Có 3 nguyên do chính, lạ là cả ba đều từ thiếu khiêm tốn mà ra. Thiếu khiêm tốn-1: Cham không biết mình “mạng cùi Chàm”, 2: Đứng từ trên chỉ đạo xuống, và 3: Không chịu học.
– Thiếu khiêm tốn-1: Không biết mình “mạng cùi Chàm”, thế nên khi được nước là muốn làm tới bến ‘tui tian drei takrư’ theo tâm sân hận của mình mà không biết dừng lại ĐIỂM CẦN DỪNG. Vụ “mạng cùi” này, tôi ý thức từ rất sớm, ngay 15 ở tuổi tìm học.
– Thiếu khiêm tốn-2: Có vai vế xíu thì nghĩ mình ở trên cao, nên cứ chỉ đạo xuống. Tôi biết vài trí thức Cham chơi kiểu này, chả cần hiểu Cham cũng bất cần biết thực tế tình hình địa phương thế nào, cứ xuống lệnh cho đàn em làm: Hỏng là cái chắc.
Cần khiêm cung đi vào quần chúng tìm hiểu để nhìn vấn đề từ nhiều góc độ, quan điểm khác nhau, từ đó tìm phương sách tối ưu cho sự vụ.
– Thiếu khiêm tốn-3: Không chịu học, chỉ cần thấy mình hơn Chàm ‘drei’ bên cạnh, là đủ. Khác ông Inrasara, khi dấn vào thế giới chữ nghĩa Việt, ông ấy đã học, học và học ít nhất cũng đạt ngang tầm để có thể trao đổi ngang cơ ‘nhu’.
THAM KHẢO, qua 6 vụ việc cụ thể:
[1] Thiếu “lãnh đạo”
Hàng chữ “Hội đồng Sư cả Hồi giáo Bà-ni Ninh Thuận”, Cham muốn thay “Hồi giáo Bà-ni” thành “Bà-ni” là chuyện dễ ợt. Vậy mà do người cầm cờ không hiểu tâm lí Halau Janưng Cham, cố chạy sớm để cho bị lạc, cuối rốt là hỏng bét.
Sau này, thế hệ mới trong cộng đồng Cham Bà-ni không tìm ra một nhân tố cầm trịch.
[2] “Lãnh đạo” thiếu hiểu biết
Ở Phước Nhơn, Vụ Trường Mai Thúc Loan, bà con phon kêu tôi về hỗ trợ. Ở đó, người “cầm đầu” không hiểu mặt tối của đối tượng mình bênh vực đã đành, cả không hiểu chuyện nội bộ Trường. Thế rồi, chi tiết mang tính bản lề, chủ xị không nghe ý kiến tôi, đã đưa ra một tang chứng tự chống lại mình. Rồi hỏng tuốt!
[3] Chủ quan do thiếu thông tin
Vụ Acar Thượng-Công an Nam, do thiếu thông tin [bị giấu] mà một Chiêm nữ đã hô lên đó là sự kiện nóng, kêu gọi mọi mọi Cham cần lên tiếng. Bản thân Sara lơ là bị cho là vô tình, vô trách nhiệm. Sau rốt khi sự vụ vỡ lở mới biết đó là tin nóng giả! Kẹt thế chứ.
[4] Không biết thỏa hiệp
Vụ Kut Boh Dana suôn sẻ đến 95%, chỉ vì bà con quyết “thà chết chớ không hàng” nên xôi hỏng bỏng không. Ta chẳng được gì mà còn mất rất nhiều, là điều tôi dự đoạn trước. Để đến nay vụ việc vẫn còn là một vấn đề nhức nhói.
[5] Hấp tấp nông nổi
Vụ Cháu Nghĩa mất tích, gia đình nhờ tôi giúp, Đến thời đoạn gây cấn nhất lại không nghe tôi, mà tùy tiện làm. Cuối cùng tiền mất, mà đứa con yêu cũng chả thấy đâu. Mãi sau, khi Nghĩa về nhà, bà mẹ mới xin lỗi tôi bởi quá lo mà lỡ khờ.
[6] Sợ không đáng sợ
Vụ Trường Dân tộc Nội trú Ninh Phước, ba giáo viên Cham do “hay nói” về tiêu cực nội bộ mà bị cho thôi việc. Tôi đã lên tiếng ráo riết trên web Inrasara.com. Đến hồi cuối, tôi bảo: Các bạn đưa đơn lên Sở đi, khi không được cứu xét cei Sara mới can thiệp. Vậy mà chả có ma nào động bút.
Tôi nói, các bạn bị “đuổi” là mất danh dự rồi, thêm món mất việc, các bạn còn gì nữa mà sợ? Lẽ nào nhà văn Inrasara phải làm đơn thay các bạn? Bởi sợ điều không đáng sợ, dù “quan tham” kia đã bị thuyên chuyển, nhưng ta mất việc cứ là mất việc.
Để có thể giải quyết rốt ráo một vụ việc, làm gì? Nguyên tắc chung, trước một vấn đề hay sự cố:
Thứ nhất, THIỆN CHÍ và không vụ lợi, thiếu món này thì đừng làm gì là hay hơn.
Tiếp
đến, KHIÊM TỐN nghiên cứu kĩ sự vụ, lấy thông tin từ nhiều phía khác nhau.
Thứ ba, THÀNH THẬT, chớ bày trò lừa chính quyền hay đối tượng nào bất kì.
BÌNH TĨNH và khôn khéo, không để cảm tính [yêu ghét, hay xúc động nhất thời] chi phối.
Sau rốt là, TỚI CÙNG. Thế nhưng, dẫu thế nào đi nữa, cũng nên biết có người có ta, chớ: Ta là ta, mà đâm đầu vào.