Câu chuyện Cham. MA HỜI-06. ĐÂU LÀ ĐÀN TRÀNG GIẢI OAN?

Con người là “sinh vật” duy nhất biết chôn đồng loại.

Cũng có vài loài khác có hành vi tương tự, voi chẳng hạn, Nó biết nhỏ nước mắt tiếc thương, biết “chôn” kẻ mất với đám lá hay bùn đất, và biết trở lại “thăm viếng” kẻ quá cố. Tuy nhiên chắc chắn đó chỉ là phản ứng mang tính bản năng. Kêu rằng chúng có đời sống tâm linh là “nhân tính hóa” loài này quá mức.

Con người thì khác – đầy ý thức. Loài này sở hữu nhiều loại táng khác nhau: Địa táng, hỏa táng, thủy táng, thiên táng cũng không chừa.… Ở đó mỗi dân tộc với tôn giáo khác nhau có vài kiểu táng khác nữa. Phong phú và đa dạng chán.

Cham chẳng hạn. Cham ‘Ahiêr’ hỏa táng, còn Cham ‘Awal’ thì địa táng. Địa táng Cham ‘Awal’ cũng khác với ‘Cham dar’ (Chàm chôn).

Cham không có mộ (mồ, mả), kêu “mả Chàm” là ngộ nhận to. Cham ‘Ahiêr’ thiêu không có mộ đã đành, cả hai Cham còn lại cũng không luôn. Tại sao? Ghur (nghĩa trang) Bà-ni tức Cham ‘Awal’ cố nhất được biết đến là ở Phú Yên. Năm 1964 lần cuối cùng – anh Đạo Dú kể, bà con Phước Nhơn ra ‘tabuc haluuk’ (nhúm đất) về Ghur mới, từ đó Ghur làm hoang.

Cham không có mồ được hiểu như mô đất trồi lên cao, mà là “hang” ‘labaang’ mà phần trên được phả bằng với mặt đất. Cham ‘Ahiêr’ sau vài năm được cải tảng làm đám thiêu, còn Cham ‘Awal’ chỉ cần hai hòn đá đặt lên là đủ. 

Bhuut di labaang, Yang di kalan’: Ma ở trong hang, thần ngự trên tháp.

Cham ‘Ahiêr’ còn trong “hang” là ma, khi cải tảng ‘cuh am’ xong làm ‘Padhi” mới thành ‘muuk kei’ tổ tiên. Cham ‘Awal’ cũng hệt, xong ‘Padhi’ thì làm “muk kei” đứng ở đẳng thấp hơn ‘ yang’.

Không được hưởng thủ tục kia, sinh linh Cham vẫn còn là ma.

Cham mất, ‘Ia ô tal, athar ô jek’: Nước chẳng tới, cái không gần – nghĩa là chưa được làm thủ tục ‘lek ia’ (cho nước). ‘Ia ô tal, athar ô jek’ là câu cực kì quan trọng, tôi lặp lại mấy lần, là vậy. Dẫu bạn chưa qua ‘Padhi” nhưng bạn được ‘lek ia’ thì tạm ổn.

Chết, ‘Ia ô tal, athar ô jek’ – Ma Hời “ra đời”: Từ Đồ Bàn mất, cho đến Champa tan rã ở nửa đầu thế kỉ XIX. 363 năm, dân số công dân Ma Hời Xứ là bao nhiêu, chưa có một thống kê. Chỉ biết, ngàn muôn chúng đang lang thang vất vưởng suốt giải đất miền Trung giấc “đêm chưa qua ngày chưa tới”.

Giải oan, để chúng mãi mãi “về” ‘nao thaang’, là công việc của chúng ta hôm nay.

Làm gì?

Đã có gợi ý từ hai bậc thức giả:

Lê Nguyên Phương: “Mơ ước một ngày chúng ta có thể lập đàn hóa giải cho những ác nghiệp của tiền nhân, hòa giải cho những mâu thuẫn kể cả quá khứ của các dân tộc sống trên mảnh đất này. Nhớ tới câu thơ của Tô Thùy Yên: “Chút rượu hồng đây xin rưới xuống/ Giải oan cho cuộc biển dâu này.”

Hung Nguyen Dang: “Cám ơn Sara đã kể chuyện lịch sử với nhiều tai ương đau xót. Sẽ có một ngày những oan khiên của lịch sử sẽ được hóa giải, tạ lỗi để an yên của người xưa được siêu thoát, an bình hòa nhập của người sống được giải tỏa trong lòng dân tộc đa dạng Việt Nam!”

Phụ lục.

THỜI GIAN CỦA MỘT LỜI XIN LỖI

(2008 – cảm tác từ Australia, trong tập Ở nơi ấy [thơ thời cuộc]-2008)

“Sau hàng chục năm thoái thác” và tránh né và chần chừ

“thủ tướng đã đọc lời xin lỗi”

trong mưa

về câu chuyện một “thế hệ bị đánh cắp”

giữa khoảng rỗng của đất trời và của lịch sử

“trước sự có mặt của gần 1.000 người bản địa”

chú ý 1.000             không số lẻ            

có cả phụ nữ           và       trẻ em

“Chúng tôi xin lỗi đến những người mẹ và người cha, người chị và người anh, đến những gia đình và cộng đồng bị li tán”.

“Chúng tôi đặc biệt xin lỗi về hành động tách rời trẻ em bản địa ra khỏi gia đình, cộng đồng và đất nước họ. Vì nỗi đau đớn, niềm thống khổ và sự tổn thương của những thế hệ bị đánh cắp, con cháu họ và gia đình bị bỏ lại sau lưng, chúng tôi xin lỗi”.

“hơn hai thế kỷ kể từ khi người da trắng đặt chân lên Úc”

qua 11 năm             của chần chừ và thoái thác

của toan tính đo đếm cân đong

cho

“bốn phút của sáng 13-2”

không có số lẻ                  của giây        thừa hay thiếu

“một lời xin lỗi quốc gia đến những người bị ảnh hưởng”

kim giây chả là gì cả cho thời khắc trọng đại này

cho

“lời xin lỗi muộn màng” này

đến mấy thế hệ của một thế hệ bị đánh cắp

“không đưa ra khoản tiền bồi thường”

nhưng

“thủ tướng cam kết sẽ giảm thiểu tỉ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh, tỉ lệ mù chữ và chết sớm ở người bản địa trong một thập niên tới. Chính phủ cũng có kế hoạch cải thiện nhà ở cho người bản địa, công nhận họ về mặt hiến pháp là những người làm chủ nguyên thủy của nước Úc”

cho

“khoảng 460.000 người bản địa sinh sống ở Úc, chiếm 2% dân số”

cũng không             số lẻ

“trong bài diễn văn dài 20 phút đọc sau khi xin lỗi”

4 phút của sáng 13-2 trước vô cùng thời gian và vô tận không gian

về những thế hệ sắp bị đánh cắp

Dọc suốt chiều dài lịch sử của những đất nước

còn bao nhiêu thế hệ bị đánh cắp

trên mỏng mảnh mặt đất này?

Ai biết?

bên kia lời xin lỗi là gì

phía sau lời xin lỗi là gì

sau lời xin lỗi còn gì.

_______________________

Các chữ in nghiêng là phần copy từ báo Tuổi trẻ, 14-2-2008: “Úc chính thức xin lỗi người bản địa”.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *