Câu chuyện Cham. SỰ CỐ TRANH CHẤP ĐẤT ĐAI Ở VĂN LÂM-1

Hôm qua 8-10, có 2 bạn trẻ Cham link cho tôi tút “Trả quyền tự do cho Zét và Liêm” cùng video clip về vụ tranh chấp đất đai mới nhất ở Văn Lâm, Phước Nam, huyện Thuận Nam – Ninh Thuận. Và yêu cầu tôi can thiệp. Tôi nói:

– Cei Sara chưa hiểu rõ sự vụ, nên huỡn đã nhé.

Để hiểu nỗi Việt Nam và cả Cham và để giải quyết ổn thỏa vấn đề, tôi sẽ có nhiều bài về chủ đề này. Hôm nay tạm đăng lại bài cũ để bà con tham khảo trước. “Vấn đề tranh chấp ruộng, đất của bà con ở Văn Lâm – Tiếng nói nhà văn 2”, inrasara.com, tháng 7-2008:

Tranh chấp đất đai sau khi đất nước mở cửa, là vấn đề chung của cả nước, làm cộm từ chục năm qua. Đã xảy ra bao cuộc khiếu kiện tập thể ôn hòa của nông dân các tỉnh Vĩnh Long, Bến Tre… Bà con lặng lẽ đi trên các đường phố Sài Gòn, đưa thỉnh nguyện thư lên chính quyền trung ương. Còn việc các bên giải quyết tới đâu thì tôi không nắm được.

Vài năm qua, nỗi này cũng lan đến cộng đồng Cham Ninh Thuận. Ở đây, với tư cách trí thức, tôi chỉ nêu vấn đề, còn việc điều nghiên và giải quyết sự vụ liên quan đến nhiều bộ phận, cá nhân hay tổ chức, cá thể lẫn tập thể. Tôi nghĩ, chỉ với thái độ làm việc nghiêm túc và kịp thời, chính quyền các cấp mới mang lại công bằng cho bà con, tránh chuyện đáng tiếc xảy ra. Về đất đai, ba trường hợp khá tiêu biểu:

[1] Gia đình Thuận Thị Trụ có gần 01 mẫu ruộng tốt tại Chakleng. Sau 1975, gia đình “hiến” cả cho Nhà nước làm đất sản xuất của Hợp tác xã. Đến năm 1990, mẫu ruộng này

[cùng với nhiều mẫu ruộng khác]

được chia lô cấp phát làm đất thổ cư cho dân làng.

Sau khi được cấp đất, có hộ đem phần mình sở hữu bán với giá cao. Vài người nhắc bà Trụ khiếu nại đòi lại. Về nguyên tắc, việc đó không sai. Dẫu sao phần ruộng đã được cấp công bằng cho bà con trong làng, Cham nghèo bán giải quyết khó khăn là chuyện bình thường, cho qua.

[2] Bà Hiến dân Mỹ Nghiệp có non 2 mẫu ruộng. Sau 1975, bà không chịu “hiến”, Nhà nước vẫn cho bà sở hữu và canh tác. Riêng 2 sào ở đầu Cầu Mỹ Nghiệp bị trưng thu làm “Trạm Thu mua”. Vào giữa thập niên 1980, trạm này thôi hoạt động. Lẽ ra phần đất trên phải trả lại cho bà, không hiểu sao nó lại thuộc sở hữu tư nhân. Dĩ nhiên tư nhân này làm ngay cái “Sổ đỏ”.

Bà Hiến nhiều lần khiếu kiện không được. Nay phần đất đã chuyển qua tay người thứ hai, thì càng khó đòi. Người này đã bỏ tiền ra mua đất có sổ đỏ, nghĩa là đủ thủ tục pháp lí, họ không có lỗi. Bà Hiến cũng có lí của bà. Vậy giải quyết thế nào?

May mà bà Hiến một thân, phần đất tranh chấp cũng nhỏ, gặp một tập thể lớn thì câu chuyện đã khác. Như trường hợp thứ ba…

[3] 73 hộ ở các palei Văn Lâm, Chung Mỹ, Vụ Bổn, Hiếu Thiện, trong đó có đất rẫy của ông bà nhạc bạn tôi Báo Mang Xoài. Đây là đất rẫy của Cham, nhưng dân quê không rành thủ tục, nên không ai làm sổ đỏ cả.

Sau 1975, Nhà nước trưng thu làm Nông trường, bà con chấp nhận. Giữa thập niên 1980, khi Nông trường giải thể, bà con râm ran muốn đòi lại. Sự việc không được giải quyết, mãi thời gian gần đây, khi nghe Nhà nước có bồi thường cho các cá thể [là quan chức địa phương] sở hữu phần đất đó, bà con mới quyết làm ra lẽ. Có người ra tận Hà Nội nằm ngoài đó cả năm.

Chuyện âm ỉ và ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của vài trăm nhân khẩu, ẩn chứa bao nguy cơ.

Sự cố và giải quyết sự cố.

Khiếu kiện mãi không được, ngày 23-7-2008 bà con Cham làm liều. Xe đưa Thủ tướng thăm khu vực nhà máy Điện hạt nhân Ninh Thuận-1 về ngang hương lộ Văn Lâm bị chặn, phải quay hướng khác. Một chiếc bỏ lại, và một cậu an ninh bị thương nhẹ.

Cham hải ngoại phản ứng mạnh, Champaka gọi đó là “cuộc xuống đường”.

Tôi viết ba bài phân tích trên trang nhà, đề nghị:

Các đại diện 73 hộ Cham cùng bên chiếm đất, đại diện chính quyền địa phương và trung ương về Ninh Phước “gặp gỡ trao đổi, hòng tháo gỡ kịp thời gút thắt vấn đề trên tinh thần thẳng thắn, công bằng và hợp lí hợp tình”; ở đó Inrasara được dự càng tốt.

Hai hôm sau tôi nhận cú phon từ Trung ương kêu “rất đồng ý với đề nghị của nhà văn”.

Nửa tháng sau vụ việc được giải quyết nhanh gọn mà không có mặt Inrasara. Tất cả – chỉ chừa lại 5-6 hộ.

Hôm ngồi ở nhà bạn Xoài thấy xe hàng chở đồ đạc chạy ngang qua hẻm, bạn nói giọng buồn buồn:

– Tiền bồi thường đất đó, cả tỉ chớ chẳng ít!

Gia đình ông nhạc bạn nằm trong nhóm “cầm đầu”, không được gì cả. Vẫn nghèo rớt. Buồn không?!

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *