TÔI ‘NGAK’ XÃ HỘI-1. Mở

[trích Tự truyện Inrasara, chương 8]

“Tôi nghĩ các cán bộ là người dân tộc thiểu số hay người Việt đang công tác ở vùng đồng bào dân tộc, cần nắm vững chính sách dân tộc của Chính phủ. Nắm vững và dũng cảm thực hiện mà không ngại bất kì thế lực nào, miễn mang lại lợi ích thiết thực cho cộng đồng. Như thế, nếu không sợ những điều không đáng sợ, giới trí thức Cham vẫn có thể làm nên nhiều chuyện”.

Đó là đoạn văn đăng trang nhất tạp chí Văn hóa Dân tộc, số đầu năm 2006. Tinh thần đoạn văn định hướng mọi hoạt động xã hội của tôi.

Năm ngoái, một anh rất tự tin trước mặt tôi rằng, vụ Ghur Raneh nếu không có anh thì không thể xong. Nữa, giữa mùa đại dịch Covid-19, một bạn trẻ kể với tôi có anh chàng tuyên rất to là, Dự án Điện hạt nhân Ninh Thuận ngưng do anh quyết liệt đấu tranh.

Hệt “con ruồi đậu trên thành xe và kêu với các bạn ruồi ta đã quậy lên bao nhiêu là bụi đường”, như tục ngữ Pháp.

Ta tự huyễn và chết với cái huyễn kia một ngày không xa. Sự thật khác cơ, mà nếu có chăng nữa, khôn hơn là nên… giấu đi.

Có thế thôi đâu, lắm lúc ta còn hành xử cực “anh hùng”, hay phát ngôn như thể ta “lãnh tụ” sẵn sàng thư đến lãnh tụ. Ta không biết ta là ai, họ là ai, nên không nhận biết đâu là điểm dừng. Tội!

1. Thế nào là “làm xã hội”?

Không biết Bà Trời bố trí thế nào, từ thuở hiểu đời, tôi khuynh hướng đi tu.

Lần đầu thu xếp lên Ia Kati vùng núi Chà-bang với anh rể đang rẫy trên đó, không xong. Lần hai đi thật, ở Nha Trang chưa đầy ba tháng, bị cho xuống núi.

– Nhìn vào mắt con, thầy biết con còn nặng nợ đời lắm, – thầy trụ trì nói.

Thế là tôi xuống, và ‘ngak’ xã hội. Tôi không dùng chữ “đấu tranh”, mà “làm xã hội” – như Cham thế hệ trước hay nói. Tôi làm gì?

Lên tiếng từ chuyện quốc gia đại sự như Formosa, Dự án thép Cà Ná cho đến vụ việc cộng đồng Cham. Ở Cham, từ chuyện lớn như Vụ Tranh chấp đất đai Ram, vụ Ghur Bini, hay Kiều Minh Vũ ở Cwah Patih cho chí chuyện nhỏ: But Boh Dana, Đốt nhang trong tháp, hay chuyển CMND từ Tôn giáo Bà-ni sang Đạo Hồi, và cả vụ nhí như sinh linh Cham nào đó bị thương hay mất tích.

Lên tiếng từ rất sớm, ngay đầu thập niên 1980, khi cùng thầy Nguyễn Văn Tỷ thư lên Trung ương giải minh về Trường Pô-Klong, Nhà Vãng lai Cham, Trung tâm Văn hóa Chàm. Và, cho đến hôm nay.

2. “Ta” là ai?

Lên tiếng đánh động dư luận chú ý, gặp gỡ các bên – tôi không xem phía bên kia là đối thủ, mà là đối tác, để trao đổi để tìm hướng đi tốt nhất có thể, chứ không “đấu tranh” triệt hạ. Tại sao? Bởi tôi biết tôi là ai.

Tôi là Cham – một sinh linh mất nước, nay là công dân của đất nước Việt Nam Xã hội chủ nghĩa, đang sống giữa cộng đồng Cham thiểu số, “và thiểu số giữa lòng thiểu số” (thơ Inrasara). Không bằng cấp, không đảng viên, không chức vị – tôi hiểu “mạng cùi” của mình. Thế nên tôi tự khuôn định phạm vi lên tiếng của mình ở ba mục, đó là:

– Dân sinh: làm sao Cham sống sót trong thời đại nhiều biến động này;

– Dân tình: sống hòa thuận với nhau, hòa đồng với dân tộc Việt Nam;

– Dân trí: Cham hiểu vị thế và bản sắc mình, hiểu Việt Nam và “thế giới”, từ đó nỗ lực học để có sáng tạo mới đóng góp cho nhân loại.

Nếu tôi có lên tiếng về môi trường, là để Cham cùng các dân tộc trên đất nước hình chữ S này được sống sạch, cạnh đó là đấu tranh cho cái mới, cái tiến bộ của văn học nghệ thuật.

Ngoài ra không gì khác.

3. “Họ” là ai?

Muốn đối thoại, song thoại và tương thoại, cần phân định rõ ‘drei’-ta và ‘nhu’-họ.

‘Drei’-ta và ‘nhu’-họ ở đây phải được hiểu theo tinh thần Ariya Glang Anak, trong tương quan vừa đấu tranh vừa hỗ trợ để cùng tồn tại.

“Họ” có thể là chính quyền sở tại (vụ Đàng Ngọc Thủy);

Cũng có thể là trí thức (Sự cố Văn hóa Nguyễn Thành Thống) hay nhóm trí thức (Vụ 23 nhà khoa bảng), là nhà báo trong nước (Vụ Phan Lực viết trên báo Phụ nữ Thành phố) hay ngoài nước (như Sự cố giáo sư Quyên Di về Huyền Trân Công chúa);

“Họ” cũng có thể là một cá nhân hay tổ chức (vụ Yeah-1 của Chị Thám Tử-7);

Không chỉ với “họ”, cần thiết “ta” cũng biết đấu tranh với chính xấu ác, sai lầm của chính “ta” (Vụ “Đảng đào tạo nhà văn Cham”).

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *