Hành trình Cham-36. THÁP, NHỮNG HIỂU BIẾT NGOẠI BIÊN

Henri Miller: “Nếu chúng ta không tập nhìn chúng ta như kẻ khác nhìn chúng ta thì vết thương sẽ không bao giờ lành, và chúng ta đời đời sống phân li và ngăn cách”.

“Chính tính quản lí mở qua tinh thần mở của Cham mới là mấu chốt của mọi vấn đề, ở đó ta luôn chịu thiệt”, tôi viết nguyên văn thế, ở Vụ xâm hại Ghur Raneh 2013.

Đây không phải một nghiên cứu khoa học, mà là những gạch đầu dòng cần thiết để giúp bà con hiểu về tháp và những sự vụ xung quanh. Tôi may mắn [hay rủi ro] là tín đồ ‘Ahiêr Awal’ thuần thành, vừa là một sinh linh Cham ở trong cuộc nhập cuộc qua nhiều giai đoạn của thời cuộc Cham và Việt Nam. Thế nên có thể coi đây là chứng tích.

1. Tính biểu tượng của Cham

Ngoai trừ thần linh hay các bậc đạo sư, tư tưởng gia vĩ đại cùng kẻ phàm trần, còn thì con người bậc trung nhân nói chung sống trong thế giới biểu tượng. Một dân tộc thì càng. Ở Cham:

Carit (kiếm) biểu tượng vương quyền; Krek (cây Lim xanh): biểu tượng sức mạnh vương quốc Champa; Bal (thủ đô) biểu tượng cho vương quốc.

Khi thủ đô cuối cùng mất, Cham lập thủ đô ngay giữa không trung, như một biểu tượng bất khả xâm phạm. Ariya Glang Anak câu 108-109:

Ngak bal di Mưlithit đa ra loong

Hajiơng yau nan ka tarakoong prong di Pô Dêbita

Hajiơng ra ngak nưm di ngok tara

Paak akiêng takai kara di tưh thek lingal

Dựng thủ đô ở Phan Thiết thì e người công

Nên mới cho cổ họng mình (sống hay chết) là ở Đấng Chí tôn

Nên người mới làm dấu giữa khoảng không

Bốn phương: ngay dưới chân sao Rua và giữa sao Cày”

Và, ‘Bimông’ tháp là biểu tượng cao nhất của tâm linh dân tộc Cham.

Tháp, không chỉ Cham ‘Ahiêr’ mà cả Cham ‘Awal’ cũng lên cúng tế.

Tháp có hai dạng: Tháp “sống” và tháp hoang ‘bimông bhao’, ‘bimông jwa’ là tháp không còn được cúng tế, như Ba Tháp ở Ninh Thuận [Du lịch hôm nay ăn theo tháp “sống” và Katê, chứ ‘bimông bhao’ thì ta trùng tu rồi bỏ cho hoang luôn.]

Thuở bé đánh xe trâu ngang qua đồi tháp nửa cây số, anh Đạm bảo tôi cắn chặt ngón trỏ để tránh nói bậy. Tuổi tiểu học, đám chúng tôi ai lấy tay chỉ vào đá Kut dù là “Kut hoang” gần nhà bà Điều thì bị người lớn bắt cắn ngón tay xin chừa.

Cham cho ‘Bimông’ hay “Kut”, ‘Ghur’ LINH và buộc kiêng kị là vậy.

2. Tháp Chàm và các hiểu biết ngoại biên

Khi tôi nói “BQL tháp thiếu hiểu biết” không phải chê anh chị em dốt, mà là không nắm được các tiểu tiết nhỏ mà nghiêm trọng này. Chỉ khi nhìn Cham qua con mắt Cham, mới hiểu.

Thành ngữ Cham ‘Yang Bimông Yang Kalan’: Thần Tháp Thần Đền. ‘Bimông’ là cụm tháp gồm 4 tháp theo chuẩn Cham Pangdurangga, còn ‘kalan’ là tháp chính. Đa phần cửa ‘kalan’ mở về hướng mặt trời mọc, là phương cư ngụ của thần linh.

[các khu vực khác có thể khác chút đỉnh]

Thành ngữ: ‘Tajuh halau klau bimông’: Bảy ngôi chùa [Bà-ni] ba đền tháp. Ở Ninh Thuận, ba đền tháp có tháp Pô Klong Girai, tháp Pô Rômê, và Đền Pô Inư Nưgar. Xưa, Cham ra Nha Trang cúng ở tháp Pô Inư Nưgar, Việt Minh nổi dậy mất an ninh, bà con mới thỉnh ngài về làm ‘danook’ đền ở Hamu Ram rồi sau dời qua Hamu Tanran.

Mỗi năm Cham mở cửa tháp 4 lần để cúng, còn lại: đóng, và bỏ đó [chỉ sau 1975, cửa mới mở tùy nghi].

Cham lễ đốt nến nhỏ, nến cháy chưa đầy tiếng đồng hồ, xong lễ thì thu về [người Việt vào lễ đốt nhang mù mịt, thành tháp ám khói, là vậy].

3. Đất tháp rộng đến đâu?

Cham quản tháp mà như không quản: không rào, không “chăm sóc”. Tháp Pô Rômê, ngày trước mỗi khi có lễ, anh chàng người Raglai mới trèo lên và bò xung quanh ‘kalan’ làm sạch cỏ cây.

[Đất nước thống nhất, ta xây thành và dựng cổng ở mặt đông, đến thập niên 1990 thì xây khu sinh hoạt như hiện tại, bán vé, và hôm nay là… tiệc tùng]

Nhà nước giành quyền quản lí tháp từ khi nào?

Sau 1975, có thể phân Cham làm 4 nhóm: Quá khích muốn lên núi “làm nước” và phần theo chính quyền nịnh bợ, hai bộ phận này chiếm số lượng nhỏ; phần lớn cả ngày lo kiếm sống, còn lại là e dè, nhất là cánh chức sắc ‘Halau janưng’.

Tuyệt không có một tiếng nói phản biện. Chăm sóc tháp, ai nói sao cũng dạ vâng.

Chùa chiền thì được sư sãi quản lí chặt, tháp vì ta mặc cho gió mưa, Nhà nước kêu tôi quản lí nhé, thì ừ. Và tháp được quản đến tận hôm nay, theo thể điệu chính quyền. ‘Pô Adhya’ tháp Pô Klong Girai bệnh lên bệnh xuống cũng do cửa tháp mở tùy tiện.

Cũng như ‘Ghur’ bên Bà-ni hay ‘Kut’ bên Bà-la-môn, đất tháp không có ranh giới. Cham chỉ hiểu cả khu vực rộng lớn là đất thiêng bất khả xâm phạm. Cho đến 1975… Nhà nước xây tưởng thành rào, ừ cũng được đi, để bảo vệ tháp, và kiếm ngân khoản nuôi quân và tu bổ tháp. Dẫu sao đi nữa cũng cần học biết:

Tôn trọng tính linh thiêng qua con mắt nhìn của chính chủ nhân tháp: CHAM.

Thế thôi, cũng đủ.

4. Katê và tháp

Katê, Cham lên tháp cúng tế khoảng 2 tiếng. Không diễn văn, không văn nghệ, càng không ăn uống trên tháp. Sau lễ, bà con chỉ dùng một ít lễ vật cúng tế lấy lệ. Nhìn chung, lễ dù linh thánh, thiêng liêng nhưng khá sơ sài.

Trở nợ xong, thì về. Và để thần linh xung quanh canh giữ tháp [Cuối thập niên 1960, Đại úy Dương Tấn Sở, thầy quản đốc Thành Phú Bá, và anh giám thị Po Dharma cùng học sinh Trung học An Phước công lớn trong việc tổ chức nề nếp cúng tế trên tháp Pô Klong Girai].

Xong Katê trên tháp, bà con về Katê ở ‘danook’ nhà ‘Pô Adhya’, sau đó mới đến Katê làng. Katê-làng mở rộng như hôm nay khi năm 1975 Chakleng khởi đầu bằng việc mổ trâu tế, rủi là trâu mẹ mang bầu nhỏ. Cuối cùng là Katê gia đình.

Và Cham “ăn Katê” đến hết tháng Bảy lịch Cham. Xưa thì cúng trả nợ, chớ nay sau ba ngày lễ là ta tiệc tùng linh đình nhậu nhẹt.

Thần linh ta bị đánh cắp, hay ta tự đánh mất thần tính?

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *