TÔI LÀ MỘT ORAL HISTORIAN SỬ GIA TRUYỀN KHÂU

Mây năm trước tôi tự nhận “Tôi, kẻ kể chuyện”. Vừa qua, đầu mùa dịch Covid-19, tại quán Văn Thânh, Hoa Dang Nang kêu: Anh Sara đích thị nhà Oral History. Tôi nghĩ nó khá hay, nên vui lòng nhận. Và tặng tút này cho bạn, để karun.

*

1. Tôi thích nghe kể chuyện, và là kẻ kể chuyện.

Thuở tiền-xà lỏn, tôi hay theo mẹ qua nhà ông Klơng Phaic ở giữa làng nghe ông kể chuyện. Nửa chừng là nằm co lên chiếc chiếu xe trải giữa sân, ngủ. Trẻ con mà, nhưng không thể không đòi đi. Bận sau, tôi hứa không ngủ, mẹ chiều, rồi mãi thất hứa.

Lớn lên, tôi kể chuyện. Mênh mông chuyện. Không chỉ truyện cổ như các cụ Cham, mà còn là lịch sử, huyền sử, chuyện đời thường đủ loại. Kể theo kiểu tôi.

Vượt lên trên nhà sử học, nhà văn kể chuyện… như một nhà văn.

Ngay từ đầu Trung học Đệ Nhị cấp, tôi đã lang thang qua các làng, kể chuyện. Ngồi xếp bằng trên chiếc chiếu dài, xung quanh là bạn học và sinh linh Cham đủ lứa tuổi, tôi kể liên tu bất tận.

Viết, với tôi cũng là một cách kể. Tiểu thuyết Chân Dung Cát hay Hàng Mã Kí Ức đã đành, ngay cuốn khảo luận như Văn học Cham khái luận cũng là một cách kể. Chị Liêm giám đốc nxb Văn hóa Dân tộc TPHCM hồi đọc bản thảo, đã la lên:

– Trạm viết nghiên cứu mà như tiểu thuyết, văn phong cuốn hút kì lạ. Cuốn hút, nhưng không phải vì thế mà rời bỏ tính khoa học. Cứ đọc bài tôi phản bác sử gia tiến sĩ Nguyễn Văn Huy ở Đại học Paris VII, cũng đủ thấy – không cách nào cãi lại được nửa mảnh.

Diễn thuyết trong và ngoài nước là kể. Như Glang Anak dặn:

Đom kanal bloh đôm’: “nhớ nằm lòng để kể”.

Rồi khi lập website Inrasara.com năm 2007, sau này FB Inra Sara 2013, tôi càng rộng đất để kể. Mỗi ngày từ 1 đến 3 bài/ tút. Đủ thứ chuyện Cham.

2. Tôi kể gì? Và để làm gì?

Hơn chục sinh linh Cham bị Việt minh giết oan, nhiều Cham biết, ông thầy thân yêu của tôi biết, nói với giọng buồn buồn:

– Đến lúc nào đó thầy sẽ viết cho con cháu đọc. Tôi bảo:

– Sara sẽ viết ngay bây giờ. Bao giờ mới gọi là “phải lúc”, để kể. Kể, cho hai bên cả Việt lẫn Cham biết, mà giải sân hận.

Vụ Tranh Adhya, tranh Dân biểu, xung đột Bà-ni Islam… tôi cho vào tiểu thuyết. Đưa anh bạn thân đọc, hắn kêu:

– Sao lại đi kể mấy tiêu cực đó ra cho Yuôn khinh mình? Tôi nói:

– Kể, để Cham thấy cái tai hại của quá khich, ích kỉ, cục bộ mà rút kinh nghiệm.

Vụ bắn trâu ở Cambodia, “lãnh đạo” có 27 mạng và không [được lệnh] đánh trận nào mà tiêu mất đến hơn chục mạng, kể – để Cham hiểu mà học biết khôn ngoan hơn.

“Chiến trường Akhar thrah” làm nát bấy cộng đồng Cham, kể – cho Cham bớt ngu đi.

Trường Pô-Klong, đặc san Tagalau, Cham quản lí quận riêng Cham, kể – để Cham thấy cái hay, cái tốt chính là thành quả từ đồng lòng đồng dạ.

Thời hiện đại, bạt ngàn sự cố sự kiện xảy ra, tôi [và anh chị em Cham] nhập cuộc giải quyết; thành công có thất bại cũng có. Vụ Kiều Minh Vũ, Tranh chấp đất đai Văn lâm, Dự án Điện hạt nhân, Ghur Raneh, Kut Boh Dana, Trường Nội trú Dân tộc An Phước, vân vân. Kể, để Cham rút kinh nghiệm sống, và tiếp tục đấu tranh.

Và cuối cùng, kể để Cham biết mình là ai, ở đâu.

3. Văn chương hay lịch sử truyền khẩu bổ khuyết cho sử chánh thống, làm đầy khoảng thiếu hụt của nó. Món chánh thống đóng thùng thắt cà-vạt ấy tưởng ghê lắm, cũng chả hơn gì Oral History. Cứ đọc vụ Huyền Trân Công chúa ở Đại Việt Sử kí toàn thư, là hiểu.

Mấy góc khuất với bao phần chìm nơi vùng miền không sử gia nào chạm tới, chỉ nghệ sĩ lớn mới khả năng lặn sâu xuống và nắm bắt được. Ở đó đầy tràn hơi thở của con người, hữu danh và vô danh, người làm lịch sử và kẻ chịu đựng lịch sử, thượng tầng lẫn hạ tầng…

Chuyện kể ấy qua tay thiên tài, có thể làm thay đổi cách nhìn, về nhân vật lẫn sự kiện lịch sử. Hắn dẫn độc giả phiêu lưu vào những tầng miền bất khả đoán, mà vẫn đảm bảo sự khả tín.

Khác với sử gia cố gắng thuyết phục kẻ tiếp nhận thông tin qua nhận thức, nhà văn đánh thẳng vào con tim người đọc, lay động họ tận thẳm sâu vô thức, dựng họ dậy buộc họ tỏ thái độ.

Hiểu quá khứ để đóng lại quá khứ, thế hệ sắp tới của Cham đối mặt với cái xa lạ, hắn học yêu cái chưa biết và đam mê cái chưa có. Mục tiêu hắn hướng tới là tác phẩm tương lai còn chưa định hình.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *