảng xanh

Mà rễ chưa cắm sâu vào lòng đất

Chỉ cần một cơn bão rớt

Cũng đủ làm chúng run bấn lên

(Tháp nắng, 1996)

Hôm qua nói chuyện với mấy đứa con trai, tôi nói: Có NĂNG KHIẾU và phát hiện ra chúng thôi chưa đủ – cần TÔI LUYỆN, trui rèn năng khiếu ấy hết mức có thể, – như thanh sắt cần đưa qua lò lửa [luyện tội cuộc đời] con mới có được KHẢ NĂNG, một năng lực thực thụ. Khả năng ấy cần HIỆN THỰC [hãy tưởng tượng một họa sĩ lớn không có… họa phẩm!]  ngoài thế giới rộng lớn [“Ở nhà nhất mẹ nhì con/ Ra đường còn có kẻ giòn hơn ta”].

Và khi năng lực ấy được thể hiện HIỆU QUẢ, con sẽ được TIN TƯỞNG. TỰ TIN và được tin tưởng, con vô ngại giữa biển đời.

R.M-Rilke: “Hãy chờ đợi một cách khiêm tốn và kiên nhẫn, chờ đợi giờ phút khai sinh ánh sáng rực ngời mới lạ…

Ở đây, thời gian không thể làm tiêu chuẩn đo lường. Là nghệ sĩ có nghĩa là nẩy nở như một cây lá không hề bức thúc nhựa cây, đứng vững lại một cách tín thành trong tất cả những ngọn gió lớn của mùa xuân, không hề sợ hãi nao núng rằng mùa hạ không trở lại nữa. Mùa hạ nhất định sẽ đến. Nhưng mùa hạ chỉ đến cho những kẻ biết chờ đợi, chờ đợi một cách trầm lặng và cởi mở như là mình đã có cả vĩnh cửu trước mắt mình (Phạm Công Thiện dịch).

Nghệ sĩ là biết lì lợm.

Thuở Trung học trong lúc cả khối bạn đồng môn làm thơ để rồi rụng lả tả khi “miền Nam được hoàn toàn giải phóng”, tôi kẻ duy nhất trụ lại hết mình với thơ;

Cũng buổi ấy, dù Việt Nam đang cao điểm thời siêu độn, và dù sống đời cày thuê, tôi vẫn không một lần rời bỏ văn chương, chữ nghĩa mẹ đẻ.

Nghệ sĩ là biết giú mình trong bóng tối vô danh.

Làm thơ từ tuổi tìm học với hàng trăm bài thơ đọc được, mãi tứ thập tôi mới đăng báo bài thơ đầu tiên, và cho tập thơ đầu tay ra đời;

Cùng giai đoạn, dù đã lưng vốn bản thảo ngôn ngữ và văn học Cham, kệ kẻ xung quanh múa may, một phần tư thế kỉ sau tôi mới trình làng bộ Văn học Cham.

Nghệ sĩ là biết “sapa”.

Tuổi 30, tại Quán tạp hóa Chakleng, tôi ngồi ngay ngắn nghe thằng bạn la, giũa trước mặt người thân. Suốt nửa tiếng. Xong, tôi nhẹ nhàng hỏi: Có gì bổ sung không?

Ở tuổi ngũ thập, bên an ninh mang tạp chí Cham hải ngoại qua nhà tôi ở quận Tư, méc: Chúng chưởi Sara ghê quá. Tôi nói:

– Sara biết rồi [dù tôi chưa có nó].

Các anh đi, tạp chí ở lại. Ba năm sau tôi mới giở ra đọc. Đọc, viết phản biện, và… lưu hồ sơ. Đơn giản vậy thôi.

Như Rilke,

Nghệ sĩ là tự tin đến chai lì, là không nóng vội biện minh, càng không cần thiết biện minh. Là học biết “chờ đợi một cách kiên nhẫn”, khiêm cung cúi rạp mình trước giông bão thời cuộc, và tin rằng “mùa hạ nhất định sẽ đến” dẫu là giờ phút muộn màng. 

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *