Độc đảng dẫn đến độc tài, độc đoán và toàn trị. Ở đó chỉ có nhóm, đảng ta là số dzách, toàn quyền lãnh đạo bộ phận sinh linh còn lại mà tự do, quyền làm người chỉ như thứ được ban phát, được chăng hay chớ.
Lạ, ủng độc đảng, độc tài không chỉ là nhóm người đang cai trị thiên hạ, mà cả một số kẻ thuộc bộ phận nhân loại còn lại. Cớ viện ra rất ư hữu lí: Dân trí ta còn thấp chưa thể tiếp cận tự do, dân chủ; nhất là lúc này ta cần tập hợp lực lượng để chống kẻ thù ngoại bang, chớ đa đảng với đa nguyên chỉ tổ đưa đến xáo trộn. Ngó qua cái nước Syrie chưa đủ ớn sao!
Hữu lí kia đã thuyết phục được ông Inrasara tin, để “ủng độc đảng” thì càng lạ hơn nữa!
Thử mổ xẻ hiện tượng luật sư-tiến sĩ Hoàng Duy Hùng xem sao.
Tôi vốn không quen “nghe” mà thích “đọc”, nên không biết đến tên tuổi Hoàng Duy Hùng thì chả có gì đáng phiền, dù nghe nói anh đồng hương Phan Rang với tôi. Mãi ông thầy nhắc: Có luật sư HDH hay lắm, Sara nên tham khảo. Vậy là tôi ghé qua coi thử.
Nhận xét ngắn: HDH có kiến thức, biết ăn nói, tự tin và khao khát muốn dân tộc hòa bình, tấn bộ – có lẽ. Kẹt nỗi, anh hơi… ngây ngô [hay giả nai?]
Ý chính của HDH:
Đất nước đang ổn định, chế độ hiện hành đã xây dựng xã hội phát triển, và dù thể chế nào cũng có cái hay cái dở, riêng về mấy cái dở của Cộng sản Việt Nam, nếu mình biết nói, thì họ… nghe. Cộng đồng người Việt hải ngoại không cần chống Cộng, không cần “phản động chống lại đất nước”, mà hãy hòa hợp để cùng nhau xây dựng và bảo vệ tổ quốc chung.
Tôi cho đó là lối nghĩ và tâm tư đáng trân trọng. Việt Nam chia xé, chết chóc, đau khổ, hận thù nhiều lắm rồi…
Dẫu sao, “Tôi nghĩ về chính trị” thử cật vấn anh ở vài điểm trọng yếu.
[1] Tiến bộ với nhà cao tầng, đường cao tốc, dân không còn đói khát như thời bao cấp, vân vân. Không sai! Thế nhưng tiến bộ ấy trả giá thế nào? – Tài nguyên cạn kiệt, môi sinh ô nhiễm nặng, cả chục vạn thanh niên đi xuất khẩu lao động, và nhất là: nợ công chồng chất.
[2] Ở bài “Việt Nam – giàu, đẹp, và… tanh bành”, tôi viết:
“Giàu đẹp về tài nguyên thì rõ rồi. Hiếm đất nước nào có địa thế, địa hình, và hệ sinh thái ngon như Việt Nam. Bắc bộ khác với miền Trung, Cao nguyên khác duyên hải Trung bộ, miền Tây càng khác hơn nữa.
Việt Nam có khí hậu nhiệt đới, có ôn đới (Sapa, Đà Lạt) và cả bán sa mạc (Ninh Thuận). Riêng rừng [bạc] và biển [vàng] Việt Nam thì miễn chê.
Giàu đẹp về văn hóa. Việt Nam hình thành từ hai nền văn minh: Đại Việt và Champa. Việt Nam có 54 dân tộc với non 30 ngôn ngữ và nền văn hóa bản địa khác nhau. Tạm phân làm 5 vùng chính: Văn hóa Việt, văn hóa các dân tộc phía Bắc, văn hóa Tây Nguyên, văn hóa Cham, và văn hóa Tây Nam bộ. Tiếp nhận văn hóa lớn, ta sở hữu đến ba dòng văn hóa Đông phương: Đông phương Trung Quốc (Khổng, Lão), còn qua Champa có Đông phương Ấn Độ (Phật giáo và Ấn giáo) với Đông phương-Hồi giáo.
“Có đất nào như đất ấy không”?! (Tú Xương).
Vậy là chỉ cần ổn định chính trị, sau đó tự do – dân chủ, Việt Nam khả năng trở thành cường quốc thứ thiệt, chớ chẳng chơi.
[3] Độc đảng, hay lắm. Để ổn định đất nước, – HDH nghĩ vậy. Tôi cũng nhất trí cao.
Thế nhưng…
Đài Loan đã từng độc đảng rồi tiến lên đa đảng, Hàn quốc đã phải trải qua thời kì độc tài rồi tiến tới dân chủ, để chỉ sau nửa thế kỉ, hai quốc gia này [từng gọi Việt Nam bằng anh] leo lên hàng top của thế giới.
Câu hỏi cốt tủy là, ở GIAI ĐOẠN QUÁ ĐỘ độc đảng, độc tài kia, họ đã CHUẢN BỊ gì?
Còn Việt Nam, đâu là LỘ TRÌNH? – Câu trả lời là: hoàn toàn chưa.
– Chưa ở chống tham nhũng. “Người ta đang quyết liệt chống, không thấy sao” – HDH nói. Nhưng tham nhũng thành quốc nạn không thể chữa trị. Muốn chữa trị tận gốc, và ngăn ngừa nó quay lại ở tương lai, việc làm đầu tiên mang tính quyết định là công khai tài sản quan chức. Hỏi Việt Nam đã làm tới đâu? Và có thể làm nổi không, nếu cứ độc đảng?
– Chưa ở tự do báo chí, để dân biết dân bàn dân kiểm tra;
– Chưa ở tự do tư tưởng, cứ nhìn vào các bài báo mang tư tưởng tự do, các loại sách kinh điển về dân chủ bị gây khó dễ cũng đủ thấy;
– Nhất là chưa cả ở giáo dục. Trong khi ta mãi than dân trí thấp, việc giáo dục ngay từ cấp Tiểu học hầu trang bị cho thế hệ tương lai Việt Nam đủ trình độ “tự do dân chủ” hội nhập thế giới trong vài thập niên tới, ta vẫn chưa.
Giai đoạn quá độ, dân [và cả tôi] có thể chấp nhận sống kham khổ, chấp nhận hạn chế về tự do hay nhân quyền, nhưng đâu là CHIẾN LƯỢC VỚI LỘ TRÌNH KHẢ THỂ, để dân [và tôi] có thể TIN? Tin và vui lòng chấp nhận mấy nỗi ấy trong giai đoạn nhất định?
[Cá nhân Sara chẳng hạn, quỹ thời gian còn 31 năm, nếu chịu độc đảng, độc tài thêm 30 năm, tôi còn nguyên một năm được thở không khí dân chủ, tự do để còn về báo cáo ông bà!]
[4] “Thể chế này cũng có cái dở, nếu ta nói phải, biết nói thì Đảng sẽ nghe rồi từ từ khắc phục” – HDH nói thế. Chắc không?
Chả cần tìm chứng cứ đâu xa, cứ soi vào gương sáng nhà văn Nguyên Ngọc với giáo sư Chu Hảo, là thấy ngay. Người là cha đẻ “anh hùng Núp”, với tiểu thuyết Đất Nước Đứng Lên ngồi chễm chệ sách giáo khoa cho học sinh, sinh viên tụng suốt mấy chục năm; kẻ Chánh Văn phòng Chương trình Quốc gia phát triển Công nghệ Thông tin, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ – đâu phải chuyện đùa. Còn tuổi Đảng thì miễn nói.
Vậy mà chỉ mới lên tiếng góp ý, hay “phản biện” – thứ phản biện hiền lành đến nhà văn Phạm Thị Hoài gán cho cái cụm từ “phản biện trung thành” – mà còn bị đòn tả tơi hoa lá. Huống hồ anh – luật sư HDH mà lí lịch phản động tam thừa!
Cứ cho ba anh đều trí thức ngang nhau, thiện chí muốn đất nước tiến bộ như nhau, hỏi Đảng tin ai hơn, khi quý ông nói THẬT, nói TRÚNG?
P.S.
Tôi đã thử xem khoảng mươi video clip của HDH, và chừng ấy từ những người “phản biện” anh. Có hai điểm hơi vô ích:
– Tố cáo anh PHẢN BỘI LÍ TƯỞNG thế hệ cha chú, và cả của chính anh. Tại sao một người không có quyền thay đổi chính kiến, khi thấy lí tưởng cũ của mình sai?
– Cãi nhau về QUÁ KHỨ, như lá cờ, “cướp chính quyền” năm 1945, vi phạm Hiệp định Genève hay Hiệp định Paris, hoặc vụ Hoàng Sa, vân vân. “Cãi nhau” kiểu này đến tết Marocco chưa chắc đã xong!
+ Tút này, tôi xuất phát điểm từ HÔM NAY, bây giờ để bàn về tương lai chính trị Việt Nam, và xã hội Việt Nam ngày mai.
Tham khảo.
BỐN NGỘ NHẬN THƯỜNG THẤY VỀ DÂN CHỦ [tóm tắt ý Vi Yên]
Dân chủ không phải là tấm thảm thần; Dân chủ không đồng nghĩa với tăng trưởng kinh tế; Dân chủ không có nghĩa là quản trị tốt; và Dân chủ không hẳn mang lại ổn định.
Trần Xuân Bách thêm:
“Dân chủ không phải là ban ơn, không phải là mở rộng dân chủ hay dân chủ mở rộng. Đó là quyền của dân, với tư cách là người làm nên lịch sử, không phải là ban phát, do tấm lòng của người lãnh đạo này hay người lãnh đạo kia“, do đó: Dân chủ, phải đấu tranh đòi thì mới có.”
Vậy rốt cuộc dân chủ đem lại cho ta điều gì? Đây là 3 mối lợi chính mà thiết chế chính trị dân chủ mang lại:
[1] Nó cho phép cạnh tranh hòa bình trong việc hình thành chính phủ và ảnh hưởng đến chính sách công;
[2] Nó có thể giải quyết các xung đột kinh tế và xã hội thông qua các thủ tục thông thường (tranh luận, thỏa hiệp, biểu quyết và bầu cử chứ không phải là bạo lực hay đảo chính);
[3] Trong một nền dân chủ thì chính quyền đại diện cho lợi ích rộng rãi của người dân.
Không như chế độ độc tài, chế độ dân chủ có khả năng điều chỉnh các quy tắc và thiết chế của nó thông qua đồng thuận khi hoàn cảnh đòi hỏi. Nó có thể không tạo ra tất cả các kết quả tốt ngay lập tức nhưng nó để ngỏ mọi cơ hội để thay đổi. Đó là điều mà không chế độ độc tài nào làm được.