HÃY THỬ KHIÊM TỐN MỘT LẦN-02

Dăm năm trước, thạc sĩ trẻ BMT than rằng, về nghiên cứu văn hóa Cham, sau “thế hệ vàng” với Thành Phần, Phú Văn Hẳn, Văn Món… hế hệ sau khá lúng túng trong chọn hướng đi. Ý bạn ấy rằng, các “đề tài” đã bị khái thác cạn kiệt.

Tôi nói: Có thế đâu! Vô số mảnh đất hoang chưa được khai phá, vô số khu rừng nguyên sinh chưa có dấu chân người… Vấn đề là các bạn có: Đủ thông minh để nhận ra, đủ dũng cảm bước vào, và đủ kiên trì đi đến tận cùng con đường chọn lựa.

[1] Kiến thức chỉ là hạt giống vương vãi khắp nơi, bạn chịu khó tìm là có. Thời hiện đại, nó có mặt bát ngát trên mạng. Amazon, Wiki, Google, vân vân. Bạn lượm nhặt về, sắp xếp, tổng hợp, rồi xào nấu theo ý của bạn, tránh bị chụp cho cái tôi “đạo” – là xong.

Đầu thế kỉ XXI, một tác phẩm nghiên cứu văn học từ hải ngoại gửi về, anh chị em văn giới háo hức đọc, khen lấy khen để. Đụng tay phê bình cừ khôi, anh nói:

– Công trình cỡ ấy, một thạc sĩ khá ở ngoại quốc đều có thể làm được.

Đúng, kiến thức, ngay cả cái mới nhất thì chưa là gì cả, nói chi cái cũ, đã lạc thời từ xưa xa!

[2] Vậy, đâu mới là “là gì”?

Là ý kiến, nhận định của bạn về chúng. Kiến thức sau khi tổng hợp, bạn đánh giá nó như thế nào? Nhận định kia có độc đáo, mang tính khai mở cho một lối đi mới, mở rộng một chân trời mới, hối thúc và gây hứng khởi cho bước chân dấn tới, không?

Hậu hiện đại chẳng hạn, với Việt Nam – nó mới. Nếu bạn tổng hợp, viết lại, bạn chỉ có thể là người phổ biến kiến thức không hơn không kém.

Vấn đề là bạn phải làm gì khác, với nó.

[3] Phát kiến tư tưởng mới, nếu là triết gia; hoặc ít ra cách nhìn mới về vấn đề cũ. Là nhà nghiên cứu, bạn phải biết phát hiện đề tài. Tôi chẳng hạn.

Ngay lớp Đệ Tứ, qua câu nói bâng quơ của thầy dạy văn Phạm Đăng Phụng: Sao các em không thử tìm hiểu văn chương của người Chàm các em; rồi khi tình cờ đọc câu hàm ý mỉa mai của Paul Mus: Văn học Cham chả có gì cả, chỉ gói gọn trong 20 trang giấy là cùng, tôi đã “phát hiện” đề tài. Để rồi sau 24 năm miệt mài, tôi cho ra đời bộ ba Văn học Cham!

Tiếp đến, mặc dù lác đác đây đó rằng Cham rất mạnh về biển, và dù từ bé đã nghe bà mẹ Cham kêu ‘lingiik tathiik lơi’ (trời biển ơi) nhưng chỉ khi sự kiện Hoàng Sa – TS bùng nổ, tôi mới nhìn ra “đề tài” mới và lớn. Từ đó lần theo dấu vết, khai vỡ nhiều khía cạnh, để rồi mươi năm qua, Hải sử và Văn hóa biển Cham trở thành chủ đề thuyết trình chính của tôi về Cham.

Rồi Minh triết Cham, Tôn giáo ‘Ahiêr Awal’, rộng hơn: Văn chương ngoại vi Việt Nam… toàn là chủ đề mới.

Trước nữa, sau khi xong Văn học Cham – năm 1998 tôi tập hợp mươi nghệ nhân nổi tiếng từ nhiều palei khác nhau về Chakleng, làm “Âm nhạc Cham”. Sau một tuần, gần như toàn bộ tư liệu đã ổn, chỉ cần tìm nhà nghiên cứu âm nhạc dân tộc, là công cuộc tấn tới. Tôi đã gõ hết cửa, mất mươi năm “đời im ỉm khóa”, để cuối cùng công trình dang dở. và dang dở đến tận hôm nay.

Hỏi hiện tại, đâu là công trình độc giả có thể cầm lên để nhận diện được khuôn mặt âm nhạc Cham, như đã về văn học Cham? Hay đây kia chỉ là bài viết lẻ, vài ấn phẩm rời rạc đầy… khiêm tốn?

Các bạn trẻ đâu rồi? Tôi đã, tại sao các bạn thì không!?

Sau “thế hệ vàng” [mà có phải vàng thật?] ấy, thế hệ tiếp đến làm gì, và ý đồ làm gì? Hay các bạn mãi lo thể hiện mình quẩn quanh lối đi cũ đã mòn nhẵn, hoặc giả mãi hơn thua về Akhar thrah?

Các bạn đủ thông minh, đủ dũng cảm, và đủ độ lì không?

Câu hỏi đinh: Các bạn có đủ KHIÊM TỐN để làm lại, từ bước chập chững đầu tiên, cầm cây rựa mới phát quang lối đi vào rừng đầu tiên, không?

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *