CÓ MỘT SINH LINH CHÀM MÌNH BẮT ĐẦU LÀM KHOA HỌC NHƯ THẾ!

1. Nguyên tắc

Tôi chưa nửa lần gặp Putra Podam. Có thể gặp đâu đó loáng thoáng, nên nếu có gặp lại, tôi khó nhận ra. Tôi càng chưa đọc dòng chữ nào, nói chi công trình nào đó của anh – nếu có.

– Nhân loại tránh tối đa bàn về tôn giáo khi 2 bên ở phía đối nghịch. Sara-tôi là đứa con Cham Ahiêr Awal, Putra Podam đạo gì thì tôi không quan tâm (còn chuyện có hay không anh “viết theo đơn đặt hàng” để “cổ súy” cho cái gì đó như Xuan Bao đặt dấu hỏi, thì tôi không biết được).

– Tôi không đấu tranh VỚI Cham, mà CHO Cham. Putra Podam là Cham, thế nên, tôi từ chối đấu tranh VỚI. Nói là nói GIÚP, nói CHO anh, và Cham.

2. Hai lỗi tư duy

Lần đầu tiên và duy nhất tôi biết nick Putra Podam, khi Jabaol Campa còm trên FB tôi có dẫn câu của anh: “Chăm bảo tồn không xong, nói chi sáng tạo”, tôi đã còm trả lời bạn trẻ này, rằng: Đó là phát ngôn không hiểu mình nói gì.

Tôi lấy ví dụ gần nhất: Cham thời hiện đại, cùng địa phương nhỏ, gần như cùng thế hệ, vậy mà Đàng Năng Thọ thuần sáng tạo, Văn Món thuần nghiên cứu, Inrasara thập cẩm: Sáng tác, nghiên cứu, phê bình và diễn thuyết.

“Chăm bảo tồn không xong, nói chi sáng tạo” là lối phát ngôn cẩu thả do lỗi tư duy[1], lỗi này xuất phát từ THIẾU THÔNG MINH TÂM HỒN.

Lần thứ hai vào sáng 21-1, vài bạn trẻ nhắn tin tôi nên đọc anh phản biện tôi. Tôi vào đọc thử, và cố đọc hết bài, dù nó dài ngoằng. Đến đoạn này, thì… xỉu:

“Chăm ngày nay có rất nhiều nhà nghiên cứu và có kiến thức sâu như TS. Sakaya, TS. Phú Văn Hẳn, TS. Bá Trung Phụ, TS. Putra Podam, TS. Basiron,… Tại sao Inra Sara trước khi đi thuyết trình mà không tham khảo ý kiến hay gửi bài cho anh em đọc để đóng góp ý kiến”.

20 năm qua, tôi có hơn trăm buổi diễn thuyết trong nước và quốc tế, về: Văn học – sáng tác lẫn lí luận phê bình; Hải sử và văn hóa biển Cham; về Triết học, Điện hạt nhân, Môi trường, vân vân.

Tôi là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, sắm vai Phó Chủ tịch Hội đồng Thơ một nhiệm kì, thế là trước mỗi diễn thuyết về văn học, Sara-tôi phải chạy đi báo cáo với xin ý kiến Hữu Thỉnh, hay nhà phê bình nào của Hội sao?

Chớ thuyết về Điện hạt nhân hay Môi trường, tôi xin ý kiến ai đây? Mèng ôi!

Lỗi tư duy[2] này xuất phát từ TÂM THẾ NÔ LỆ kiểu “báo cáo anh” của lối tư duy xã hội chủ nghĩa! Đào tạo dưới mái trường XHCN thì phải vậy, nếu bạn không có sự dũng cảm tâm hồn để vượt qua nó.

3. Cụ thể

Nguyên tắc là vậy, còn cụ thể, thử nêu 1 vụ.

Minh Triết Cham viết rất rõ, mỗi phát ngôn về Cham phải đặt trên kiềng 3 chân, mới có gì đó giá trị: [1] Truy tìm nguyên gốc, [2] Cham thể hiện nó ra sao, và [3] Cham hiểu và diễn ngôn nó thế nào.

HAUMKAR là một ví dụ. [1] Cham nhận ảnh hưởng từ Ấn Độ, [2] Cham biến hóa nó thành của riêng Cham, và [3] Cham giải thích nó theo kiểu Cham.

Từ tượng chữ và tượng âm của Ấn, Cham biến hóa đầy sáng tạo thành tượng hình và tượng số, là một CÁCH MẠNG NHẬN THỨC. Trong khi các dân tộc khác không làm thế.

Putra Podam chỉ mới biết 1 mà không biết 3. Và anh tự tin với cái 1 ấy – một tự tin biểu hiện tâm thế NÔ LỆ kiểu khác: Cứ bám lấy cái GỐC, mà không dám và không thể sáng tạo. Truyền thống Cham khác cơ!

Hệt chuyện đòi hỏi trước khi đi diễn thuyết phải “báo cáo anh”! Ông Inrasara càng khác nữa.

Về Tôn giáo Bà-ni, Putra Podam viết:

“Bani là tôn giáo Độc Thần. NHƯNG, tín ngưỡng Bani có thể là đa thần.”

Nhìn bề ngoài thi đúng, một cái đúng rất ư lí thuyết suông. Nhưng Cham có thế đâu! Cứ xem các lễ Cham Ahiêr Awal cũng đủ thấy, cả hàng trăm Damnưi được xướng trong các lễ ấy nữa.

Ở Cham, tôn giáo và tín ngưỡng hòa quyện bất phân li. Cham gốc thờ YANG, Cham Ahiêr thờ cả lẫn Yang, Cham Awal thờ . Ahiêr Awal thờ PÔ YANG (thờ phụng và cúng tế = Mưliêng Kanư).

Ahiêr Awal là một TÔN GIÁO-TÍN NGƯỠNG đặc thù, và vô cùng độc đáo. Chính là Tôn giáo Ahiêr Awal, hay Champa giáo!

Cặp đôi từ ‘Ahiêr Awal’, ‘Cham Bini’, ‘xa-ai Cham adei Bini’… xuất hiện với tần suất rất cao trong đời sống ngôn ngữ lẫn văn chương Cham.

Chức sắc Cham ‘Bà-la-môn’, Cham gọi là Halau janưng Ahiêr; chức sắc Cham Bà-ni là Halau janưng Awal; còn chức sắc phục vụ hai bên Cham gọi là Halau janưng Ahiêr Awal! – Rất tuyệt!

Phát ngôn trên chứng tỏ Putra Podam hoàn toàn THIẾU THỰC TIỄN XÃ HỘI Cham.

3. Kết

Tôi có 2 lời khuyên & 1 bài học gửi đến Putra Podam.

[1] Bạn hãy bỏ công sức làm công trình tầm cỡ như Văn học Cham đi – một công trình mang tính mở đường vừa bao quát vừa chuyên sâu từng giật bao nhiêu giải thưởng lớn. Cho thế giới biết đến bạn, và ngưỡng mộ văn hóa Cham, chớ nên KÍ SINH vào loài cổ thụ, để vươn lên.

[2] Bạn đẩy Sara và Thành Phần về một phía, các sinh linh còn lại về một phía. Là thứ TINH THẦN BÈ NHÓM, rất ẹ.

Nữa, Putra Podam viết: “có chăng xã hội Chăm ngày nay một vài cá nhân luôn luôn cho rằng mình là tất cả, mình là trên hết” – là bạn đang tái bản phim bộ TẠI SAO MẦY GIỎI HƠN TAO rồi…

Chưa rời bỏ hai thứ kia, bạn khó có thể lớn.

[1] BÀI HỌC

Thu lượm được kiến thức là một chuyện, còn phương pháp luận và tư duy là chuyện khác. Thiếu tư duy nền tảng dẫn đến tủn mủn, bạn hỏng hóc là cái chắc.

Sara không bằng Đại học, không Đảng viên, không chức vị học vị học hàm. Sinh linh Chàm ấy vô số lần được các tổ chức uy tín mời chủ trì, nhiều năm liên tục được mời làm giám khảo hai giải thưởng Nghiên cứu lớn tầm quốc gia, khối bận Đại học và cơ quan “quốc tế” mời nói chuyện, là việc của họ chứ không phải vấn đề của tôi!

Còn tại sao họ mời đích danh Inrasara, bạn hãy tìm mà hiểu.

