Câu chuyện Cham. NỖI LẪN LỘN TAI HẠI

[Từ chuyện thơ, sinh linh Cham chết oan đến vụ “Hotboy-NNQ”]

Với tư cách nhà phê bình, tôi khen thơ LVT khác với ca tụng cá nhân LVT. Với tư cách nhà hoạt động xã hội, tôi phân tích và nhận định “Vụ Hotboy-NNQ” không phải tôi chê con người NNQ.

Không chỉ Cham, đại đa số dân Việt Nam thường xuyên lẫn lộn hai phạm trù kia: tác phẩm hay sự việc với con người. Lỗi chính thuộc… nhà trường, do thiếu môn triết học. Một lẫn lộn tai hại và nguy hại, sẽ kéo dài đến vô tận, nếu ta không làm cuộc cách mạng giáo dục.

1. Ông bà Cham nói: Dak lihik kabao yau, o dak mưlau bbook: Thà mất cặp trâu còn hơn mất mặt. Cham cứ sống vậy, từ truyền thống xa xưa cho tận thời hậu hiện đại.

“Vụ Hotboy-NNQ”, có người cho cei Sara cũng bị “mất mặt” ít nhiều. Tôi giật mình cái thột. Sao lại có “mất mặt” ở đây nhỉ? Tôi hỏi:

– Cei không đọc nên không biết, vậy “mắt mặt” kia nó ra sao?

Thế là bạn này mới “chat” ra, nào là: “đồ hèn”, “ghen tị”, “ích kỉ”, “tầm thường”, “thiếu đạo đức”, “không cao thượng”…

– Mèng, tưởng chi! – tôi nói.

Nhớ năm 1991, thủ quán tạp hóa Haly’s tại Chakleng, ngồi cà-phê trên tấm ván gụ, ông bạn thân “la” tôi, rất găng. Trước mặt người bạn lớn khác, có cả cô Trụ ở đó. Ông bạn lớn kia liền đứng dậy bỏ đi. Sau, ông nói:

– Hắn chửi thế sao Trạm im re vậy chứ, gặp tôi là vỡ trận rồi.

– Bạn ấy có chửi đâu nhỉ, – tôi nói. Anh khựng lại giây lâu, rồi hỏi:

– Sau đó hai người giải quyết thế nào?

– Thì đợi cho đằng ấy nghỉ lấy hơi, tôi mới hỏi: Bạn bổ sung gì thêm không?

Thế là hết phim! Hai đứa tôi cứ là bạn.     

2. Là nhà thơ, tôi hiếm khi chê thơ bạn thơ. Tôi có thể chơi thân với mọi nhà thơ thuộc mọi trào lưu ở mọi cấp. Từ cổ điển đến hiện đại, từ trung ương cho đến clb thơ phường xã.

Ai chê thơ tôi, tôi không một tiếng cãi lại. Tại sao? Bởi thơ thuộc cảm tính, kẻ làm và thưởng thơ mỗi người mỗi vị, mỗi thế hệ nỗi cách. Có khờ mới đi cãi nhau.

Với tư cách nhà phê bình thì khác, tôi sẵn sàng cải chính, trao đổi, thậm chí – tranh luận tới bến. Ở Hà Nội, đại hội Hội Nhà văn 2015, bạn thơ tôi méc:

– Sara viết về vụ chạy giải bị tay ấy chửi dữ quá.

– Chửi thôi mà – tôi nói – vấn đề là anh ta có chỉ ra được tôi sai chỗ nào không? Bài viết đăng 3 tờ báo lớn, cả ở RFA – nếu thấy sai cứ viết trao đổi lại.

Chả có ai phản đối. Hết phim.

3. Chúng ta vẫn chưa phân biệt được hai phạm trù đạo đức và triết học, cảm tính và lí tính. Mấy từ “đồ hèn”, “ích kỉ”, “tầm thường” không nói lên gì cả. Bởi chúng thuộc phạm trù đạo đức đầy cảm tính. Ai muốn gán cho ai chữ nào cũng được, khó mà cãi. Như… THƠ vậy.

Còn đúng sai, thuộc phạm trù lí tính, như PHÊ BÌNH. Đưa ra công chúng với đầy đủ tang chứng là hết chuyện.

Ví dụ vui. Vụ Hotboy, CML còm “Sara tầm thường”, Xuan Bao còm hỏi vặn: “Nhà văn Inrasara tầm thường chỗ nào, tôi đang chờ câu trả lời từ chị”. Im lặng. Sara bình: Có người nói thay mình cũng vui chút chút, dẫu sao nó chưa hay. Tôi sẽ THÍCH hơn, nếu bạn trẻ này hỏi: “cei Sara sai chỗ nào?”

4. Lạ, có một chat làm tôi thích hơn, lại đến từ trí thức thuộc thế hệ mới, tận… Mỹ.

“Không ai cho Q đúng cả, nhưng cei sai, là sai ở… thời điểm”. Tôi thêm một lần giật mình thột. Đây là điểm đáng bàn duy nhất trong vụ này.

THỜI ĐIỂM! Thế nên tôi mới có tút: “Vụ NNQ không phải là chuyện NNQ”. “Vụ”, thì khác hoàn toàn với “chuyện cá nhân”, phân biệt được hai điều này, là bước đầu hiểu… triết học. Phê bình văn học hay xã hội, tôi tuyệt không động đến đời tư, hay cá nhân nào bất kì, chỉ nhấn về tác phẩm, và chỉ có tác phẩm và sự việc.

Còn “thời điểm”, xin kể 2 câu chuyện.

[1] Thời Việt minh và sau 75, sinh linh Cham bị chết oan nhiều. Nhiều Cham biết, thầy Nguyễn Văn Tỷ biết, hứa sẽ viết trong hồi kí để cho con cháu sau này học. Tôi nói: Tại sao không ngay bây giờ mà phải đợi.

Thế là tôi đi gặp, tìm hỏi, và kể mọi vụ với nhân chứng đủ đầy. Viết ra, để Cham biết mà HỌC KHÔN NGOAN HƠN (xem: “Biết, để giải sân hận”, Inrasara.com 2017).

[2] Sau buổi thuyết trình tại Sứ quán Thụy Sĩ 2015, một bạn thơ đang làm việc ở Trung ương tạt qua khách sạn tôi, nói: Sara diễn hay lắm, đúng lắm, nhưng chưa phải lúc. Tôi hỏi: 40 năm rồi, bao giờ mới phải lúc?

Nghĩa là vấn đề “thời điểm”.

Điều đáng bàn ở đây, là: Nói có ĐÚNG không, nói ĐỂ LÀM GÌ, nói NHƯ THẾ NÀO. 

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *