[trích Tự truyện Inrasara, chương 8]
1. Nói để làm gì?
Ít người biết Cham là gì, hiểu văn hóa văn minh Cham càng ít hơn nữa. Cả với các dân tộc sống trên đất nước Việt Nam. Nói, để người ngoài hiểu Cham. Như Dự án Nhà máy Điện hạt nhân, dù không hi vọng Chính phủ thay đổi, tôi vẫn nói. [Sau này Dự án có ngưng là từ nguyên do nào khác].
Tại sao? Nói, để Cham, Việt Nam và thế giới biết:
[1] Cham là dân bản địa, sống ở đây hơn 2.000 năm;
[2] Có đến nửa dân Cham đang sinh sống ở Ninh Thuận;
[3] Và hơn 100 di tích văn hóa – tín ngưỡng Cham nằm trong vùng ảnh hưởng.
Nói để giải tán ngộ nhận về “sắc tộc man di sống trên rừng núi”, về “bán thuốc nam dạo thôi miên lừa người”, để phản bác một hư cấu về mật mã phi-lịch sử kiểu “hội kín tà giáo” từng tồn tại trong văn hóa Champa, vân vân.
Nói, không phải để sự việc chìm xuồng, mà dẫn tới làm. Hiện tượng đốt nhang trong tháp, do nói mãi và “tới cùng”, vụ việc mới chấm dứt. Nếu không, nó lặp lại, và ta cứ hát lại.
2. Giới hạn của tôi với tư cách trí thức
Cham không có NHÀ BÁO đúng nghĩa, là một thiệt thòi lớn. Tình thế bắt buộc, tôi vào cuộc. Dẫu sao lên tiếng ấy chỉ với tư cách trí thức đơn lẻ, chứ không là tổ chức. Ngay cả Tagalau, tôi chỉ gọi nó là “tuyển tập”, chứ không phải tạp chí, bởi tạp chí thì phải có tổng biên tập.
Ý hướng đơn lẻ, thế nên ở vụ nào bất kì, tôi không lôi kéo ai vào, dù tốt hay xấu.
Kí tên vào Kháng thứ phản đối Dự án Điện Hạt nhân, biết – tôi kí, chứ tuyệt không rủ rê bất kì ai làm theo, dù là bạn hữu hay con cháu trong nhà. Hoặc khi bị CPK xuyên tạc, dù khối người nhà đủ khả năng viết, không ai viết biện minh cho tôi, vì đơn giản: tôi không khuyến khích họ làm thế.
Lên tiếng là bổn phận trí thức, như nhiệm vụ của chó là, sủa.
Xong cuộc Ghur Raneh, tôi nói với bà con và ‘Halau Janưng’: Đừng kể công Sara. Tôi chỉ lên tiếng cảnh báo Trung ương, chính quyền địa phương, và cả cộng đồng Cham biết và hiểu vấn đề, vạch lộ trình giải quyết sự việc. Còn việc thành là ở bà con hay bộ phận khác.
Và đây là điểm quan trọng nhất, tôi chỉ là nhà văn độc lập, hoàn toàn không vai trò trong chính quyền hay tổ chức. Tôi quan niệm, nhà văn là kẻ phơi mình trước công chúng. Không tổ chức, không phe phái, không tài sản, hắn chỉ có CHỮ bảo vệ mình.
3. Hiệu quả từ dám nói
“Có nói cũng chả tới đâu”, là lối nghĩ tiêu cực. Là chưa đánh đã hàng. Qua thực tiễn NÓI, tôi nghĩ ngược lại. Trả lời Đài RFA: “Nếu trí thức Cham không sợ những điều không đáng sợ, họ sẽ làm được nhiều việc”.
Im lặng đã từng để lại hậu quả thế nào với cộng đồng Cham, tôi đã dẫn nhiều chứng cứ, nay xin đưa ra 5 hiệu quả từ NÓI.
Về cá nhân Inrasara, hơn 10 lần tôi lên tiếng buộc báo chí xin lỗi, đính chính và rút bài, khi họ viết sai về tôi, hoặc về văn hóa Cham.
Về bài viết. Ở “Sự cố Văn hóa Nguyễn Thành Thống”, nhà nghiên cứu này từ nhận thức sai lầm, đã “miệt thị” (chữ của Trà Vigia) hầu hết trí thức Cham. Tôi viết bài dài minh giải và phản bác, sau đó có 4 người nữa tiếp lời. Cuối cùng ông đã SỬA.
Về tác phẩm nghệ thuật. Thấy phim “Tiếng Trống Paranưng” có vấn đề, cánh trẻ lên tiếng, và phim bị cho nhập kho.
Về xã hội. Vụ tiêu cực ở Trường Nội trú D.T. Ninh Phước, tôi và anh chị em nói trên mạng, ông Hiệu phó bị đổi đi nơi khác, để giữ chức… lớn hơn.
Bao nhiêu điểm sáng như thế, vậy sao không nói?
4. Nói, còn để làm bài học kinh nghiệêm
Mùa Thu 2018 trên website Inrasara.com, tôi nêu vụ các sinh linh Cham bị sát hại oan uổng suốt thế kỉ XX, thì một vị trí thức Cham can ngăn đầy thiện ý, rằng chuyện nhạy cảm. Ông bảo ông là người chứng kiến, biết rõ ngọn ngành, và ông sẽ viết. Viết cho con cháu đọc, và hiểu.
Tôi hỏi, sao lại phải thế chứ. Ta sống hôm nay, thì hãy lo cho con người của hôm nay. Đợi ngày mai, thì bao giờ cho tới ngày mai?
Sinh linh Cham chết oan, bởi nhiều nguyên nhân khác nhau: Từ cáo giác lẫn nhau do tư thù cho đến sai lầm về chiến thuật ở tầm vĩ mô, từ ngẫu nhiên lịch sử cho đến sự toan tính cá nhân. Cần nêu chúng ra, để ta có bài học kinh nghiệm.
Không học NGAY hôm nay, thì đến bao giờ học?
Quan trọng là ta nói thế nào. Ở đây tôi đặt cái tít: HIỂU ĐỂ GIẢI SÂN HẬN. Nói lên để biết, để nhớ, và dứt tiệt căm thù. Để sống, yêu thương và sáng tạo.