Đối thoại Cham-4. ĐỂ LÀM GÌ, SỬ HỌC?

[Đối thoại lịch sử]

– Lạ quá cei Sara à, Pô Rômê có công lớn với Cham như vậy mà bà con palei cháu mãi giờ vẫn còn réo tên ngài ra chưởi, mỗi khi chàng trai Cham nào đó dẫn cô gái Việt về làng…

– Đúng rồi, chưởi để mấy chàng nhớ.

– Là sao cei?

– Đó là cách “quy phạm hóa” nhân vật lịch sử và ngoa ngôn, nói khác đi: Định tính và nói to lên. Để làm bài học – BÀI HỌC LỊCH SỬ.

Im lặng.

Này nhé: Pô Riyak yêu nước và dám hi sinh thì ngon rồi, nhưng học chưa xong mà đã NÓNG VỘI lên tàu về cứu quốc cuối cùng để hỏng đại sự.

Pô Bin Thôr Chế Bồng Nga thì khác. Ngài buộc [và chính ngài] kiêng thịt heo lẫn thịt bò để ĐOÀN KẾT hai hệ ‘Ahiêr’ lẫn ‘Awal’, qua đó đi từ chiến thắng này sang khác.

Pô Rômê cũng hệt. Lịch sử chính thống chỉ ra bao xuất chúng của ngài, cả huyền sử cũng đã làm thế bằng dựng tháp thờ phụng, sáng tạo những Damnưy đọc lên trong các Rija ghi công, cạnh đó quần chúng Cham vẫn muốn qua ngài – răn con cháu bài học: Chớ khờ khạo để ngoại nhân xài đến MĨ NHÂN KẾ cho nước mất. 

– Dạ, cháu đã hiểu.

– Lịch sử chinh thống và phi chính thống (Oral history, huyền sử, rồi tiểu thuyết lịch sử…) có mặt song hành. Mỗi thứ làm nhiệm vụ của nó, chúng không chống nhau [chống nhau là dại] mà bổ khuyết cho nhau và làm đầy nhau.

Với quần chúng…

“Giai thoại [hay huyền sử] quan trọng hơn sự kiện lịch sử là thế. Nó chính là “dòng suối tiềm ẩn bên trong” mang đầy ý nghĩa sử tính mà “chối đi con người sẽ cảm thấy thiếu một cái gì và dân tộc sẽ thiếu đi mối dây ràng buộc thiêng liêng rồi sẽ đi tới chỗ băng hoại”. Nói như thế không phải từ chối các truy tìm mang tính lịch sử – sự kiện mà là ta chối bỏ “óc duy sử chỉ chấp nhận hiện tượng bên ngoài” (Kim Định, Cơ cấu Việt Nho, Nguồn sống xuất bản, Sài Gòn, 1972, tr. 230) mà không nhìn nhận những gì tồn tại ngoài nó” (Inrasara, Văn học Cham khái luận, tái bản 2011).

Lịch sử để làm gì, nếu không là bài học?

Việc “dãi thây trăm họ nên công một người” để triều này đổ triều đại khác lên, năm nào ông vua này giết tướng nọ, vụ thôn tính đất đai của nhau, nướng bao nhiêu quân với mấy vạn tù binh bị bắt, mấy thành bị phá… Tất cả để làm gì nếu không làm nên một bài học?

Cham thiếu truyền thống chép sử chi li như Tàu [hay có mà đã mất?], thêm Cham mất nước tài liệu thất tán các nơi. Thế nên quần chúng Cham có cách “chép sử” kiều khác: Đưa tất cả vào huyền sử ‘Damnưy’ hát trong các lễ hội. Mà lễ hội Cham thì bạt ngàn.

Từ Pô Klong Girai cho đến Pô Pan, từ Nai Tangya Bia Atapah cho đến Pô Dam… Nó huyền thoại mà không từ bỏ bản nguyên sử liệu lịch sử. Giáo dục lịch sử dân tộc tài tình là vậy.

Đích thị lịch sử được linh thiêng hóa, huyền thoại hóa và quần chúng hóa.

Không tuyệt sao?!

P.S.

“Có rất ít dấu vết sử học trong damnưy Cham. Quá khứ, hiện tại và tương lai, sự thật và tưởng tượng vô ngại đi-về trong cái nói của ngôn ngữ thi ca. Thi ca của lễ hội linh thánh. Đây là sáng tạo đặc kì của các Mưdôn, chủ lễ điều hành cuộc lễ vừa là một nghệ sĩ thượng thặng, khả năng chơi thuần thục mọi nhạc cụ, ca sĩ đồng thời là vũ công. Chính danh, ông là thi sĩ chân tính. Tiếp nhận truyền thống trong tinh thần mở, ông sáng tạo và tái tạo lịch sử. Trong không gian linh thiêng của lễ, làm môi giới mời thần thánh đi về cõi người, nhiếp dẫn con người tiếp cận cõi miền thiêng liêng, qua cái nói của ngôn ngữ thơ ca. Cái nói này thay đổi qua mỗi thời đoạn của cuộc đời ông, thậm chí qua mỗi cuộc lễ. Thay đổi, nhưng nguyên lai tính yếu của huyền sử vẫn xuyên suốt. Đó là lẽ dịch và hằng. Dịch mà hằng. Dịch để hằng” (Hàng mã kí ức, 2011)

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *