Vanviet.org, 23-12-2019
Biết ơn là một khả năng. Nhiều người đánh mất khả năng ấy, vì muốn biết ơn, bạn cần mở rộng cánh cửa của căn nhà mình, không chút tự vệ. Lòng kiêu hãnh phải giảm xuống đến mức con người đủ sức nhận ra hạnh phúc của họ tùy thuộc vào người khác. Nhiều người không có khả năng hạ mình xuống để mang ơn, họ chỉ có thể ban ơn cho người khác. Tự bộc lộ mình mà vẫn mạnh mẽ, trao đi, cho hết, mà vẫn nguyên vẹn. Hãy nghe Inrasara:
Cho và đi. Cho và đi mất về biển xa.
Dòng sông vẫn ở lại.
Tạ ơn vì biết chúng ta vốn là những kẻ bất toàn:
Ôi! Linh hồn tháng mười
mà giấc mơ được tạc từ bóng hoa dại
đã rụng lâu rồi ở đồi tuổi thơ
đêm nay chợt sáng lên run rẩy
Bài thơ của Inrasara có năng lượng nội tại, xúc cảm lớn, đôi khi hoang dã. Mối giao cảm với sự đau khổ, niềm thương tiếc cái đẹp đã mất, xuyên suốt các bài thơ của anh. Đôi khi anh chạm tới cội nguồn vô thức và khi đó thơ anh là dấu vết của một thế giới khác. Inrasara là tiếng nói của một thế giới bị loại ra bên ngoài dòng chảy chính, bị quên lãng, thậm chí bị ngược đãi. Tất cả những quan hệ trong thơ anh, dù cá nhân đến đâu, vợ chồng, anh em, bè bạn, cũng đều hướng về, hay đặt trong, những quan hệ lớn hơn, của cộng đồng văn hóa. Mặc dù thơ anh cũng nói về cô độc, tôi có ấn tượng rằng Inrasara không phải là nhà thơ của cô độc. Ngược lại, anh hướng tới liên kết, cảm thông, hòa điệu. Một người có cảm giác tri ân đối với cuộc đời khó có thể là một người hoàn toàn cô độc. Về mặt xã hội, thái độ dũng cảm và phong cách nhẹ nhàng, trong bài viết và trong đời sống, làm cho Inrasara trở thành tiếng nói chừng mực, dành được nhiều cảm tình của dư luận.
Trong khởi đầu khó nhọc này
chỉ có vẫy gọi khác lạ
hơn cả vẫy gọi của loài hổ mang biển
hoặc loài ma trơi nhiệt đới
hoặc oan hồn nhà tu khổ hạnh bị chối từ
mới mong một lần đánh thức linh hồn hoang hóa chúng ta.
Đọc thơ không phải là việc dễ dàng. Bạn đọc một bài thơ của Inrasara như đọc một lời cầu nguyện, thậm chí một thần chú. Như khi bạn đi trên đường dài, sợ lạc đường, bạn đọc lớn lên trong tâm trí. Thơ anh có nhiều tính triết lý nhưng không nặng chất duy lý, mà là những suy nghĩ được nâng lên từ cảm xúc. Một trong những đặc điểm là nhiều bài thơ có cốt truyện hoặc có chủ đề hoặc cả hai. Dù anh mô tả nhiều những đối tượng bên ngoài, nhân vật, thời thế, thiên nhiên, suy tư của anh vẫn ít nhiều có tính nội tâm. Tôi ước gì thơ anh có nhiều chất huyền ảo hơn nữa, nhiều chất siêu thực hơn nữa, vì anh sinh ra và lớn lên trong một vùng văn hóa hãy còn cất giấu những bí ẩn tâm linh của dân tộc Chăm. Ngôn ngữ của anh thừa sáng sủa mà lại thiếu mờ nhòe, một đặc tính của các vùng chen lấn, ranh giới, nơi anh thường xuyên qua lại.
Không bên lề
không trung tâm
tôi trú trên đường biên
Không ngoài luồng
không chánh lưu
sống như thể không đường biên
Giữa các nhà thơ đương thời, Inrasara nổi bật như một người đại diện cho văn hóa Chăm (Cham), một nhà phê bình chú tâm đến nhiều mặt của đời sống văn chương hôm nay, một người chịu khó lên tiếng trong những vấn đề thời sự văn học trong nước. Trong những tiểu luận của mình, anh thách thức một số quan điểm chính thống về văn học và văn hóa, phê phán thái độ phân biệt của một số nhà nghiên cứu phê bình, lên tiếng bảo vệ nhiều giá trị văn chương của miền Nam trước đây hay của Sài Gòn bây giờ như một khu vực văn học. Đó là một thái độ trung thực hiếm hoi, cất lên ở vùng công khai, cần ghi nhận.
Inrasara có một chỗ đứng đẹp trong lòng người đọc bắt nguồn từ các truyền thống nghệ thuật Chăm trù mật. Anh có những câu thơ hay, rung cảm:
Sau lễ tẩy trần tháng Tư năm nay
cả con sẻ nhỏ yếu, cái kiến mọn hèn nhất
cũng có đất để sống, để chơi
Đó là thứ điển lễ đầy lòng nhân hậu của người Chăm, của Phan Rang, quê hương anh. Một nhà thơ được định nghĩa bằng những tính cách quan trọng của họ: khả năng tưởng tượng phong phú, sự quan sát sắc bén, suy nghĩ sâu xa, tấm lòng đối với quê hương và di sản dân tộc. Anh làm thơ tự do với thứ âm nhạc kín đáo, không quá xa khuynh hướng cổ điển. Các bài thơ là một sự dung hợp chừng mực giữa thẩm mỹ truyền thống và cách tân. Sở hữu một ngôn ngữ đối thoại mạnh mẽ, những quan tâm xã hội sâu rộng, lối nói hài hước nhẹ nhàng, Inrasara là sự nổi loạn hậu hiện đại hiếm hoi mà công chúng dường như chấp nhận.
Không bình thường chút nào kẻ hai lần mổ thận tại Chợ Rẫy với hai bận tận Sikhiu vẫn cứ chơi rượu gạo như chưa hay chẳng có gì xảy ra
Không bình thường chút nào kẻ 5 ngày học tập cải tạo tại Việt Nam rồi 4 năm nằm trại Thái Lan vẫn cứ Phan Rang đẹp, cuộc đời & tình yêu đẹp hát vào những đỉnh trời
Không bình thường chút nào kẻ giữa trận trường kì ăn độn cứ tìm cho ra gói Jet phả khói trầm tư về cõi h ủy phá & sáng tạo, h ủy phá để sáng tạo, huỷ phá @ sáng tạo, anh chàng Shiva thiên kỉ xưa chịu chơi thế là cùng
Không bình thường chút nào kẻ đào lên lấp lại cơ man lần vẫn ao đất đó không trồng hay nuôi thứ gì cả cho nắng Phan Rang vắt cạn giọt mồ hôi cuối cùng, kẻ bày ra phong thái uống rượu cao cường tiên sinh L ý Bạch sống lại cũng bái phục, kẻ tuyên ngôn người uống rượu lọc bằng thận ta bằng trái tim không hề chịu cũ
Không bình thường chút nào kẻ đột hứng làm chuyến M ỹ Sơn đường về tung bụi mù môi trường văn nghệ tỉnh lẻ đìu hiu banh ngực trần mang cuộc đời vào cuộc chơi nhỏ & lớn, tối & sáng, vô danh hay rền tiếng, kẻ xem nhẹ giải Hội Nhà văn Việt Nam với Nobel, Nhóm Mở Miệng hay Bill Gates được/bị đặt ngang nhau, khinh thường đồng thời tôn thờ tất cả đàn bà con gái
Có một đối lập giữa mong ước của thơ trữ tình, viết về cái riêng tư, tình yêu, và khuynh hướng xã hội thể hiện quan tâm ngày đêm của anh như một người con của dân tộc thiểu số. Đó là đối lập giữa một bên là ý thức chủ quan một bên là lương tâm xã hội. Khi nào Inrasara tìm được cân bằng, bài thơ của anh có động lực, với hình ảnh thuyết phục, sức tưởng tượng mạnh mẽ.
Từ đỉnh đồi cao dòng sông chắt về miền đất quê phù sa để qua từng luống cày khơi dậy mùa hi vọng trên vầng trán anh nông dân mộc mạc.
Rồi băng suốt bước bạo động lịch sử dòng sông vẫn dõi theo từng thế hệ gái trai sinh ra lớn lên chết đi cùng tiếng đập tim của dòng sông.
Là tiếng đập tim của quê hương chuyển dịch dòng máu đứa con đi hoang trở về soi bóng dòng sông và tìm nơi dòng sông chốn trú ẩn chơi vơi của cuộc tình người phiêu lãng.
Và như đứa con phung phá dòng sông lãng phí mình cho cây lá quê hương
(Tặng phẩm của dòng sông)
Một truyền thống hùng mạnh, lãng mạn. Inrasara làm thơ từ sớm nhưng chỉ in tập thơ đầu tay năm 1997, tập Tháp Nắng, khi đã bốn mươi tuổi: anh là người làm việc thận trọng. Thơ anh đoạt nhiều giải thưởng văn học. Trước hết vì anh vượt ra khỏi vị trí của một nhà thơ của dân tộc thiểu số: anh là nhà thơ Việt. Trong phê bình cũng vậy, giữ cân bằng giữa tính đặc trưng địa lý- chủng tộc và tính phổ quát không phải là nghệ thuật dễ dàng. Inrasara viết nhiều trường ca: đó là một ngôn ngữ của tuyên bố và ca ngợi. Ngôn ngữ ấy là hạnh phúc, dù thơ anh không xa lạ với nỗi buồn, đau khổ, dày đặc suy tư, thảm kịch dân tộc. Người đọc ít tìm thấy ở đó những vết trầy xước chảy máu, có lẽ do anh kín đáo che khuất chúng đi. Dù sử dụng một ngôn ngữ dễ hiểu, thơ anh không dễ hiểu. Trong thơ có nhu cầu giao tiếp, dù đôi khi anh cũng khá riêng tư:
Mang linh hồn ruộng đồng
Em rụng vào đêm lạ
Đó là tâm sự hơn là tuyên bố khép kín. Thơ Inrasara cũng có một nhược điểm là đôi khi anh chú trọng đến thế giới bên ngoài nhiều hơn thế giới nội tâm cá nhân. Điều đó có thể hiểu được, vì Chăm trong thơ anh trước hết là một thứ mẫu gốc văn hóa, có tính cộng đồng. Con đường anh đi là đến với những tầng lịch sử, những vỉa huyền thoại, anh muốn lắng nghe và kể lại câu chuyện đã bị lãng quên.
