Tôi gặp Điếu Cày lần đầu vào Katê 2007. Anh đến, cùng vài bạn văn Nguyễn Viện, Thận Nhiên, Lynh Bacardi, Nguyễn Quang Tấn với ba nhà báo tự do từ Sài Gòn về Chakleng chơi. Có cả nhà nghiên cứu Mỹ gốc Ấn: Sam Sinha nữa. Thêm: cô sinh viên Kim Ngân theo Jaka cùng về.
Bạn văn chơi sang thuê khách sạn ở, các nhà báo ba cùng nhà tôi. Ông Sam sau hai đêm ngủ dưới phố, tối hôm đó nổi hứng trọ lại làng Cham để thưởng thức cho trọn vẹn không khí Katê. Và gặp sự cố…
Sống quê nhà hơn nửa đời hư, tôi chưa hề bị phiền hà. Thế mà…
Canh chừng mẹ đang hấp hối ở nhà từ đường, tôi nhận cú điện thoại bảo qua gấp Nhà Trưng bày Văn hóa Inrahani, bởi “công an sắp xuống làm việc về vụ ông người Mỹ”. Mới 9 giờ rưỡi. Mắt nhắm mắt mở, tôi hộc tốc chạy tới.
Tôi mới biết Sam qua email, và tiếp ông hai tiếng ở Phan Rang, nghĩa là không biết gì nhiều về khách lạ này. Đến Chakleng, tôi bàn giao cho Jaka phục vụ như vị khách đặc biệt.
Tôi phone cho taxi đến đón ông trở lại khách sạn. Khi taxi dừng trước cửa, thì hai chiếc xe công an vừa tới. Toàn khuôn mặt quen! Anh an ninh dưới Tỉnh nháy tôi vào nhà trong nói nhỏ:
– Anh Trạm thông cảm, mấy chú lính mới không biết.
Thế là lập biên bản. Điếu Cày đi qua đi lại bấm mấy pô.
Đặt bút kí vào biên bản thì đồng hồ chỉ đúng 10 giờ 25 phút. Người thì được cho ở lại, còn passport bị thu đi. Sáng sớm Jaka đưa Sam lên Huyện làm việc.
“Làm việc” kéo dài gần ba tiếng đồng hồ. Có cả bộ phận xuất nhập cảnh Tỉnh dự cuộc. Rắc rối tới nơi rồi, tôi nghĩ và lo cho người bạn từ nửa vòng trái đất đầu tiên về quê Cham. Điếu Cày tính làm căng, quyết đưa sự vụ lên báo.
– Tụi này sai nguyên tắc: chưa tới 11 giờ, – anh kêu.
Tôi nói:
– Mình dân Sài Gòn, quay đi, ở đây nó chơi mấy em có nước ngọng!
Bạn văn tôi đùa: Nhà văn lớn nhất Cham chưa đủ chất lượng ISO-2000 bảo đảm an ninh cho chiến hữu! Tôi đành cười mếu.
Passport đã lấy lại. Phạt tiền không, kiểm điểm chủ nhà cũng không nốt. Dẫu sao, sự vụ cũng để lại vết sẹo.
Chiều, cả đoàn được mời ghế danh dự tham dự Khai mạc Lễ hội Katê Mỹ Nghiệp, long trọng. Tréo ngoe! Ngài Sara được Ban tổ chức giới thiệu cũng rất hoành tráng. Xong, cả bọn kéo thêm ca sĩ Chế Viên sang nhà anh Bá Văn Bẩm, nhậu nhẹt, hát hò.
Gặp Điếu Cày, anh thuyết về tự do ngôn luận, quyền công dân, và thúc tôi làm tới. Các “quyền” thế nào thì tôi rành, cạnh đó tôi cũng rất hiểu anh, bởi tôi xưa cũng hệt: lí tưởng, và nhiệt. Tuy nhiên, là sinh linh trí thức Cham, tôi không thể.
Tuổi 15, lần đầu đốn ngộ về phận cùi Cham, tôi loại bỏ hẳn máu liều không còn một giọt. Lần thứ hai ở tuổi 20, tôi cắt tiếp phần não trạng dân tộc hẹp hòi. Rồi qua tuổi 30, tuổi “nhi lập”, tôi hiểu mình phải chọn lối đi riêng.
Nếu tôi là Việt, thì khác; đằng này tôi lỡ sinh ra làm… Cham.
Vào Sài Gòn, tôi có gặp anh lần nữa ở Quán ăn đường Kỳ Đồng quận 3. Rồi sau đó không lâu, anh được Đảng biếu tặng cho đôi dép tổ ong… nổi tiếng, để xuất ngoại.
Giáo sư Chu Hảo thì khác. Đảng viên thâm niên, lớn về trí thức lẫn nhân cách, và lành tính.
Gặp anh lần đầu lúc ra Hà Nội nhận Giải thưởng Văn hóa Phan Châu Trinh năm 2010, Sau đó cùng anh xét hạng mục Sách Nghiên cứu Giải Sách Hay của Viện IRED, chúng tôi gặp nhau thường xuyên hơn. Mươi năm đi qua, anh vẫn thế.
Tư thế đĩnh đạc ấy, nói – cũng lối phản biện vừa phải ấy, bằng giọng điệu điềm tĩnh ấy…
Nhà văn Phạm Thị Hoài từng tặng Chu Hảo nhãn “phản biện trung thành” chả oan tí nào cả.
Thế nên ba năm sau, khi nghe siêu sao DLV Trần Nhật Quang hô: “Nguyên Ngọc, Chu Hảo là nhà dân chủ khát máu”, tôi mãi cười, cười cho tận chiều nay.
Rồi, sáng nay đọc tin thấy Chu Hảo bị Đảng… “trị”.
Hậu hiện đại Việt Nam bước chân chữ bát theo lối bất khả đoán, là thế!