Năm 2006, bạn thơ Hải Phòng vào Sài Gòn ghé nhà tôi ở quận Tư thăm mươi phút rồi đi.
Sau đó chị nhắn tin bảo mình “phò suy” trong khi Sara “phò thịnh” trong phê bình văn học, khó hạp.
Tôi không hiểu đằng ấy muốn nói gì!
Tôi bấm nhiều tin nhắn, rằng: Nếu phò thịnh, Sara phải viết về Hữu Thỉnh, Nguyễn Quang Thiều hay Nguyễn Trọng Tạo chứ, họ cũng rất xứng đáng, nhưng tôi đã không. Tôi cả ngày lập biên bản thơ ngoại vi: Từ Mở Miệng đến Dân tộc Thiểu số, từ sáng tác người Việt hải ngoại đến thơ các cây bút tỉnh lẻ, vân vân.
Nhắn tin đi lại cả tiếng với minh chứng đủ đầy, bạn thơ này mới… tin.
Văn học ngoại vi Việt bị đối xử như là con ghẻ, ít nhà phê bình để tâm, thảng hoặc họ có liếc qua – chỉ như thứ gia vị thêm vào. Tôi ngược lại: nhấn về chúng, nhìn toàn cảnh và hệ thống hóa.
Ngay từ năm 2002, tôi lao hết mình vào, với loạt bài về các nhà thơ dân tộc thiểu số, với các tên tuổi từ Y Phương, Pờ Sảo Mìn cho chí Hoàng Chiến Thắng, H’trem Knul… Sau đó làm cái tổng kết: “Thơ dân tộc thiểu số, từ một hướng nhìn động” in trong Chưa đủ cô đơn cho Sáng tạo sau đó đăng Talawas.org, 12-4-2006.
Về văn học ngoài luồng, mở đầu là “Sáo chộn với Bùi Chát”, Tienve, 21-12-2003; tạp chí Thơ, mùa Đông 2003.
Về thơ trẻ: “Khủng hoảng thơ trẻ Sài Gòn”, Tienve.org, 17-3-2005.
Về thơ người Cham: Từ Trà Vigia, Đồng Chuông Tử, Jalau Anưk, Tuệ Nguyên, Kiều Maily… cho đến Cahya Mưlơng, Phú Đạm, Jaya Hamu Tanran, Jaya Thuksiam…
Về thơ Việt hải ngoại, tôi làm hàng loạt tên tuổi: Nguyễn Hoàng Nam, Đỗ Kh, Lê Thị Thấm Vân, Phan Quỳnh Trâm… để hình thành: Thơ Việt, từ Hiện đại đến Hậu hiện đại, 2009.
Thơ các nhà thơ tỉnh lẻ: Lê Hưng Tiến, Kai Hoàng, Lam Hạnh, Ngô Nhân Đức…, rồi thơ nữ: Phạm Tường Vân, Vũ Thiên Kiều, Tiểu Anh, Đoàn Quỳnh Như…, tác phẩm của cây bút chưa [không muốn] là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam. Vân vân.
Đó là chuyên nghiên cứu và phê bình văn học: Làm cái người khác không [/ thể] làm. Tôi nghiên cứu, tôi lập hồ sơ, tôi giới thiệu và phê bình, tôi lên diễn đàn đấu tranh bảo vệ cho tên tuổi và tác phẩm văn học ngoại vi ấy tồn tại công bằng và lành mạnh.
Nhận định Inrasara “phò thịnh” vừa sai vừa oan. Sai và oan!