Ngươi đứng trên đồi trọc kia cô độc ngàn đời
như ngươi
giữa sa mạc người trần gian ta khát
buồn ta chiều nay lớn dậy và vỡ òa tiếng hát
sầu ca vọng vào nẻo đường bỏ quên
Mặc dù làm thơ như một tuyên ngôn chống lại cái cũ, anh vẫn còn giữ mối liên lạc với trường thẩm mỹ cổ điển, với thứ ngôn ngữ trong sáng, thể hiện rõ trong những bài thơ có tính xã hội.
Có đất nước tự do ở đó quan to được tự do ăn cướp
công nhân được tự do xin phép đình công
nông dân tự do mất đất
Có tiến sĩ Chăm không đọc thủng văn bản tiếng Chăm
Có con chiên của Chúa chưa bao giờ tin vào phép lạ của Chúa
Có nhà văn không tin có quốc gia nào đó trên trái đất nhà văn hưởng nhiều tự do hơn đất nước mình
Có loài dế không biết gáy
Có nửa làng làm giàu với tiền ăn mày
Có một làng khác nhiều nhà lầu được xây bằng nghề làm gái
Có con chó không dám chạy qua đường
Bài thơ của anh để mở một cánh cửa cho người đọc, vốn là thứ bị khép lại trong những nhà thơ hậu hiện đại nhất, càng về sau. Cái đẹp trong thơ Inrasara tuy buồn nhưng không tủi, tuy khổ nhưng không cơ hàn, ngược lại, nhiều phần thanh thoát, không phải tuyệt vọng. Thơ Inrasara chưa có những câu hay tuyệt bút, nhưng đó cũng không phải là cố gắng của các nhà thơ hiện nay. Ngược lại, các bài thơ của anh trọn vẹn, đi hết con đường của chúng, chứ không lở dở như ở vài người khác. Mỗi bài thơ là một câu chuyện kể, ít khi cố tình bỏ lửng. Inrasara không sử dụng nhiều bút pháp hài hước và châm biếm, ví dụ trong thơ Nguyễn Duy, Lê Vĩnh Tài, Lý Đợi, hay thách thức như trong Vũ Thành Sơn, Bùi Chát, Nguyễn Viện, mà có chất trầm tư dịu dàng như trong thơ của Nguyễn Quang Thiều, Hoàng Vũ Thuật, Mai Văn Phấn.
Những linh hồn không được nâng đỡ của chúng ta
Mưa tháng mười làm cho trì nặng
Chỉ còn hoa tagalau là chói sáng
Những giấc mơ
Đó là một đoạn thơ hay, tiêu biểu cho cách nói của anh. Chỉ tiếc là chữ chói sáng gây tình trạng phân vân, hiểu theo nhiều cách, như “chiếu sáng”. Inrasara làm thơ tự do, nhưng câu thơ của anh không phá vỡ quy luật thơ vần, vẫn có nhạc điệu riêng. Anh hay nói về các sự kiện văn hóa, các chi tiết lịch sử, nhưng chúng không phải được nhắc đến như hoài niệm, cũng không phải thông điệp. Chúng có đời sống riêng, thở hơi thở của hôm nay, đôi khi thô ráp như nắng gió quê nhà. Người đọc có cảm giác anh có nhiều điều để nói trong một bài thơ: đôi khi nhà thơ trở nên sôi nổi và ngôn ngữ không chạy kịp các hình ảnh. Đó là tình trạng liên kết nhảy vọt. Liên kết nhảy vọt tạo ra một hình thái khác của nội dung. Trong trường ca, anh viết những câu thật đẹp:
Palei ta nghèo
Gió trưa tràn bãi trắng
Cha trần thân quần quật cuốc nắng
Rồi một ngày em không còn nhớ
Một dòng ariya, một điệu mamơng
Mùi mưa Katê reo đỉnh tháp Chàm
Văn thổ cẩm hay màu mây cố quận
Em bập bềnh giữa ngữ ngôn hoang đãng
Hay trong bài Tháp nắng:
Chuyến xe Sài Gòn – Phan Rang tôi đi lại quá trăm lần
Tháp có đó – tôi vờ như không có
Đó là cách nói của nhận thức, chưa phải một kinh nghiệm chấn thương. Anh có ý thức rõ ràng về vị trí của mình, của những bí ẩn lịch sử và văn hóa mà anh nắm giữ, một thứ tiếng nói khác không đồng thời với chúng ta. Như vậy sáng tạo là một thứ phát hiện như bạn đi tìm một cái giếng và đào nó lên. Như vậy, anh là một người tìm kiếm, là kẻ từ chối các quan hệ tuyến tính, đòi hỏi những ngã rẽ, tính đồng đại, sự cắt lớp, là người du hành qua thời gian. Tóm lại, đó là một người hành hương thật sự.
Trong điệu vũ khơi vơi
Apsara phô phang đường cong diễm ảo
Những đường cong chạm vào vĩnh cửu
Vĩnh cửu xoay trong lốc vô thường
Thơ tìm kiếm sự vĩnh viễn của giây lát, sự gặp gỡ của các thế giới, sự nối kết giữa người đọc và người viết, giữa người viết và quá khứ. Anh thực sự là một nhà thơ của việc đi xuyên qua các biên giới, một người gây sự để hòa giải. Khuynh hướng ủng hộ nồng nhiệt của Inrasara đối với chủ nghĩa hậu hiện đại làm tôi hơi ngạc nhiên: anh không phải là người thường trực đả phá, không hoàn toàn ở ngoại biên, và về mặt cá nhân, anh không phải là một nghệ sĩ bất cần đời.
những sinh phận không tự do
thiếu tự do
mất tự do những sinh phận
bị cầm tù trong thế giới thung lũng nên không nên
mò mẫm giữa vòng vây của cho phép
của nghe nói của được nhìn
những sinh phận không biết đến tự do
chưa hề nếm, ngửi, sờ mó tự do
lầm lũi, câm lặng, đi lại, thở trong lồng như thể
đang sống
những sinh phận loãng ý thức về tự do
chối từ, chạy trốn, đào ngũ, hết thèm khát
tự do
tự lường gạt đã có khi chưa bao giờ có
tự do
lang thang đầm lầy ân sủng
những kẻ đánh tráo khái niệm tự do, phản bội tự do
sợ tự do
sợ cái đạp vào bức tường sợ
tiếng cánh cửa mở
sợ
đi một mình
suy nghĩ cho mình
những kẻ sợ chữ tự do như thể sợ
ma sợ
nhắc tiếng tự do sợ
người khác nói đến tự do
viết về tự do
sợ
tự do được rỉ tai dù bằng
tiếng Anh hay tiếng Pháp
liberty hay liberté
danh từ, tính từ hoặc động từ
được chia dẫu ở thì tương lai mơ hồ
hay thì xa xôi quá khứ thậm chí
bằng thứ ngôn ngữ một thổ dân
xa lạ
khi tôi lỡ bật ra tiếng tự do
tôi phải xúc miệng cả khi
tôi nói mớ
LIBERTY LIBERTÉ
TỰ DO
(Ở NƠI ẤY, TỰ DO)
(cảm tác từ Miến Điện)
Đây là một bài thơ hay, viết trực diện, phê phán mà lại có giọng thuyết phục, nhiều hơn là chế giễu, báng bổ, khinh bạc, như tôi vẫn thấy trong các bài thơ hậu hiện đại Anh Mỹ. Một bài thơ như thế này dễ bị bỏ qua vì giới phê bình chưa đủ sức đọc nó từ quan điểm phê bình, cũng như nhiều bài thơ khác, của nhiều người khác. Bài thơ có chủ đề nhưng vẫn giữ nét bay bổng ngẫu hứng. Đôi khi anh không ngại viết những câu không có ý nghĩa rõ ràng, chúng phục vụ cho tính ưa vui thích. Trong các nhà thơ đương thời, bất chấp những quan điểm xã hội mạnh mẽ, anh vẫn giữ lối nói dịu dàng, trang nghiêm:
đánh thức mặt đất và bầu trời thiên đường và địa ngục
thức dậy thiên thần con người quỷ dữ
Chúng ta lưỡng lự giữa một bên là nói hết và một bên là giữ lại. Bài thơ của anh đặt ra câu hỏi, nhưng ngôn ngữ không cứng rắn mà nhẹ nhõm, đôi khi mềm mại quá cái mức cần thiết. Anh có một giấc mơ muốn mang đi thật xa, một kiến giải về cuộc đời như quà tặng muốn mang cho. Bài thơ khởi đi từ cảm hứng lồ lộ:
Ôi Phan Rang Phan Rang sao không đâu khác mà Phan Rang?
Làm chú rể ở Phan Rang 2 lần
hát karaoke 3 lần, khóc 4 lần, đánh nhau say xỉn 5 lần.
Sinh ở Phan Rang chỉ 1 lần.
Hai câu đầu của đoạn này thật rung cảm. Câu thứ ba không đáng tin lắm. Sự thật trong văn chương là sự thật được nâng cao, chọn lọc, được tưởng tượng, nhớ lại, không thể kiểm soát bởi ý thức, vì vậy mà tiêu biểu hơn cho sự thật, nhưng cũng vì vậy mà dễ gần với sự đối lập của nó. Ranh giới là mong manh. Người đọc không thể kiểm tra tính sự thật của văn chương, họ chỉ kiểm tra tính tin cậy. Khi anh xếp các thứ tự 1, 2, 3, 4, 5, lòng tin ấy của tôi có thể bị lung lay, ngay cả khi chúng hoàn toàn có thật. Trong thơ, hoàn toàn có thật không có ý nghĩa gì. Nhưng Inrasara ở về phía mút cuối cùng của chủ nghĩa hiện đại. Anh sẽ vượt qua bằng nhiều bài thơ tân hình thức, tức là dùng cái điển lễ mà đùa chơi với tính vô mục đích của đời sống.
Chuyện 13. Trẻ dại
Tôi đã làm khổ cô láng giềng niên
khóa cuối trung học trước khu làm lang
thang. Năm năm nàng chờ, thằng vang nói
mày quá tệ làm nó khổ mày ngủ
ngon ăn khỏe còn nhăn răng cười như
khỉ. Ôi em còn hay đã thành ma,
hôm nay trời trăng nào biết? Tôi đã
chửi tệ bà nhà quê đáng tuổi mẹ
Tân hình thức, chữ dùng của Khế Iêm, dịch chữ New Formalism, mà Hoàng Hưng đòi dịch là Tân điển thức, là một khuynh hướng không còn xa lạ đối với độc giả Việt Nam, nhưng vẫn gây tranh cãi về học thuật. Bất cứ một lý thuyết văn học nào cũng chỉ có ý nghĩa nếu có những tác phẩm sáng tạo biện minh cho chúng. Các tác phẩm này lại cần có thời gian để thử thách. Vì vậy hãy còn quá sớm để tổng kết về các khuynh hướng văn học hiện nay, nhưng việc mở rộng các tranh luận, sẵn sàng để ngỏ, như Inrasara đang làm, là cần thiết. Thơ chính thống miền Bắc trước đây đã đi hết con đường của nó, thơ miền Nam thì đã bị vùi dập từ năm 1975, các nhà thơ Việt Nam hiện nay khá bơ vơ. Riêng đối với Tân hình thức (THT), tôi thử đề nghị với độc giả chưa quen, như sau: (1) trước hết bạn không cần quan tâm đến lý thuyết về thơ THT, đó là chuyện của các nhà thơ, (2) bạn đọc một bài thơ THT một cách tình cờ, không cần biết nó được xếp vào thể loại nào, đọc một cách bình thường như đối với những bài thơ khác. (3) trong vòng năm bảy câu đầu, nếu nhạc điệu của nó làm bạn chú ý, tò mò, nếu câu chuyện mà nó kể làm bạn muốn biết thêm nữa, thì nên đọc hết bài. Không thì thôi. Bài thơ THT trên đây, tôi đã đọc hết như thế, và nhiều bài thơ THT của Inrasara nữa. Tôi nghĩ, anh đã thành công. Mời bạn đọc thêm một bài khác, bài Sông Lu.
Sông Lu sinh ra cùng tôi năm đinh
dậu. Hai mươi tháng hạn sông Lu nằm
phơi thân trầm dòng vào lòng đất. Sông
Lu chảy quyết liệt lúc tôi vỡ tiếng
nói đầu đời, sông Lu ẩn mình trong
tôi khi tôi bỏ làng đi lang bạt,
lần nữa sông Lu lại ra đời với
tôi ngày trở về. Đừng ai hỏi sông
Lu ở đâu, đất Phan Thiết sông Lu
lớn dậy chảy ngang trời Sài Gòn bay
Tokyo, sông Lu tắt Baghdad
hát cùng Euphrates. Sông Lu ngã bệnh
chết khát, như tôi, sông Lu giận dữ
gào thét hay rì rầm kể chuyện. Sông
Lu khô – cháy, đứng – đói, đầy – trào, sông
Lu nung nóng đồi cát hay sông Lu
tự vỡ bờ chở phù sa bồi ruộng
đất quê hương. Cả khi sông Lu bị
con người biến thành thứ mương tháo vô
dụng, sông Lu vẫn cần cù mang phù
sa đổ vào biển. Sống như là mang
phù sa đổ vào biển.
Inrasara là người cổ động cho chủ nghĩa hậu hiện đại, nhưng thơ anh lại ít có tính chất ấy, mặc dù vẫn có, trong khi anh không mấy tỏ ra nồng nhiệt với thơ Tân hình thức thì thơ Tân hình thức của anh lại hay, có duyên, tôi đọc thấy thú vị như khi đọc một vài nhà thơ THT nổi tiếng khác. Thế mới biết lý thuyết và thực tế sáng tác là hai chuyện khác nhau.
Heleh
Sau đường cày cuối cùng anh đi vào ánh sáng
Làm sao chúng ta hiểu được?!
Tình yêu trở thành lễ tẩy trần. Quê hương của chúng ta là bầu trời xanh ngắt trên cao. Hãy nghe anh nói những lời thật đẹp:
Nắng đã khởi động trên đồi tháng tư
khởi động sớm hơn nhiều thế kỷ trước
khi biển còn chưa thức giấc
sớm hơn cả ký ức thầy chủ lễ già.
Sớm hơn. Nắng đã khởi động
nắng cưỡi lên chiếc roi mây vũ sư ka-ing
đánh thức trống baranưng còn nằm phủ bụi trên xà nhà
lay dậy tiếng gáy cặp gà trống đêm cuối cùng chờ hiến tế.
