Giải trí cao cấp. TÔI LÀ CÁI… RỐN

Chủ đề “Tôi là cái rốn” do thi sĩ Khiem Do mở trên tạp chí THƠ (Mỹ) năm 2008, là ý niệm độc đáo, anh chị em văn nghệ góp mặt vui nhộn. Ở đó tôi được dịp chiêm ngưỡng cái rốn thực lẫn siêu thực, rốn lòi, rốn bụng bia, đủ thứ rốn của mọi mọi thi sĩ Việt.

Đó là rốn về một thời chưa xa, rốn trên báo giấy. Rốn ngoài trần gian muôn màu thì khác. Khi báo mạng, nhất là facebook ra đời, ‘tôi là cái rốn’ càng phát bạo.

1. Tôi buồn, tôi chán; tôi giận người yêu, hờn bố mẹ; tôi cảm giác bị bỏ rơi, bị phản bội, vân vân bị. Tôi xả lên face, và tôi nhận về nào là: tội quá, đời là thế, cố lên em…

Tôi mới mở nhà hàng, khai trương biệt thự, tậu cái xế con; tôi vừa sắm bộ mô-đen mới hay tôi đang nằm bãi biển khu resort hạng sang; con gái tôi vừa ôm phần thưởng xuất sắc nhất trường, hay tôi sắp giật giải thưởng cao của một hội trung ương… Tôi livestream hay bấm mấy pô đưa lên face. Tôi nhận được khối ‘live’, ‘love’: Tuyệt vời quá, em xinh lắm em gái iu, ông anh là nhất. Vân vân.

Thế nhưng cái rốn tôi đang ngon lành thì bỗng… những cái rốn khác xen vào.

Bởi mấy cái tôi khác cũng là rốn. Nó lướt qua rốn ta, ném ra vài chữ cảm thán rồi nhanh chóng quay trở lại với cái rốn nó. Hiu hiu tự đắc hay hành thân hoại thể với cái rốn bé tí mà to cồ của mình. Và bỏ rơi ta cô độc với cái rốn của ta!

Ta nghe trống rỗng và lạc lõng biết bao!

2. Tôi cũng là cái rốn!

Giới khác nuôi mình bằng thịt gà, thịt vịt; nhà văn nuôi mình bằng những lời khen – dường Mark Twain mỉa cánh mình đại ý thế.

Tôi là nhà văn, thế nên cái rốn tôi không phải rốn nhà lầu xe hơi, vợ hiền con ngoan hay quen thân người nổi tiếng, rốn làm ăn trúng đậm hay rốn đoạt huy chương to cồ, mà là rốn chữ và nghĩa. Chính xác hơn: chữ nghĩa về cái rốn… tôi.

Ra sách hay đăng một status, mỗi sáng mở mắt, tôi rình mò like với dislike, tôi lượm nhặt khen với chê. Tôi nhướng mắt, nhíu mày hay vỗ đùi cái bốp khoái trá. Lâng lâng hay xót ruột, nặng bụng – tôi đắm chìm trong cái rốn của tôi.

Bên này mắng vốn Cham: Hắn đồng lõa với thế lực công an; bên kia méc Đảng: nó có những hàm ý sâu xa hơn, thách thức hơn, kích động hơn, không khó nhận thấy

Bên này thì… cha ấy chữ Việt chưa rành, tiếng Việt bập bõm; bên kia là… Inrasara nổi lên như một “kỳ nhân” của làng viết, một cây bút phê bình lỗi lạc

Bên này thì… hắn chả đóng góp gì cho văn hóa hay xã hội Chăm cả; bên kia là… Inrasara là ‘niềm tự hào Champa’ là chân dung Chăm của ngày mai

Bên này thì… ông dốt thì lo học đi; bên kia là Inrasara thi sĩ trong câu thơ, học giả trong bài thơ, triết nhân trong tập thơ

Bên này thì… Inrasara muốn trở thành một chủ soái văn nghệ ý đồ lái thế hệ trẻ non dại theo hướng nghĩ của anh; bên kia là… Inrasara siêu thi sĩ, nhà biên khảo kì tài

Bên này thì… chả có bài nào mà ông không khoe khoang mình; bên kia là… Inrasara đã làm thức dậy linh hồn Chăm, văn hoá Chăm

Bên này thì… Inrasara khát vọng phục thù, ước mơ đảo ngược; bên kia là… Inrasara bỏ qua một số bi kịch, đi tìm dung hòa giữa tính phê phán sắc bén và thái độ ung dung thảnh thơi trong đời sống

Bên này thì… bên kia là…

Tôi thu gom, tôi lập hồ sơ về cái rốn… tôi.

3. Làm gì với bao nỗi ấy, tôi và bạn – để cắt cái RỐN kia?

Không ảo tưởng mình phận nhái to con bò, chẳng cảm giác bị bỏ rơi, hay cô độc gì ráo. Hãy mở trừng mắt nhìn thẳng vào nó: cái RỐN ấy.

Ngụ ngôn Thiền hiện đại

CỦA KHÔNG PHẢI LÀ TÔI

Hắn chê đầu tôi hói, tóc tôi không phải là tôi: tôi hiểu hắn không chê tôi.

Hắn chê chân tôi ngắn, chân tôi không phải là tôi: nghĩa là hắn không chê tôi.

Hắn chê thơ tôi dở, thơ tôi không phải là tôi: đích thị không phải hắn chê tôi.

Hắn chê tác phẩm tôi kém, tác phẩm tôi không phải là tôi: chắc chắn hắn không chê tôi.

Áo quần tôi, đầu tóc tôi, chân cẳng tôi, giọng khàn khàn của tôi, thơ văn hay công trình nghiên cứu, phê bình của tôi tất tần tật chúng chẳng phải là tôi.

Tóm lại, […] của tôi không phải là tôi.

Như ngôi sao, như hoa mắt, như ngọn đèn, như huyễn thuật, như giọt sương, như bong bóng, như giấc mộng, như làn mây, như tia chớp… Những gì bị tạo tác trở thành đều phải được nhìn thấy NHƯ THẾ” (bài kệ Kinh Sấm Chẻ, Phạm Công Thiện dịch).

Kết. Vấn đề không phải là bạo động với cái rốn, mà học biết NHÌN CÁI RỐN NHƯ LÀ THẾ!

Tham khảo:

Bên này thì…

PD, tc CPK-2002 mắng vốn Chàm mình: Inrasara đồng lõa với thế lực công an.

VHN, tc Hồn Việt-2007 méc Đảng: Inrasara có những hàm ý sâu xa hơn, thách thức hơn, kích động hơn, không khó nhận thấy.

Mang Viên Long, Vanchuongviet-2008: Inrasara tự cho mình là nhà thơ tiên phong

Đỗ Hoàng, dohoang-2013:  Chữ Việt chưa rành, tiếng Việt bập bõm.

Anh Chi, Nhân dân Cuối tuần-2013: Inrasara coi thường công chúng mỹ thuật ta!

Nguyễn Đình Bổn FB-2014: Inrasara không đóng góp gì cho văn hóa hay xã hội Chăm cả… với chính sách mị dân của giới cầm quyền, những giải thưởng của anh là do cái tên gốc Chăm của anh.

Nguyễn Thành Nhân, FB-2014: Inrasara đã đi quá xa khi muốn trở thành một chủ soái văn nghệ và lái thế hệ trẻ non dại theo hướng nghĩ của anh.

Mới nhất-2019: Addul Karim chưởi Inrasara dốt thì lo học đi!, hay bạn trẻ Cham Inrawira phê Inrasara không biết sinh ngữ mà bày đặt, cứng đầu cãi. Còn Andy Kiều thì chả có bài nào mà ông Inrasara không khoe khoang mình.

Bên kia là…

TMH, Tiền phong: Inrasara nổi lên như một “kỳ nhân” của làng viết…

NVN, Văn nghệ: Inrasara xuất hiện như một huyền thoại…

Hoàng Ngọc Hiến, Thể thao & Văn hóa: Inrasara là một cây bút phê bình lỗi lạc.

TTK, tc Văn Việt: Inrasara đã làm thức dậy linh hồn Chăm, văn hoá Chăm.

Bùi Quang Tuấn-2007: Inrasara là một thiên tài.

Báo Người Hà Nội-2008: Thi sĩ trong câu thơ, học giả trong bài thơ, triết nhân trong tập thơ.

Trần Can, Inrasara.com-2011: Inrasara là ‘niềm tự hào Champa’

[chữ của LM Nguyễn Trường Thăng]

. Anh chính là chân dung Chăm của ngày mai…

Nguyễn Khôi, FB-2016: Inrasara: siêu thi sĩ, nhà biên khảo kì tài.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *