Chiều 20-9, nhà có lễ Rija Dayaup, Katip Tantu lên Chakleng phụ trách một phần lễ. Ngồi tán gẫu chuyện bao đồng, Katip nói:
– Anh Sara học ‘Xakawi’ đi, để điều hợp cho cả ‘Ahiêr Awal’…
Tôi nói: Đã có nhiều người giỏi rồi, theo tôi biết: 5 chứ chẳng ít… Tôi làm cái người khác không [/ thể] làm. Là nguyên tắc của Sara, ‘pô’ à.
Thuở thiếu niên đi giúp đám, tôi cứ đứng trơ ra đó, cha bảo phụ với bà con một tay đi Klu, tôi nói: Con đang tìm cái người khác không [/ thể] làm được, để làm. Lề thói ấy kéo dài tận hôm nay…
Thập niên 1980, thấy văn học và ngôn ngữ Cham còn ngổn ngang, tôi lang thang tìm nhặt. Gom được cả đống, hệ thống lại rồi tính giao hết tư liệu cho yut Đảo và Hẳn, để rảnh tay làm văn chương. Rủi thay hai bạn từ chối, tôi phải làm. Tôi thành nhà nghiên cứu bất đắc dĩ là vậy.
Vào làm sinh viên Sài Gòn, chữ mẹ đẻ đã có các bạn học đảm nhận, và làm tốt nữa, tôi bỏ đi làm chuyện khác. ‘Akhar thrah’ thập niên qua nhiều Cham giỏi rồi, tôi phủi trách nhiệm, chỉ nhấn vào tiếng nói.
Thuở ấy cả cộng đồng Cham ngon lành vậy mà không có đặc san, ngó quanh chả thấy ma nào làm thế là tôi xắn tay áo vô: Tagalau chào đời, lớn mạnh. Rồi khi thế hệ sau đủ lông cánh, tôi giao hẳn để đi làm việc khác.
Cham chưa có nhà văn, tôi lao vào. Rồi khi thấy nhiều thi sĩ Cham xuất hiện khá oách rồi, tôi dấn vào tiểu thuyết.
Minh triết Cham, Hải sử và Văn hóa biển Cham, địa dư chí Lịch sử palei Cham, Âm nhạc Cham, là mảng lớn còn thiếu khuyết. Nhưng lẽ nào cứ ôm đồm!? Tôi viết, thuyết trình và lặp lại – chủ yếu gợi ý và gợi mở.
Thấy tài năng sinh linh Cham nào đó hé nắng là tôi mừng thầm ‘klek ôn’.
Bát ngát câu chuyện Cham đang sống dậy và động cựa trong tôi, tôi cần kể chúng ra cho thế giới. Tôi còn phải làm gì? Đi tìm sinh lộ cho Cham Ahiêr Awal, và luận sư luận giải Kinh ‘Ahiêr Awal’.
Và gì nữa?