Hành trình Cham-29. ĐÓN NHẬN, TẠ ƠN & TRẢ LẠI-2

[vài MINH GIẢI cần thiết]

Nêu tên tuổi sinh linh Cham từ các thế hệ, không phải để vinh danh [dù cần thiết], mà là để ghi nhận, tạ ơn, tiếp nhận, và nỗ lực làm việc.

Đây là vài nét chấm phá…

Thế hệ [1]

Ngoài các tên tuổi Les Cosem, Po Dharma, Nguyễn Văn Tỷ, Lưu Quang Sang… công lao cụ thể được bà con ghi nhận và ghi nhớ, cần điểm qua vài tên tuổi mà công đức còn khá xa lạ với nhiều người.

Bố Thuận, người đầu tiên làm việc ở Viễn Đông Bác cổ, và là tác giả Cham đầu tiên soạn Từ điển Cham Việt [dẫu còn trong bản thảo];

Châu Văn Mỗ, không kể ông Thứ trưởng Bộ Sắc tộc, công lớn nhất của ông là dựng lên Hội Bảo trợ Chàm, đặt nền móng cho thế hệ trí thức Cham đầu tiên;

Lưu Quý Tân, cây bút có nhiều bài viết tài hoa về văn hóa Cham đăng tạp chí Bách Khoa, Phổ Thông để lại nhiều ấn tượng đẹp trong lòng người đọc;

Thiên Sanh Cảnh, ngoài các nghiên cứu, việc ông đứng ra sáng lập và chủ bút đặc san Panrang thôi cũng đủ nói lên tầm vóc ông;

Dương Tấn Sở – Thành Phú Bá với Trường Trung học An Phước tiền thân của Trường Pô-Klong, là vô cùng lớn;

Châu Văn Kên, dù chưa có thành tích đáng kể, ông vẫn được xem là người khai mào cho sáng tác tân nhạc Cham hiện đại.

Thế hệ [2]

Thông tin về thế hệ này được nhận biết khá đầy đủ, ở đây tôi chỉ nhấn về dấu ấn đậm nhất họ để lại…

Sakaya dù có làm thơ, nhưng chính các công trình nghiên cứu của anh mới là thành tựu quan trọng;

Amư Nhân cũng vậy, quần chúng biết anh qua trăm ca khúc anh viết cho đời, mà dễ dàng quên tiếng hát của anh;

Đàng Năng Thọ và Chế Kim Trung, điều họ để lại chính là sáng tác phẩm.

Thế hệ [3] dù mới khởi động, cũng cần phác họa vài điểm sáng, để khích lệ.

Jalau Anưk, không kể những bài thơ tài hoa, riêng việc bạn nhận cây gậy Tagalau tôi trao cho đã là một dũng cảm;

Đồng Chuông Tử tạo dấu ấn đậm qua các tập thơ tiếng Việt và Cham cùng những hoạt động xã hội xông xáo của mình;

Tuệ Nguyên, bên cạnh 5 tập thơ đặc sắc, bạn trẻ này còn công mở nhà xuất bản Ciêt, là “nhà xuất bản” Cham đầu tiên;

Jaka Năng Tuệ Phú, ngoài các hoạt động xã hội và nghệ thuật, việc lập nên website Gilaipraung.com từ giữa thập niên đầu của thế kỉ 21, sau đó: Thang Tông là sáng giá;

Ikan Di Ram với Từ điển online đầu tiên, cạnh đó còn tạo sân chơi karaoke đầu tiên các ca khúc Cham, không đủ ngon sao?

Kiều Maily,sau hai tập thơ có tiếng vang, cuốn Độc đáo Ẩm thực Chăm in đẹp và ấn phẩm mỏng Palei Phước Nhơn của tôi – là công trình mang tính khai phá;

Jaya, cũng như Châu Văn Kên ở thế hệ trước, dù chưa thành tựu lớn, đã dám khởi đầu cho trào lưu Ảnh Nghệ thuật Cham, là rất đáng khích lệ.

Các bạn đã cháy, và còn dám tiếp tục cháy?

Tất cả là “đứa con của Đất”, được điểm danh qua góc nhìn cá nhân. Chủ quan và thiếu sót là khó tránh. Bởi còn nhiều, và rất nhiều khuôn mặt khác nữa. Bên tổ chức cộng đồng, lĩnh vực khoa học tự nhiên, như các bác sĩ từng cứu sống bao nhiêu sinh mạng…

Một Jayam Luu Hoang Minh Giam với “Tangin pan tangin” là công cụ thiết yếu;

Hay Ysa Cosiem, Amuchandra Luu, Chế Mỹ Lan góp phần vực dậy Tagalau giai đoạn sau, và chung sức vào nhiều công cuộc cộng đồng khác;

Hoặc các mạnh thường quân như Đàng Xuân Chiến + Minh Hiền Thành với Danook Pô Nai ở Núi Chà Bang; Nguyễn Pào qua công trình Ghur Raneh; Dang Van Thoai góp phần lớn vào Sân Đa năng Chakleng; Khanh Pham nữa bằng tài trợ đặc biêt cho đặc san Nghiên cứu Cham cũng như tổ chức cho sinh hoạt cộng đồng Cham tại Sài Gòn;

Ngay cả anh chị em làm báo “nghiệp dư” như Luu Van Phu, Thạch Ngọc Xuân… nhiệt tình đưa tin các sinh hoạt cộng đồng hải ngoại, thông báo kịp thời về một Cham vô danh nào đó gặp nạn cũng có giá trị riêng không thể bỏ qua.

Tất cả!

Họ góp phần cứu sinh linh và văn hóa Cham sống sót, làm cho từ CHAM vang rộng và xa hơn…

Sao không thể nói to lên tiếng ‘ĐWA APAKAAL’!?

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *