[Những người bạn bỏ ta đi như những dòng sông nhỏ…]
Anh Ve Báo Văn Chuẩn mất sáng hôm qua, Chủ nhật 9-8-2020 – anh Văn Manh Kieu cho hay. Thọ bao nhiêu, không biết. Bạn thân nhưng tôi chưa lần hỏi, chắc phải trên thất thập. Tôi vừa ghé anh sau Tết năm nay, và biết anh sẽ đi sớm.
– Nhớ hỏi thăm bác Đạm, cei Đảo… nhé, – tôi đùa.
Nay anh đã đi.
Cwah Patih Thành Tín tôi có rất nhiều bạn, các bạn chung lớp năm cuối Tiểu học hơn tôi từ 3-8 tuổi cho tận hôm nay. Anh Ve không là đồng môn, lại thân với tôi hơn cả. Có lẽ do anh đọc riêng tôi nghe trường ca tiếng Cham sáng tác trong ngày tháng Trại cải tạo, tại đây anh kể kỉ niệm nhớ đời.
Lần đầu anh được thăm nuôi. Ló mặt nhìn thấy mẹ già, vui và thương hết biết.
– Không được nói tiếng Cham, – quản Trại nạt.
– Sao lại thế? – anh hỏi
– Giữ bí mật quốc gia, là lệnh trên.
– Cán bộ ngó mẹ tôi kia, già cả lụ khụ mà làm chính trị cái nỗi gì. Mẹ con tôi cả đời chưa nói tiếng Việt với nhau bào giờ…
– Amek nao thaang mek, – anh quay sang nói với mẹ. Bà mẹ đi, anh nhìn theo.
Nữa, tôi hành anh không ít. Trích Hàng mã kí ức (tiểu thuyết, 2011):
“Tôi vào Đại học rồi bỏ giảng đường. Về quê làm kế toán trưởng Hợp tác xã rồi bỏ nghề sổ sách. Và làm lang bạt. Tôi ngủ lang từ nhà Đảo ở Hữu Đức Hamu Tanran, Đạt, Phăng, Cát ở Pabblap, Toán, Thọ ở Bàu Trúc đến nhà anh Ve, Chí ở Thành Tín Cwah Patih…
Từ năm Đệ Thất cho mãi đến thôi kế toán nông nghiệp. Có nhà tôi nằm ‘yoong bbang’ ăn chực đến cả tháng. Về Chakleng làm ruộng, rẫy. Hết việc lại đi. Không một lời thưa cha mẹ. Chị Hám, em Những nhổ cỏ. Em Ngòi rồi sau này Út Lành cày hay chăn trâu, bò. Tôi – đi. Ở Chakleng, tôi cũng không trụ tại nhà mà sang mấy chục nhà khác ăn, ngủ. Rồi tôi ngủ nhờ một nhà hoang do gia đình không con gái năm anh em trai đi lấy vợ bỏ lại. Non hai năm như thế. Tôi cứ ôm hết Camus đến Nietzsche, hết Krishnamurti đến Dostoievski.
…
Ramưwan năm 1978, đám bạn kéo nhau xuống Thành Tín. Tôi lúc đó đang tu Oshawa, đã hành anh Ve chạy khắp ngõ palei tìm gạo lứt muối mè. Ai Tết Bàni bà con nhậu nhẹt linh đình, mình lại đi ăn chay, lại lối chay khác trần đời nữa chớ. Nhưng các bạn vẫn moi ra được. Rồi là cối, nồi đất, lò than. Tôi ngồi nhai gạo lứt hệt thiền sư khùng giữa bà con đủ lứa tuổi. Và tôi huyên thuyên về Damnưy Po Klaung Girai, Ariya Glơng Anak, Royaume du Campa… Nhóm bạn và cả vài cụ ngẩng cổ nghe và dĩ nhiên, phục sát đất. Thấy không khí có mòi nghiêm trang, thế là tôi nổi mát lên. Khi một cụ xin hỏi cậu nó tuổi con gì nhỉ, tôi nói: – Dạ em sinh năm Krat Chàng hiu ạ! Thế là mọi người cười ồ lên và giải tán.”