[hay: HỌ Cham từ cổ đến kim]
– Đặt tên cho mình kiểu như Po Dharma, Musa Porome, Yang Neh có xúc phạm bậc đế vương hay thần thánh Cham không? Là câu hỏi Cham hay đặt ra mươi năm qua;
– “Không biết căn cứ vào tư liệu nào tác giả Inrasara cho rằng vua Chăm có những họ như trên?” [Indra, Jaya, Cri, Maha…], là câu hỏi của báo Ninh Thuận [hay Sakaya?]
Vài Cham mới đứng một chân “nghiên cứu” ưa hỏi “căn cứ” hay “cơ sở” với tôi kiểu ấy. Trong khi tôi, sau khi đứng đủ “ba chân” [kiềng], rồi phá bỏ cả ba, mới viết. Đó là vô chiêu của nhà văn tầm cao
[hay luận sư]
;
– Bạn FB Doan Trà Quang: “Anh nhận định như thế nào về nội dung bài báo này?”
– Và…
HỌ Cham là đối tượng nghiên cứu của dân tộc học, vậy mà mãi 2004, Nguyễn Văn Tỷ mới có bài viết “Tìm hiểu về họ của người Chăm” (Chế Vỷ Tân, Tagalau-4) chỉ như một gợi ý. Từ Indra đến Jaya, hết Çri đến Pudra… thêm mấy “hậu tố” varman nữa. Chúng cứ xa vời vợi với những Lâm, Phú, Đàng, Hứa, vân vân… hôm nay.
Để làm rõ hơn, tôi triển khai vụ này trong cuốn Văn hóa – Xã hội Cham, Nghiên cứu & đối thoại-2006. Cuối cùng là “Nhiêu khê ‘họ’ của người Cham” trong Những cuộc đi & cái Nhà-2011. Mới đây báo Ninh Thuận đăng lại bài cũ của Sakaya với sa-pô bàn về nó.
1. Tại sao Jaya Panrang (Lưu Quý Tân), Bố Thuận, Jamưta Harei (Thiên Sanh Cảnh), Inrasara…?
Po Dharma, Yang Neh, Musa Porome… có ‘tapa xalao’ (qua mặt) không?
Tuyệt không, nhìn từ ngoài Cham – theo chỗ tôi biết! ‘Po, Yang, Inra, Jaya, Rudra’, hay lấy tên/ họ vua nào đó tạo ra tên mình, không có gì ghê gớm cả. Nhân loại khắp nơi vẫn làm…
Thử lướt qua vài tên vua, vương hiệu nổi bật trích từ G. Maspéro, Le Royaume du Champa, Van Dest, Paris, 1928 (chữ viết bông là tôi nhấn):
– 749: RUDRAvarman, tên nước Hoàn Vương xuất hiện, 802: HARIvarman tiến đánh vài tỉnh Trung Quốc, 956: JAYA Indravarman I sửa lại đền Po Nưgar.
– 1000: YANG Pu Ku Vijaya Cri chuyển đô về Vijaya, 1166: Jaya Indravarman IV đánh vào trung tâm vương quốc Khmer, 1192: SRI JAYA HARIvarman I (Pô Klong Girai?) thống nhất Champa, 1288: Jaya SIMHAvarman III, Chế Mân, 1360: Po Bin Thwơr (Chế Bồng Nga?)
– Từ 1471, là Trà Toàn, Bà Thâm, Bà Bì (Pô Rômê 1627-1651?), Bà Tranh (Po Saut)…
2. Chú ý: Tiếng Cham là ngôn ngữ đa âm tiết, có khi một từ kết hợp nhiều hình vị. Ví dụ: Suryavarmadeva cần viết liền nhau, có thể tách ra thành 3 hình vị có nghĩa: Surya: thần mặt trời, varman: đế vương, deva: thần.
Cũng vậy, Rudra (thần Điểu), Jaya (chiến thắng), Indra (thần Sấm), Simha (Sư tử), Po (Đấng, Ngài)… đều có nghĩa cả.
ĐẠI DIỆN + VƯƠNG = TÊN VUA, là đủ. Như Rudra/varman, Hari/varman, giản đơn mà hay đáo để, hệt Inra/sara vậy!
Sau này các vị vua Champa chơi oai hơn, kết hợp 4 hình vị để làm ra tên mình: Sri Jaya Sinhavarman. Nhà vua chuyển đô về Vijaya (Đồ Bàn) năm 1000 ác liệt nữa: Yang Pu Ku Vijaya Cri!
Đối chiếu với Việt:
Nguyễn Trãi = ĐẠI DIỆN Nguyễn + TÊN Trãi, cũng đủ. Còn muốn phân biệt chi li hơn, thì thêm LÓT: Phan Văn…, Phan Hữu…, Phan Kế… Hay với sinh linh có danh phận, ta thêm vào “bậc cấp”: Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm, Tam nguyên Yên Đỗ Nguyễn Khuyến…
Bên trời Tây, Balzac qua bao phấn đấu mới được nhận “DE” vào tên của mình, để thành Honoré de Balzac, chớ trước đó đâu có!
Các “họ” bằng tiếng Sanskrit trên thường được sử Trung Quốc phiên âm thành: ÔNG, MA, TRÀ, CHẾ rất tùy hứng. Sau đó sử Việt còn bày ra BÀ: Bà Tranh, Bà Thâm, Bà Bì… nữa!
3. Trích: Inrasara, “Nhiêu khê ‘họ’ của người Cham”:
“Ông, tiếng Cham là Ong, Ung hay Aung có từ thời Nhà Lý khi tù binh Cham bị Nhà Lý bắt ra Bắc. Phần ở lại lấy vợ Việt lai giống làm thành họ “Ông”. Gia phả dòng họ Ông thuộc Cẩm Lệ, thuộc Đà Nẵng mà thủy tổ là Ông Lý Trai thời Nhà Lý đến nay là 41 đời. Ông Ích Khiêm, Ông Ích Đường là các nhân vật trong lịch sử cận đại Việt Nam.
MA có lẽ phiên âm từ MAHA (đại), Cham ngày nay không còn dùng nữa, trong khi TRÀ / (có lẽ do từ Jaya mà ra) như Trà Toàn, Trà Hòa Bố Đế, lại rất phổ biến. Ở Quảng Nam có tộc Trà vẫn còn giữ sinh hoạt dòng tộc. Họ luôn nhận mình là Cham: Trà Công Tân, Trà Toại. Còn ở Ninh Thuận, người viết Cham vẫn thích dùng Trà làm “họ” bút danh: Trà Vigia, Trà Ma Hani…
INDRA như Indravarman, còn INRA là biến thái của INDRA như Inra Patra, nhân vật chính trong Akayet Inra Patra. JAYA như Jaya Sinhavarman, ÇRI thì Çri Satiavarman, MAHA có Maha Vijaya, rồi RUDRA là Rudravarman, PUDRA: Pudravarman. Tất cả đều vay mượn từ tiếng Sanscrit, có mặt trên bi kí, hoàn toàn xa lạ với dân Cham Pangdurangga.
Ngày nay, các “họ” này vẫn còn được vài sinh linh Cham xài lại: JAYA Panrang (Lưu Quý Tân); PUDRAdang. Tiếng Việt là CHẾ / (có lẽ do Cri: “rạng ngời” mà ra): Chế Mân, Chế Củ, Chế Bồng Nga. Hôm nay: Chế Quốc Minh, Chế Lan Viên, Chế Linh, Chế Lưu Phương (Đàng Năng Quạ), Chế Mỹ Lan…
Cham có ngu hết đâu!
Tóm, HỌ Cham cũng như Tây, Việt… nhưng mỗi dân tộc có đặc thù riêng, hiểu HỌ theo cách của mình. So sánh đối chiếu là cần, cần hơn nữa: Vượt qua tư duy tòng thuộc, để hiểu Cham như là Cham.