Tại sao chúng ta nghĩ nhiều về quê hương đến thế? Vì nó đau khổ. Tại sao chúng ta đọc? Vì văn chương an ủi chúng ta. Chúng ta đọc lịch sử để khai mở nhận thức. Trong thơ Inrasara, có cả văn chương và lịch sử, có những suy nghĩ sâu xa và những cảm xúc đã chín, tất nhiên không phải bao giờ cũng vậy. Khi chúng ta trở nên mạnh mẽ hơn, đau khổ trở nên chịu đựng được, và các bi kịch tự cắt nghĩa lấy. Inrasara bỏ qua một số bi kịch, đi tìm dung hòa giữa tính phê phán sắc bén và thái độ ung dung thảnh thơi trong đời sống. Tôi tin là anh thực sự muốn dung hợp, phối hợp những thứ khác nhau trong mỗi cá nhân và trong cộng đồng, trong tâm hồn và trên đất nước. Những kinh nghiệm chấn thương không xa lạ với anh. Anh trở lại thăm dò chúng, đặt tên cho chúng, để nhìn cho rõ cội rễ, kể lại những câu chuyện về chúng để viết lại thứ lịch sử riêng, lịch sử của tâm hồn người Việt, người Chăm. Do nguồn gốc xuất thân đặc biệt, anh có những điểm mạnh hơn nhiều người khác, chừng nào anh vẫn đứng ở góc độ ấy nhưng lại thừa sức vượt qua nó. Nhân đây, tôi muốn nói về hiện tượng những người viết văn có hoàn cảnh đặc biệt. Ví dụ: những người đã cầm súng từ hai miền, những người ở phía cực Nam như Nguyễn Ngọc Tư, người dân tộc vùng núi phía Bắc như Lò Ngân Sủn, tị nạn nửa chừng như Nguyễn Thanh Việt, đồng tính như Ocean Vương, người chuyển giới, vân vân. Thế mạnh của những người ấy đã rõ ràng và đó cũng là điểm yếu của họ. Họ khai thác quá nhiều một đề tài hay khai thác không thích hợp các đề tài thuộc về hoàn cảnh ấy, việc đó sẽ khoanh vùng họ lại, biến họ thành những người được chiêm ngưỡng trong các tủ kính của thứ văn nghệ phương xa. Tôi tin rằng Inrasara ý thức về điều này và anh tránh được trong nhiều trường hợp. Nói cách khác, đọc thơ anh, tôi muốn nhìn thấy ở đó trước hết một nhà thơ Việt, sau đó mới là một người sinh ra trong truyền thống Chăm. Thơ anh đầy nỗi hân hoan, làm mới lại ký ức.
Người nông dân nhô từ đồng nhiễm mặn
trồi từ đồi cát hanh
trôi từ núi đá trần
người nông dân bay từ phố sáng
Về
đều bước về palei
Một ngày bình thường có thể trở thành bài học cho chính nó. Trong một thời đại vội vàng, một xã hội tan vỡ, tình yêu gần như là thành trì cuối cùng. Bài thơ đứng đó như căn nhà của tâm hồn thi sĩ, chỗ trú ẩn cuối cùng của tình yêu. Chúng ta đọc thấy lời ca ngợi đối với cuộc đời, những chi tiết lặng lẽ, quý báu, được anh nói đến một cách nhẹ nhõm hơn chính sức nặng của chúng. Tuy viết nhiều về các phong tục, nhắc đến nhiều nhân vật cụ thể, hình như Inrasara ít có những bài thơ tình hoàn toàn dành cho phụ nữ, ngược lại giữa những câu thơ trữ tình, hình ảnh của đất nước được anh vẽ lại bằng phương pháp tự sự thật sống động.
Như bà mẹ vắt cạn bầu sữa dòng sông trầm mình nuôi lớn hai bờ cây. Cho mùa khô gió reo vào đường lá còn nghe vọng tiếng nói dòng sông.
Hay khi ánh trăng soi cành xanh còn thấy động hình ảnh dòng sông gợn chảy. Hay khi trưa cháy nắng ngã mình dưới tàn cây anh nông dân còn được nhìn bóng dáng dòng sông.
Dòng sông đi.
Dòng sông vẫn gửi lời cám ơn ở lại.
Lời cám ơn tiềm ẩn được gửi về sinh thể nhận nơi dòng sông dưỡng chất trần gian. Từ chú dế mèn đêm khuya ru giấc mộng trẻ thơ đến lũ nhái suốt mùa ca lời ca vô nghĩa. Hay từ cánh cò xa làm của điểm trang bầu trời miền hoang dã đến đứa con quê hương mang vết tích dòng sông đi về vô định phương trời.
Dòng sông mãi vọng lời cảm tạ.
Thơ Inrasara có tính mục đích. Có một sợi chỉ xuyên qua các bài thơ của anh, bạn nắm lấy nó, đi theo, bạn đi tới chỗ sáng sủa, thanh tẩy hơn. Tác giả có thể dùng nhiều thủ pháp hậu hiện đại, hài hước, đả kích, nhưng đó là một dòng thơ có hướng vector. Mũi tên ấy xoay trở nhiều lần, ngập ngừng, chao đảo, nhưng cuối cùng thường chỉ về sự hướng thượng của tâm hồn cá nhân, vô thức tập thể. Hệ thống diễn ngôn của một xã hội, như Việt Nam sau chiến tranh, có tác dụng hướng dẫn toàn bộ xã hội, đàn áp những tình cảm riêng biệt, nô lệ hóa các cá nhân. Thơ là sự thăm dò vào vô thức, khơi mở sáng tạo không phải chỉ vì các lý do thẩm mỹ mà còn là sự nổi loạn chống lại tình trạnh nô lệ hóa ấy. Thơ Inrasara, cùng với thơ của những nhà thơ đương đại, đang cùng nhau tạo ra những diễn ngôn mới, lưu giữ các truyền thống văn hóa đang bị hủy diệt, và biểu hiện những cảm xúc của thời đại mình, chia sẻ với cộng đồng dân tộc các thao thức của người trí thức hôm nay đối với nạn diệt vong về văn hóa.
Sống nghĩa là tạ ơn- ơn ngãi đầy tràn
nằm ngoài chân trời đếm đo được mất
tạ ơn làm cho ta lớn lên
Thơ Inrasara có yếu tố siêu thực, nhưng chúng không lấn át nhu cầu bày tỏ các quan điểm của anh, những cảm xúc đương thời, đôi khi như một chủ nghĩa hiện thực lãng mạn thực sự. Thơ Inrasara sử dụng nhiều điển tích và các tham chiếu văn hóa địa phương, trong khi đó ngôn ngữ của anh vẫn là ngôn ngữ rất Việt, phổ biến.
Không còn cơ hội nào cho mi khóc nữa
không còn con đường trước mặt sau lưng
trên đầu dưới chân
Làm loài dê rừng dính lưới
Đặc tính của thơ hiện nay là rời bỏ tính xúc cảm thuần túy, giọng điệu ngọt ngào, mà chúng ta hay gặp trong thời kỳ thơ mới, hơn thế nữa cũng rời bỏ cả chất hiện đại phổ biến trong thời kỳ hai mươi năm văn học miền Nam và ngày càng trở nên chua chát, dữ dội, gây lộn, dạt ra bên lề. Trong khuynh hướng ấy, Inrasara ở đâu? Anh ở về phía gần tới chỗ tận cùng của các cuộc vận động đương thời, nhưng khác với người khác, vẫn giữ được sự cân bằng giữa các đối trọng, giữ vững tính kiến tạo nhiều hơn phá phách, giữ được cân bằng giữa bi kịch và hài kịch, là một dòng thơ có khuynh hướng xã hội nhưng vẫn hướng nội, nhu hòa.
Lại xanh trong tôi- dù rừng đã cháy
Lại chảy trong tôi- dù sông đã chết
Chợt hanh lại cát- chợt buồn lại ru
Chợt duyên lại em- chợt hoang lại tháp
Thơ anh chứa nhiều vỉa tầng của thế giới nguyên thủy, hãy còn xa lạ với chúng ta. Chất liệu văn chương và sự khai thác nó làm nên sự khác biệt của Inrasara. Chất liệu ấy người khác không có được: truyền thống văn hóa, các điển lễ, phong tục, niềm tin, các huyền thoại, bi kịch của một dân tộc mỗi ngày một lùi sâu vào quá khứ, trong mối quan hệ với những xung đột đương đại. Nhưng nếu chỉ dựa vào chất liệu sáng tạo thì Inrasara không thể đi xa, cùng lắm chỉ trở thành một nhà thơ địa phương. Tài năng của anh dựa trên nhiều yếu tố khác, có lẽ trước hết nhờ giọng điệu ngôn ngữ riêng biệt, một giọng trầm lắng, tuy hiện đại nhưng không quá hài hước, xúc cảm nhưng không bi lụy, nhờ sự quan tâm sâu sắc của anh đối với những vấn đề thời sự, nhưng theo tôi lớn nhất là tình yêu của anh đối với đất nước, tình yêu ấy lớn như lòng mẹ, êm đềm và đau đớn như tình yêu nam nữ, vợ chồng. Tất cả sự nhạy cảm của anh trong các vấn đề thời thế, văn hóa, chú tâm miệt mài trong việc gìn giữ những giá trị Chăm thiêng liêng, nói cho cùng đều sinh ra từ tình yêu ấy. Thơ anh là tiếng gọi trở về, cuộc trở về thiêng liêng, anh muốn trở về đâu? Về quê hương như một vùng đất.
Ôi Phan Rang Phan Rang sao không đâu khác mà Phan Rang
Về một cái nôi văn hóa, giấc ngủ đầu tiên trên mặt đất, ngôn ngữ.
Rồi một ngày em quên
Plây ta nghèo
Gió trưa tràn bãi trắng
Cha trần thân quần quật cuốc nắng
Cuốc mãi cuốc hoài hút bóng ban mai
Lời ca dao ngấn mỗi vạt ru dài
Rưng rưng hai đầu võng
Nửa con đau – nửa đồng lũ cuốn
Giọt mưa vơi khôn vợi buồn đầy
Tôi tin rằng con đường hành hương dù xa xôi hiểm trở, dù quyến rũ, thực ra là con đường nội tâm, đi tìm cội nguồn tâm linh trong mỗi cá nhân. Thơ anh nói về sự khó khăn của con người hôm nay để giữ được thăng bằng giữa sinh thái và tiến bộ; chọn thế đứng ở vùng gần ngoại biên là một lựa chọn đầy ý thức. Nỗi buồn, sự th ất vọng, trong khi làm cho ngôn ngữ trở nên tối tăm, thì ý thức xã hội làm cho nó trở nên trong sáng. Anh nhắc nhiều đến xứ sở, cội nguồn, yêu mến, rao giảng về nó, thuyết phục nhân loại về nó, đứng lên bảo vệ nó. Nhưng tình yêu riêng tư của anh thì sao? Thơ anh có nhiều nụ cười dí dỏm, thầm kín, sự mực thước, sự nổi loạn về ý tưởng nhiều hơn về ngôn ngữ, sự mất cân bằng giữa cái đẹp và các thông điệp. Rõ ràng anh viết từ một góc nhìn đặc biệt, thậm chí bằng ngôn ngữ riêng, nhưng ở đó người đọc vẫn nhìn thấy một tâm hồn Chăm và Việt hòa trộn, lộng lẫy, và đôi khi một con người nhân loại, sự cảm kích trước đời sống và cái đẹp, tính phản kháng trước tội ác và sự suy đồi, sự lo sợ, bất an, lời kêu gọi trở về, cuộc hành hương bất tận, giữa hoa cỏ bốn mùa của một đời sống giản dị, khoáng đãng, chất phác.
Nguyễn Đức Tùng
Nguồn tham khảo:
– http://vanviet.info/tho/tho-inrasara
– Inrasara, Minh Triết Cham, NXB Tri thức, 2016
“Mười bảy thế kỷ có mặt, người Champa đã dựng nên nền văn hóa – văn minh độc đáo. Sau khi vươn quôc Champa tan rã để hòa nhập và đất nước Việt Nam, nó bị mai một và mất mát rất nhiều. Nó cần được lưu giữ. Và cần được lưu truyền hơn nữa, là tinh hoa của nó – tinh túy của tinh túy.
Chính là minh triết Cham.”
– Inrasara, The purification festival in April, Lễ tẩy trần tháng Tư, translated by Alec Schachner, NXB Văn hoá – Văn Nghệ TPHCM, 2015.
– Inrasara, Nhập cuộc về hướng mở, NXB Văn học, 2014
Trong đó, Inrasara cũng tin rằng chủ nghĩa hậu hiện đại gặp gỡ Đông phương, tính hậu hiện đại ẩn tàng trong truyền thống tư tưởng Phật giáo.
– Thơ đến từ đâu, Inrasara, Nguyễn Đức Tùng, Talawas, 6.2006.
– Thơ Việt Nam thế kỷ XX- thơ trữ tình, Nguyễn Bùi Vợi, Quang Huy, Vũ Quần Phương, NXB Giáo Dục, 2005.
– Tiểu sử nhà thơ Inrasara (thivien.net):
Nhà thơ Inrasara tên
thật là Phú Trạm, sinh ngày 20 tháng 9 năm 1957 tại làng Chakleng – Mỹ Nghiệp,
thị trấn Phước Dân, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận. Ông là một nhà thơ gốc
Chăm có tiếng.
Inrasara lớn lên trong những làng Chăm cổ nhất, nơi các gia đình vẫn theo truyền
thống mẫu hệ, ông từng là sinh viên Trường Đại học Sư phạm TP Hồ Chí Minh nhưng
rồi bỏ học, đi, đọc và làm thơ. Năm 1982, ông làm nghiên cứu ở Ban Biên soạn
sách chữ Chăm – Ninh Thuận. Từ năm 1998, ông làm việc tự do. Hiện ông sống tại
thành phố Hồ Chí Minh, làm nghiên cứu văn hoá Chăm, làm thơ, viết văn, dịch
& viết tiểu luận – phê bình văn học. Ông là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam,
Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam, Hội Văn học – nghệ thuật các Dân tộc thiểu số
Việt Nam.
Tác phẩm:
– Tháp nắng (thơ và trường ca, NXB Thanh niên, 1996)
– Sinh nhật cây xương rồng (thơ song ngữ Việt – Chăm, NXB Văn hoá Dân tộc,
1997)
– Hành hương em (thơ, NXB Trẻ TP Hồ Chí Minh, 1999)
– Lễ tẩy trần tháng tư (thơ và trường ca, NXB Hội Nhà văn, 2002)
– Inrasara (thơ, NXB Kim Đồng, 2003)
– The Purification Festival in April (thơ song ngữ Anh – Việt, NXB Văn Nghệ TP
Hồ Chí Minh, 2005)
– Chân dung cát (tiểu thuyết, NXB Hội Nhà văn, 2006)
– Chuyện 40 năm mới kể và 18 bài thơ tân hình thức (thơ, NXB Hội Nhà văn, 2006)
– Chưa đủ cô đơn cho sáng tạo[6] (tiểu luận – phê bình, NXB Văn Nghệ TP Hồ Chí
Minh, 2006)
– Song thoại với cái mới (tiểu luận, NXB Hội Nhà văn, 2008)
– Hàng mã kí ức (tiểu thuyết, NXB Văn học, 2011)
– Thơ Việt, hành trình chuyển hướng say (NXB Thanh niên, 2014)
– Nhập cuộc về hướng mở (tiểu luận – phê bình, NXB Văn học, 2014)