[trích: “Tôi buôn bán”]
Dối trá tràn lan, ở đủ cấp, trong mọi thành phần, thuộc mọi khu vực.
Từ chợ búa đến đường phố. Bệnh viện hay trường học. Gia đình hay cơ quan công quyền. Báo giấy và báo hình dối trá, hội thảo và hội nghị cũng dối trá tuốt. Văn chương, chánh trị, báo cáo hành tích, nghị định nghị quyết, tất tần tật.
Nói mà không làm, dối đã đành; làm qua loa, làm cho có cũng là dối trá.
Dối người và dối mình. Dối chính con cái mình, học sinh mình, khách hàng mình, đồng nghiệp mình, dối cấp dưới và cả thượng cấp của mình.
Dối trá trắng trợn, dối trá không biết xấu hổ. Dối trá, và tin vào dối trá của nhau, tin thiệt hay giả vờ tin cũng vậy. Để tồn tại, để ngồi lên đầu thiên hạ. Để tiếp tục sống qua và cùng dối trá.
Ta biến xã hội thành một tập thể dối trá khổng lồ.
Làm sao không dối giữa một thế giới dối trá? Câu trả lời:
– Hiểu, khởi đầu từ CÁ NHÂN, ngay trong NHÀ, và cần đến một BẢN LĨNH lớn!
“Không biết nói dối không buôn bán được, cứ giữ thật thà không ra ngoài được” – thói thường nghĩ thế. Tôi thì khác.
Buôn bán, tôi tuyệt đối không dối khách hàng. Mở tiệm tạp hóa bán cho bà con Cham không dối, lập Cty bán thổ cẩm cho người ngoài thì càng.
Duy nhất một lần tôi “dối”. Trưa, từ Đại học tôi chạy qua shop ở Thương xá TAX phụ cô bán hàng. Hôm đó tôi đã bán cho bà Tây tấm “silk”. Bà cầm nó lên, thích, hỏi có phải silk không? Tôi bảo: oui! Bà trả tiền, merci tôi, rồi hồ hởi đi ra. Được mươi phút, tôi mới sực nhớ silk phải là vải tơ tằm, đằng này thói quen dân Chakleng kêu tấm dạng này là “silk”, mà thật nó chỉ là tơ nhân tạo. Bà đã đi xa, tôi không biết đàng nào mà chữa. Bây giờ nhớ lại, vẫn còn nghe xấu hổ.
Một trải nghiệm nhớ đời! Tôi nhắc đi nhắc lại người nhà tuyệt đối KHÔNG nói dối.
Nhưng rồi bà xã vẫn cứ… dối.
Cái túi thổ cẩm giá thành 50k, bà xã nói thách 80k, khách trả lần hai, lần ba còn 45k. Bà xã kêu: Vốn em 60k rồi, nhưng rồi cuối cùng lại bán 55k.
Út nói: Mẹ làm chi cực thế! Lãi chả bao nhiêu, mà còn bị mang tiếng xạo. Xạo với khách, xạo trước mặt con, cả trước mặt cei nữa. Thế khác gì ta tự khai là bán lỗ. Mà mẹ có lỗ đâu…
– Buôn bán phải thế thôi con…
Dối như là thói tật phổ quát của lối buôn bán đặc trưng Việt Nam, khó bỏ.
Tôi thì khác. Giá thành 50k, tôi kêu 70k, nếu khách nhì nhằng quá thì, thôi bớt cho chị 4k gọi là vui lòng nhau. Được lãi cao hơn lối bán của bà xã vừa sướng cả đôi!
‘Một lần bất tín, vạn lần bất tin’ – là châm ngôn buôn bán của tôi. Từ đó tôi thành công… lớn.
Nửa tháng làm “Không gian Văn hóa Cham” tại Hà Nội, tôi dặn bà xã chỉ trưng thổ cẩm Cham thôi. Bà xã ham, bày luôn hàng vài dân tộc khác. Có ông Tây cầm lên một tấm, mua, luôn miệng xuýt xoa – người trực quầy kể. Té ra nó là của Lào. Tôi biết chuyện thì ông đã đi xa. Chỉ vì tham mà thành dối.
Hai vị khách đó chắc chắn sẽ biết sự thật. Họ nghĩ gì về Cty Inrahani? Lớn hơn – nghĩ gì về Cham?
Không đáng xấu hổ sao!