Lúc Viện Mĩ thuật mời tôi tham luận Hội thảo “20 năm Đổi mới Mỹ thuật’ 2006 (Sài Gòn 5 người), cả khi 11-2019 Viện Goethe và Liên hiệp Châu Âu mời Inrasara dự “Nghệ thuật trong Không gian công cộng” (Sài Gòn 2 mạng), tôi hỏi:

– Không phải chuyên môn, tôi tham dự có giúp ích gì các bạn không?

Họ trả lời:

– Chúng tôi không mời chuyên môn (dân chuyên môn chúng tôi có thừa), mà là Ý TƯỞNG INRASARA.

Đánh giá một con người là ở TẦM TƯ DUY & HÀNH ĐỘNG, chứ không phải chuyên môn, dù chuyên môn không phải không cần.

Lời CUỐI

Phản biện cái phản biện của Putra Podam thì dễ ợt. Dẫu sao vì anh là Cham, tôi tạm đưa 2 lời khuyên và 1 bài học đầu đời, còn nếu anh không học thì hai đứa đành song ca bài “lần đầu cũng như lần cuối” vậy.

RIÊNG PUTRA PODAM

Tôi thích tranh luận, luôn tạo môi trường dân chủ cho tranh luận. Và tôi đã từng làm được rất nhiều, ở mọi nơi tôi đến. Để có không khí tranh luận cởi mở, lành mạnh và hiệu quả, cần xét đến 3 khía cạnh: Tầm vóc, Tư duy, và Thái độ.

Xét riêng vụ Putra Podam ‘phản biện’ tôi, và đòi tôi tranh luận, nhưng nó CÓ ĐÁNG cho tôi trả lời không?

1. Về TẦM VÓC (rất mong bà con thứ lỗi khi buộc phải hạ mình tối đa để làm cái việc buồn cười này)

– Việt Nam có 25.000 tiến sĩ, trong khi nhà văn [thuộc HNVVN] 1.000 người, vậy là số lượng tiến sĩ đông áp đảo.

Inrasara được cho là nhà thơ hàng đầu, một trong ba nhà văn ảnh hưởng nhất hiện nay.

Putra Podam ở hạng nào giữa 2,5 vạn tiến sĩ?

– Năm 2005, VTV3 bầu chọn Inrasara là Nhân vật Văn hóa của năm [1 duy nhất, nhân vật Thể thao thuộc Đội bóng đá Nữ 3 năm liền Huy chương vàng ĐNÁ]; năm 2012 phía phi chính thống bình chọn Inrasara là một trong 300 Nhân vật Việt Nam thế kỉ XX ở mọi lĩnh vực.

Putra Podam đứng ở đâu trong 95 triệu dân Việt Nam?

Ừ, dù có đứng ở hàng nào cũng có thể ngồi lại nói chuyện được, đằng này…

2. Về TƯ DUY

– Inrasara là nhà văn độc lập, trong khi Putra Podam mang tư duy nô lệ “báo cáo anh”.

– Inrasara là con người sáng tạo tự do, còn Putra Podam mang tâm thế nô lệ [bám vào nguyên gốc để giải thích văn hóa Cham].

Dẫu sao cả 2 mục trên không quan trọng, bởi tôi đã từng trao đổi dân chủ với mọi thành phần và mọi lứa tuổi Cham lẫn Việt. Vấn đề ở đây là thái độ.

3. Về THÁI ĐỘ

– Tôi lớn tuổi hơn Putra Podam, hoàn toàn không quen PP; xuất bản nhiều công trình [được bên ngoài đánh giá] giá trị, nhập cuộc và lên tiếng cho cộng đồng nhiều lần hơn, trong khi PP chưa có miểng nào đáng kể, vậy mà PP đòi tôi XIN Ý KIẾN trước khi đi thuyết trình:

là thái độ trịch thượng.

– Lần đầu tiên nói chuyện với tôi, mà PP viết: “có chăng xã hội Chăm ngày nay một vài cá nhân luôn luôn cho rằng mình là tất cả, mình là trên hết”:

là một lối mỉa mai vô phép.

Hỏi làm sao đòi tôi “trao đổi” nghiêm túc với sinh linh ở dưới tầm rất xa, mang tư duy nô lệ, và có thái độ vô phép như Putra Podam được?!

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *