Đi tìm sinh lộ cho Cham ‘Ahiêr Awal’. ‘KUT’ & HUYỀN NGHĨA [chuyện ngoài lề]

Tiết cuối chương I của Khóa Cao học tại Phan Rang, chục cô trò làm chuyến thực địa palei Cham, quyết một phen xem nó ra sao mà ông Sara ca ghê quá. Buổi sơ ngộ hôm trước, tôi ra 3 đố vui có thưởng:

– Đâu là 3 nhân vật Ninh Thuận nổi tiếng “thế giới”?

– 2 đóng góp lớn nhất của Cham vào nền văn hóa đa dân tộc Việt Nam, và 1 cho nhân loại hôm nay, là những gì?

– Biển Cà Ná xanh nhất Việt Nam, hà cớ?

Vui là, không ai có thưởng cả. Dù tôi đã có đáp án rải rác đâu đó trên facebook. Không đọc Sara thiệt thòi là vậy!

Chiều nay 12-12-2020, cô trò hạ quyết tâm chọn Chakleng làm điểm đến, và đụng ngay “Cây Xương rồng ngạo nghễ”.

Chớp cơ hội vàng, tôi ngạo nghễ về tâm hồn con người Cham và tinh thần văn hóa văn minh Champa. Về Chakleng làng cổ nhất Cham và những đứa con của Đất Chakleng. Về mấy đứa con trai đứt sợi mỗi đứa mỗi kiểu của Sara.

Dẫn đoàn qua Làng nghề Thổ cẩm, nghề mà Nữ vương [đầu tiên và duy nhất trong lịch sử Champa] Pô Inư Nưgar truyền dạy cho Cham, nay chị em Chakleng còn lưu giữ.

P.s. Làng Yên Sở được cho là một trong vài làng giàu nhất Bắc Bộ thế kỉ XIV “nghề dệt lụa và làm ren xuất phát từ Chàm” (Tạ Chí Đại Trường). Phiền là Hà Đông chục năm nay đã tràn lan hàng Tàu, làm buồn lòng thi sĩ Nguyên Sa dưới suối vàng không ít.

Và dĩ nhiên, tôi không quên đưa đoàn về “nơi an nghỉ cuối cùng của Cham ‘Ahiêr’ là ‘Kut’ nằm cạnh đó. Tại ‘Kut’ Gađak, tôi chơi tiếp:

– Các bạn có biết, dưới khoảnh đất chữ nhật 2x4m kia, bao nhiêu sinh linh về cư ngụ không?

Dĩ nhiên đây là câu đố cực khó.

– 2-3 vạn, – tôi nổ.

Hỏa táng, dân Ấn thiêu xong hốt cả cho xuống Sông Hằng, thì hư vô quá. Cánh dân tộc đồng ngữ hệ Cham như Ê-đê sau mấy năm làm lễ “bỏ mả” cũng hơi thương. Còn tộc người hệ địa tảng ta thấy hiếm nghĩa trang nào tồn tại 2 thế kỉ, rồi thì cải táng, vân vân thứ nữa. Cham rất khác.

Vị vua nào ngon thì được Cham dựng tháp thờ, kém hơn xíu cho hưởng bia tưởng niệm, còn lại mọi mọi Cham đều VÔ DANH và bình đẳng trong ‘Kut’ tồn tại có thể qua ngàn năm. Tầm Inrasara cũng vào nghỉ ở đây thôi – tôi thêm.

Để thế hệ con cháu chắt chút chít đi sau NHỚ tổ tiên đã dựng nên mảnh đất này, đến cúng kiếng mỗi năm.

– Không tuyệt sao? – tôi [tiền] hô.

– Cham đích thị nòi hậu hiện đại! – một vị [hậu] ủng.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *