[hay Sinh phận Cham ngày mai qua viễn cảnh Việt Nam và Raglai]
Cánh cửa Katê tạm khép lại. Giã từ Katê 2020, chúng ta tiếp tục làm cuộc hành trình mới…
*
Tôi vừa đọc một tút rất ngắn trên facebook nhà phê bình Nguyễn Hưng Quốc:
“Bất hạnh lớn nhất của dân tộc Việt Nam hiện nay không phải là Việt Nam bị cai trị bởi một chế độ độc tài. Bất hạnh lớn nhất của dân tộc Việt Nam hiện nay là cả mấy chục triệu người dửng dưng trước nỗi bất hạnh ấy.”
Dân số Việt Nam khoảng 96 triệu. Mấy chục triệu cao lắm có thể là 95, nghĩa là vẫn còn 1 triệu người nằm ngoài chân trời của nỗi “dửng dưng” kia.
Không sao cả! Tôi tin vào thiểu số, vào con số 1, thậm chỉ chỉ một phần của con số 1 ấy.
1. Từ Việt Nam
Đất nước đang bị Trung Quốc xâm lấn tứ bề. Ẩn và hiện. Công khai trắng trợn hay mưu ma chước quỷ cũng không chừa. Biển, đất và người. Thành phố và miền quê. Hàng hóa với thực phẩm bẩn. Kĩ thuật bẩn và văn hóa ứng xử bẩn.
Quan lớn thì dồn cả tâm và trí vào thu gom sao cho nhanh, cho nhiều càng tốt. Ừ, thì đâu cũng tham ô móc ngoặc. Nhưng ở ta, nó cư trú ở tầng cao, [hiếm có đất nước nào nhiều quan lớn bị bóc mẽ như thế], ăn dày và đậm [so với thu nhập bình quân đầu người mới kinh hoàng]. Tệ hơn mọi thứ tệ, là đa số đều tính đường thoát.
Bỏ lại đám dân đen chen chúc giữa môi trường sống bẩn, đủ thứ bẩn nguy cơ kéo thể chất giống nòi xuống đầm lầy suy thoái, và chịu đựng nền giáo dục Theo-ism ngu dân làm tê liệt sức khỏe tinh thần.
Làm gì?
Tôi tin vào những con người chịu ở lại. Tôi tin vào mạch nước ngầm, dòng sông ẩn đang trầm chảy dưới mảnh đất chữ S xinh đẹp này. Ở bề sau “Khủng hoảng bản sắc Việt” với “Mất niềm tin tràn lan” là ánh sáng cuối đường hầm. Hai chuyến đi ra Bắc vào mùa Thu năm ngoái gặp gỡ trao đổi để hóa giải hai vấn nạn kia, càng củng cố niềm tin của tôi. Đó chính là hi vọng, dù ở một tương lai xa, rất xa.
2. Qua Raglai
Giáp ranh với palei Pabblap là cộng đồng người Raglai xã Phước Trung, huyện Bác Ái. – một huyện “cách mạng”. Người Raglai vốn du canh du cư. Giải phóng, Nhà nước dựng làng, dồn bà con hội nhập cuộc sống mới. Ừ thì về, bà con vẫn cứ nếp cũ mà nghĩ, mà làm.
Rồi, khi chương trình trọc hóa rừng núi của ta hoàn thành ở cuối thập niên 1990, rừng chết, thì người Raglai coi như hết đường sống.
Cũng thử theo chân người anh em [Cham, Việt] vào thành phố làm công nhân, chưa đầy tháng đã bật trở lại. Mảnh đất rẫy cũ được cấp sổ đỏ thì đem bán, trang trải đời sống hiện đại nhiều đòi hỏi.
Chếch về nam là xã Ma Nới thuộc huyện Ninh Sơn, cùng là nơi nhiều người Raglai sinh sống, vậy mà cả xã không tìm đâu ra giáo viên cấp Phổ thông Cơ sở là người bản địa, thì đâu là hướng đi cho sắc dân này?
Chẳng phải Nhà nước vô lo! Có, dẫu sao, dựng làng thì được, chu cấp lương thực với quy hoạch để ưu tiên các thứ với học tập chính sách cũng có, chứ kêu bà con Raglai quá độ từ đời du canh du cư nhảy phốc sang thời đại công nghiệp, là điều bất khả. Làm sao sống sót? Là bài toán chưa có lời giải.
Australia thì khác. Sau cú dại dột làm “một thế hệ bị đánh cắp” đến sau đó vài thập kỉ Thủ tướng Úc phải đứng lên xin lỗi cộng đồng bản địa, chính quyền đã học khôn ngoan hơn: Bỏ vốn ít mà hái quả được nhiều.
Bạn FB Phùng Như Thân bình luận, thực mà đau: “Khi đã tham gia kinh tế thị trường là chấp nhận cạnh tranh khốc liệt. Rồi cá bé sẽ bị cá lớn nuốt hết mất thôi!”
Nhà văn Nguyên Ngọc cho biết văn hóa các dân tộc Tây Nguyên là văn hóa làng, khi môi trường văn hóa ấy bị phá vỡ, dân tộc sẽ mất đất đứng. Từ đó, nguy cơ mất gốc, bị đồng hóa hay tự tiêu diệt là khó tránh.
Hư cấu vui [buồn]. Làng người Raglai kia có trăm cặp thanh niên, trong đó may mắn năm cặp có tố chất vượt trội. Nếu năm cặp này không tìm người mình mà ham người ngoài, thì số còn lại phải đến với nhau. Rồi thế hệ sau tiếp tục chương trình noi ‘gương sáng’ ấy. Cuối rốt bộ phận ưu tú nhất của dân tộc bay đi, mấy còi cọc ở lại, Nòi giống suy dần, diệt vong là cái chắc.
Nietzsche: “Các người không phải chỉ việc sinh sôi nẩy nở cho thật nhiều mà phải biết nâng dòng giống lên cao.”
3. Cham may mắn hơn.
Cham có lịch sử dài và xa, cả lịch sử thành văn lẫn truyền miệng. Cham có chữ viết từ rất sớm để ghi âm tiếng nói, có văn học viết và cả văn học dân gian. Cham có tôn giáo đặc thù: tôn giáo Ahiêr Awal.
Nhất là tinh thần của Cham Pangdurangga: Ngang bướng, đau khổ và kiêu hãnh!
Thế nên, dù sống giữa cộng đồng đa số là Việt, Cham vẫn giữ được bản sắc riêng; dù tản mác vào các thành phố, Cham vẫn còn gốc rễ để bám; và nhất là – từ nền tảng “văn minh” tiền hiện đại, sinh linh Cham dễ dàng thích nghi với thế giới hiện đại.
Hai thế kỉ đi qua là vậy, hôm nay…
Vài biểu tượng Cham hiện đại bị xóa sổ: Quận An Phước, Trường Trung học Pô-Klong, Trung tâm Văn hóa Chàm, Ban Biên soạn sách chữ Chăm…
Đất trồng trọt và chăn nuôi bị thu hẹp, ngày càng nhanh. “Người thì đông, mà ruộng đất thì teo” – Tháp nắng, thơ Inrasara;
Giáo dục truyền thống đứt mạch, ta phó mặc con cháu cho nhà trường;
Và, Islam đang tuyên truyền mạnh vào cộng đồng Cham Awal, mang nguy cơ một chia xé mới…
Cham có còn là mình, ở những năm tháng kế tiếp?
Và Cham cần làm gì, để sống như là sống, làm việc và sáng tạo – ngày mai?