[Đối thoại triết học]
Năm 1977, ông thầy cũ ghé nhà tôi tại Chakleng thấy tôi đang ôm cuốn L’Être et le Temps của Heidegger, chợt nhăn nhó:
– Trời đất! Thiên hạ đang chết đói mà mầy lại đi đọc triết! Mầy sống bằng không khí à? Thế là ông thầy lên lớp tôi một hơi về phải học biết thế nào là thực tế, thực tiễn. Tôi im lặng, không một lời cãi lại. Đợi cho ông qua cơn thuyết giáo, tôi mới thủng thẳng hỏi:
– Thầy có biết mình đang sống dưới chế độ nào không?
– Chủ nghĩa xã hội, đương nhiên.
– Thế chế độ này do ai lập nên? Không phải Hồ Chí Minh sao?
– Thì đúng rồi!
– Mà Hồ Chí Minh là ai? Ông có phải học trò của Lenin, và học thuyết Lenin chẳng phải xây dựng trên nền tảng triết học của Marx? Mà Marx là ai chứ? Ông ta hẳn nhiên là đại triết gia rồi…
Ông thầy nín thinh, tôi tiếp:
– Con người là cây sậy suy tư… Chỉ cần một làn gió cũng đủ giết chết con người. Nhưng làn gió kia khi giết chết con người, nó không hiểu, còn con người thì hiểu. Pascal – hẳn thầy không quên. Đây là chế độ đang tác động đến chính cuộc sống của em và mọi người xung quanh em, em là con người, em cần hiểu nó. Hiểu đến nơi đến chốn. Vậy thôi.
Câu chuyện khác.
– Tại sao phải cần đến triết học? Theo em, không có triết, con người vẫn sống khỏe … – Một sinh viên Cham nói, và thêm – Cham hiện đang có nhiều vấn đề chưa giải quyết.
– Không sai.
Cham ư? Có triết học, vấn đề sẽ được giải quyết nền tảng và rốt ráo hơn.
Còn tại sao phải cần đến triết học? Không có triết học, người ta vẫn sống, sống tốt, sống hạnh phúc, thậm chí sống đầy ý nghĩa nữa. Có triết, lắm khi ta còn khổ hơn, bởi ở đó bày ra bao nhiêu là vô nghĩa. Vô nghĩa của mênh mông nỗ lực và hi sinh, của bạt ngàn đấu tranh và đau khổ, của vô số đế quốc cùng nền văn minh, cả vô nghĩa của sống. Triết lí giúp ta thấy được ý nghĩa của vô nghĩa đó.
Vậy thôi.