Katê. Ngọn lửa & câu hỏi-7. BẠN ĐÃ HIỂU CHAM CHƯA? [Văn hóa]

Mỗi bận xe đi qua eo biển Cà Ná, tôi ưa hỏi khách ngồi bên, rằng nguyên do biển Cà Ná xanh nhất nước, thì hầu như không ai trả lời được, hoặc trả lời mơ hồ. Ẹ thế.

Ninh Thuận mới mà cũ, Cham như là dân tộc bản địa sinh sống tại mảnh đất này hơn 20 thế kỉ qua. Và đã đặt nền móng văn hóa văn minh sâu, đậm. Các bạn trẻ hôm nay biết gì về di sản to lớn kia? Câu trả lời thực lòng nhất là, hầu như không. 

Ở tút “Hành trình Cham-57. Người Việt chưa hiểu Cham, tại sao?” tôi đặt câu hỏi Cham đóng góp gì vào văn hóa đa dân tộc Việt Nam? Cũng là chủ đề tôi thuyết trình tại Diễn đàn Talk & Think tại Sài Gòn tháng 6-2012, ở Sứ quán Thụy Sĩ tháng 5-2015.

Cũng nên đăng lại bản tóm lược để các bạn trẻ Phan Rang hôm nay biết.

Cham đóng góp gì?

Nhiều, rất nhiều. Chỉ qua 16 sátna-thế kỉ của dằng dặc thời gian trong vô cùng vũ trụ.

Cham…

Để lại một phần ‘Ao dhai’ cho Việt cải biến thành Áo dài nức tiếng thế giới; Giếng vuông Chàm đa phần bị phi tang thành giếng tròn vô hồn đến vô trách nhiệm; ‘Ariya’ Cham với lục bát Việt giao thoa thành món đặc sản thường bị nhận vơ thành “thuần Việt”; Quan họ Bắc Ninh và Nam bình Nam ai xứ Huế; Cối xay lúa và các loại mắm Cham.

Thêm tinh thần viễn dương Champa xưa truyền cho ngư dân miền Trung quả cảm đánh bắt xa bờ bất kể lãnh hải đặc quyền Indonesia hay Philippines; Yên Sở mượn kĩ thuật dệt Cham để trở thành làng giàu nhất đồng bằng Bắc bộ khi ấy, nhưng rồi bị tơ lụa Cham ở Bangkok làm cho lu mờ [ai khiến!].

Kiến trúc tháp gạch và điêu khắc đá lộ thiên suốt giải đất miền Trung; Thánh địa Mỹ Sơn cùng 7 phong cách lớn đứng thi gan giông bão và cả thách thức lòng người vô tình, hay được trang bị bởi loài tình yêu không gì khác ngoài khai thác cho cạn kiệt; Tượng Pô Rômê sứt mũi bởi dân tham, tượng Shiva Pô Klong Girai bị bóc đi đòi mãi mới được trở về chốn cũ; và bao nhiêu tác phẩm nghệ thuật khác đang bị các nhà khéo vẫy vùng làm của riêng;

Phần nổi là thế, còn mảnh chìm…

Cham có chữ viết bản địa được cho là sớm nhất Đông Nam Á. Biến thiên lịch sử, chữ Cham cổ trở thành ‘Akhar thrah‘ để qua nó, hàng trăm tác phẩm văn chương có đất sống.

Non thế kỉ trước, nhà dân tộc học Paul Mus cả quyết văn học Cham không có gì đáng nói, đã khiến không ít người nhẹ dạ cả tin. Có vậy đâu!

Cho dù di sản văn học ấy đã thất tán nhiều, ngoài 250 minh văn trải dài từ thế kỉ II đến thế kỉ XV, mươi trường ca trữ tình, hàng trăm trường ca thế sự, thơ triết lí, gia huấn ca, cùng ‘damnưi‘ tụng ca do Ông Kadhar hay Ông Mưdôn hát trong các lễ Rija, là những áng văn chương giá trị.

Đặc biệt Cham đã sáng tạo 5 ‘akayêt‘ sử thi nổi tiếng như Akayêt Dêwa Mưnô, Akayêt Um Mưrup… Ở đó khác với các dân tộc Tây Nguyên, chúng đã được văn bản hóa từ sớm.

Nỗi ham chơi, ham nghệ thuật đã ban cho Cham tinh thần sáng tạo ngút trời. 72 điệu trống cùng điệu múa tương ứng thể hiện bằng tên gọi ‘Biyên, Tiong, Wah Ge, Pô Tang Ahok’… với các đạo cụ gồm quạt, khăn, lu, roi, kiếm…

Cạnh chế độ gia đình mẫu hệ Cham vắng bóng hiện tượng ăn xin hay đĩ điếm cho đến sinh hoạt đời thường còn truyền lưu ba làng nghề sáng giá: Gốm, dệt thổ cẩm lẫn thuốc nam Cham.

Việt Nam “nợ” Cham những gì?

Ngoài dòng máu Cham đang chảy rần rật trong huyết quản dân Việt suốt Bắc Trung Nam; chỉ kể hai thứ lớn nhất: Văn học Nghệ thuật làm đầy tràn nền văn học nghệ thuật Việt Nam; nhất là Hải sử và Văn hóa biển Cham bổ khuyết cho phần thiếu lớn của lịch sử Việt Nam đa dân tộc.

Và gì nữa? Hãy nghe chính người Việt kể lể…

Tạ Chí Đại Trường:

Chùa Đinh Xá ở xã Đinh Xá, huyện Kim Bảng (Hà Nam)… là “làng có chùa Bà Đanh” nguồn gốc Cham, tháp Bảo Thiên 11 tầng ở hồ Hoàn Kiếm là do người Cham xây dựng. Đó là chưa kể đến các dấu vết chim thần Garuda, mukhalinga… xuất hiện trên các điêu khắc Việt thời Lý, Trần.

Về ca múa nhạc, các nhà sử học cho biết “Chiêm Thành âm làm rúng động triều đình Lý Cao Tông” (1202), dân ca quan họ Bắc Ninh, nam bình nam ai, hát bả trạo, bài chòi, … đều ít nhiều mang dấu ấn của âm nhạc Cham. Nghề dệt, “Yên Sở hình như là một trong những làng giàu nhất Bắc Kì. Nghề dệt lụa và làm ren ở đấy rất phát đạt… xuất phát từ Chàm”.

Nguyễn Đức Hiệp:

Huyện Ba Vì, xã Đường Lâm cũng còn có chùa Mía / Sùng Nghiêm tự, xây lại năm 1632, thờ Bà Chúa Mía, “một cung tần của chúa Trịnh”, nhưng dấu vết thần nữ đậm đặc thêm với bàn thờ Liễu Hạnh được đặt ngay ở tiền đường (Hà Văn Tấn). Người Chàm đã nhập và thuần hóa các thực vật để trồng trọt như khoai, mía, bông và xây dựng được các vùng đặc sản mà ngày sau người Việt thừa kế: Khoai Trà Đoá, đường mía Quảng Ngãi, bông Điện Bàn, Phan Rang, Phan Rí… Lúa Chiêm từ Việt Nam đã lan qua Trung quốc tạo nên một cuộc cách mạng kinh tế lớn lao. Vua Tống Chân Tông (998-1022) đã mang lúa Chiêm vào Trung Quốc, sau này đã được áp dụng khắp nơi ở Nam Trung quốc, người Trung quốc gọi loại lúa này là “lúa tiên.”

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *